‘Practice makes perfect’ là câu nói quen thuộc của người học tiếng Anh. Ngoài ra, còn có một câu nữa ‘if you don’t use it, you’ll lose it’ – có nghĩa là ngôn ngữ là thứ mà nếu bạn không sử dụng, bạn sẽ mất nó.
Tư duy bằng tiếng Anh
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của thực hành nói tiếng Anh. Một điều thú vị là khi bạn sử dụng tiếng Anh, kể cả chưa chuẩn lắm, thì khả năng tiếng Anh của bạn cũng được nâng cao. Lý do là khi sử dụng tiếng Anh, bạn sẽ phải tư duy bằng tiếng Anh. Ví dụ, khi bạn muốn nói “Tôi cần mua dầu gội đầu trị gầu” thì bạn cần biết từ “mua”, “dầu gội”, “gầu” trong tiếng Anh là gì. Việc tư duy như vậy sẽ giúp bạn tăng cường từ vựng tối thiểu, bao gồm từ “buy”, “shampoo” và “dandruff” (hoặc cả từ anti-dandruff nữa).
Khi tư duy bằng tiếng Anh, bạn cũng sẽ hấp thụ tiếng Anh tốt hơn. Khả năng nghe hiểu sẽ được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, những lợi ích trên chỉ có được nếu khả năng tiếng Anh của bạn đã tương đối tốt, hoặc người nói chuyện với bạn có khả năng tiếng Anh tương đối tốt.
Phát âm tiếng Anh của bạn có chuẩn?
Đầu những năm 2000, khi còn là sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, tôi khởi xướng phong trào luyện nói tiếng Anh trong lớp. Nôm na là nói tiếng Anh mọi lúc có thể, mọi nơi có thể. Chúng tôi say mê nói tiếng Anh với nhau, tham gia câu lạc bộ tiếng Anh, tham dự các buổi thuyết trình bằng tiếng Anh…
Nhưng chúng tôi chỉ tự tin khi nói chuyện với nhau. Còn khi gặp người nước ngoài thì… ngọng. Nói không giao tiếp được thì không đúng, nhưng cái tự tin lại bay đâu mất. Tôi cũng lờ mờ nhận ra, cách nói, cách phát âm của chúng tôi và người nước ngoài rất khác nhau. Dù cố gắng, chúng tôi không thể khỏa lấp sự khác biệt đó được.
Tấm gương thành công
Trong lớp tôi có một cậu bạn tương đối thân, người Thái Bình. Cậu luôn phải bươn chải cuộc sống và làm rất nhiều nghề bằng vốn tiếng Anh của mình, từ lễ tân khách sạn, tới dẫn khách đi tour. Cậu luôn là tấm gương cho tôi – một chàng “công tử bột” được chiều từ bé.
Phải nói là cả lớp ít người công nhận bạn tôi nói tiếng Anh chuẩn. Cậu nói nhanh và rất khó hiểu với sinh viên bọn tôi thời ấy. Tôi có cảm giác, cậu luôn nuốt âm, nuốt lời, cách nói luôn vội vã. Nhưng khi giao tiếp với người nước ngoài, cậu luôn tỏ ra tự tin và xuất sắc.
Sau này, khi ra trường, cậu bạn nhanh chóng tìm được công việc tốt trong một dự án nước ngoài, trở thành một phiên dịch kỳ cựu. Trong khi đó, dù tập luyện với nhau rất nhiều, tôi vẫn tự ti về tiếng Anh của mình mỗi khi giao tiếp với người nước ngoài.
Sự khác biệt
Tại sao tôi cũng lăn lộn ở các CLB tiếng Anh suốt ngày, và giao tiếp không bao giờ tự tin. Còn cậu bạn thì đi làm thì lại rất “ngon lành”?
Sau này, khi đã sống ở Mỹ một thời gian, tôi nhận ra sự khác biệt lớn nhất giữa chúng tôi chính là khả năng nghe và phát âm tiếng Anh. Cậu bạn tôi, trong quá trình nhiều năm giao tiếp với người nước ngoài, đã luyện được khả năng nghe tốt và học được phát âm “chuẩn” từ người bản xứ. Còn chúng tôi thì cứ nói “tiếng Anh kiểu Việt Nam” với nhau, nên quen nghe “accent Việt” và lại rất lười luyện nghe tiếng Anh, nên “ếch ngồi đáy giếng”.
Tôi nhận ra, nếu ngày đó giao tiếp tiếng Anh với bạn bè, có hành trang là “phát âm tiếng Anh chuẩn”, và “luyện nghe tiếng Anh hàng ngày” (nghe đài, Youtube, xem phim…), câu chuyện đã khác đi rất nhiều.
Công thức thành công trong giao tiếp tiếng Anh
Ngày nay, thế giới đã “phẳng” hơn rất nhiều so với tuổi 20 của tôi hơn 20 năm về trước. Nhưng công thức thành công trong tiếng Anh vẫn vậy:
- Tư duy bằng tiếng Anh (hãy giao tiếp bất kỳ khi nào có thể)
- Nghe thật tốt (nguồn luyện nghe tiếng Anh hoặc khóa đào tạo nghe tiếng Anh)
- Nắm vững các nguyên tắc phát âm tiếng Anh chuẩn (khóa COACH phát âm tiếng Anh)
Cậu bạn của tôi từ 20 năm trước đã nắm đủ 3 yếu tố thành công ở trên: thực hành trong công việc, và học phát âm tiếng Anh trên giảng đường (chúng tôi học ở HUFS – giờ là Hanu).
Tác giả: Quang Nguyen