Các yếu tố “tài năng”
Khi luyện nghe tiếng Anh, một số người sẽ có “lợi thế so sánh” với những người khác, ví dụ như khả năng thẩm âm và trí nhớ ngắn hạn. Khả năng thẩm âm có nghĩa là bạn có thể phân biệt các âm khác nhau một cách tương đối dễ dàng, ví dụ, trong khi nhiều người nghe “fist” với “feast” như nhau, bạn vẫn nhận ra sự khác biệt giữa 2 từ này. Khả năng này có thể luyện tập thông qua học phát âm hoặc sử dụng ngôn ngữ liên tục.
Thứ hai là khả năng ghi nhớ ngắn hạn. Những người có trí nhớ ngắn hạn tốt có thể ghi nhớ từ vựng, cấu trúc ngữ pháp… dễ dàng hơn so với những người có trí nhớ ngắn hạn kém hơn.
Trí nhớ ngắn hạn kém đôi khi có nghĩa là bạn nghe 1 câu dài đến cuối câu thì quên mất đầu câu người ta nói gì. Nhưng đây cũng là một năng lực có thể luyện tập được.
Đó là một vài ví dụ nhỏ về “tài năng” có thể giúp bạn nghe tiếng Anh dễ dàng hơn một số người khác, nhưng nó không đảm bảo được việc bạn nghe giỏi.
3 chân kiềng trong nghe tiếng Anh
Khi nghe tiếng Anh, bạn cần có từ vựng, ngữ pháp và phát âm tiếng Anh tốt để có thể hiểu một cách nhanh chóng. Đây giống như cái “kiềng ba chân” giúp bạn có thể nghe tiếng Anh dễ dàng. Nhưng chừng đó là không đủ. Có một yếu tố khác khiến cho những người nghe “chăm chỉ” có lợi thế tuyệt đối hơn so với những người “lười” và “tài năng”: sự luyện tập.
Nghe là một kỹ năng, giống như việc đi xe máy vậy, khi mới tập, bạn sẽ phải nhớ rằng nếu muốn giảm tốc thì phải giảm ga, rà phanh, bấm còi… Nhưng khi đã đi quen, thì bạn chẳng cần phải nhớ gì hết, bạn muốn giảm tốc thì tự nhiên sẽ thấy mình giảm tốc thôi. Đó là quá trình “tự động hóa”.
Tương tự, khi nghe, bạn sẽ cần phải đào tạo để não nghe, nhận diện chuỗi âm thanh và hiểu ngay lập tức, mà không cần phải qua các bước phức tạp và cụ thể như:
– Nguyên âm của từ là gì nhỉ, âm cuối là gì nhỉ?
– Suy ra từ khóa ở đây là gì nhỉ?
– Từ này có nghĩa gì nhỉ?
– Trong cấu trúc ngữ pháp này, thì cả câu nghĩa là gì nhỉ?
Nếu bạn vẫn phải đi qua từng ấy bước, não sẽ phải vận động rất “mệt”, và quá trình nghe chưa được “tự động hóa”.
Thế nào là nghe giỏi
Nghe giỏi là việc bạn nghe một chuỗi âm thanh, và bắt được từ khóa ngay lập tức, hiểu được cấu trúc ngay lập tức, và làm việc đó mà không cần phải tập trung một chút nào cả.
Vậy, làm thế nào để có thể làm được cả 3 việc trên? Bạn cần phải nghe rất nhiều một từ hoặc cách diễn đạt nào đó. Và điều này cần sự chăm chỉ.
Ví dụ, một lần, khi mình dạy lớp nghe, có câu: “I’ve practiced yoga on and off for years”, cả lớp không ai “bắt” được từ “on and off” mặc dù những từ này, và cả cách phát âm nữa, đều quen thuộc với tất cả mọi người. Hầu hết người học đều đã học phát âm tiếng Anh và bắt âm rất chuẩn, họ có thể “luận” ra được IPA, nhưng vẫn không đoán được.
Đến khi mình giải thích, thì cả lớp mới “ồ” lên. Lý do tại sao bạn không nghe được những từ tưởng như rất quen thuộc? Nhiều bạn học viên nói rằng do “nối âm” – mình cũng đồng ý luôn.
Nhưng cốt lõi nhất của vấn đề là: đây là lần đầu tiên (hoặc một trong những lần đầu tiên) mà các bạn nghe cụm này.
Vì các bạn chưa nghe lần nào, nên trong não các bạn không có một “bản ghi” về cách phát âm cả cụm, do đó, khi nghe cụm thì không thể nhận ra được, mà phải phân tích từ đầu theo những bước như ở trên. Nếu may mắn, bạn có thể luận ra được, nhưng phần lớn thời gian là không.
Cách để nghe giỏi
Vậy, tóm lại, để nghe giỏi, bạn phải nghe và “học thuộc” cách phát âm của hàng trăm từ và cụm từ trong tiếng Anh trong thực tế. Và mỗi từ hoặc cụm từ có thể được phát âm hơi khác nhau một chút, ví dụ theo giọng Anh Anh hoặc Anh Mỹ, hoặc Anh Ấn…
Khi bạn nghe càng nhiều, não sẽ “ghi nhớ” càng nhiều các bản ghi về những từ quen thuôc, những cụm thường gặp, và khi bạn nghe, não sẽ tự “khớp” nó và bạn không còn cảm thấy khó khăn nữa. Đó là nguyên lý luyện nghe.
Do đó, khi luyện nghe cho các bạn, mình luôn yêu cầu tối thiểu với các học viên là phải học thuộc cách phát âm của 1 từ/cụm từ mà các bạn nghe vài lần đầu không ra. Kể cả đó là cụm từ mà bạn coi là đã quen thuộc.
Vì khi bạn nghe lần đầu và không “nhận diện” được, não của bạn chưa “ghi nhớ” cách phát âm của từ/cụm từ đó đủ sâu. Bạn phải học với tâm thế: lần sau mình gặp lại, chắc chắn sẽ nghe được từ/cụm từ này.
Khi các bạn học càng chăm, lượng “bản ghi nhớ” càng nhiều, số lượng các từ “khó giải mã” sẽ càng ít đi. Còn nếu bạn chỉ dựa vào “tài năng”, thì khi nghe, bạn sẽ luôn “thiếu” các bản ghi. Do đó, sẽ luôn gặp khó khăn khi “giải mã”, đặc biệt nếu bạn gặp những tài liệu phức tạp và ít quen thuộc.
Đó là lý do nếu bạn muốn nghe tiếng Anh tốt, bạn buộc phải chăm chỉ, đặc biệt nếu bạn ít tiếp xúc với ngôn ngữ này trong cuộc sống.
Tác giả: thầy Quang Nguyễn