Bài viết nói về phép lịch sự trong tiếng Anh và trong thực tế sử dụng ở Mỹ, bao gồm:
- Lịch sự trong tiếng Anh;
- Cách sử dụng từ “please”, và;
- Phép lịch sự khi ăn nhà hàng ở Mỹ
Lịch sự trong tiếng Anh
Lịch sự tiếng Anh là “polite”, bài viết chia sẻ về “politeness” trong văn hóa Mỹ:
- Cảm giác “người Mỹ thân thiện”;
- Cách nói “không đồng ý” trong tiếng Anh;
- Phép lịch sự gây hiểu lầm, và;
- Lời nói dối vô hại “white lie”
Trong cuộc sống, đôi khi, bạn cần dùng đến “white lie” (lời nói dối vô hại) trong giao tiếp để tránh làm mất lòng đối phương.
Người Mỹ thân thiện
Lúc mới sang Mỹ, hầu hết mọi người cảm thấy dân Mỹ rất thân thiện. Lý do là họ gần như không nói gì làm mình cảm thấy “offended” (mất lòng). Tuy nhiên, thực ra đây là văn hóa xã giao của họ.
Sự thân thiện thể hiện bằng các câu nói hàng ngày, như “excuse me?” khi ai đó đứng chắn đường của bạn trong siêu thị. Kiểu “ngoại giao” này rõ ràng có tác dụng rất tốt trong việc giảm stress cho cả xã hội nói chung. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, đôi khi bạn sẽ thấy sự móc máy trong ngữ điệu của người nói. Có nghĩa là, khi nói “excuse me”, họ “đính kèm” thêm: “I don’t mean what I say, get out of my way”.
Cách nói “không đồng ý” trong tiếng Anh
Nhưng nó cũng có thể gây phiền phức cho những người không hiểu về văn hóa Mỹ, và quá thật thà. Đơn giản, trong văn hóa Mỹ, nếu không đồng ý với người khác, bạn nên tránh đối đầu trực tiếp bằng cách nói thẳng: “I think you’re wrong”. Cách nói thông thường là: “I partly agree with you…” hoặc “you’re kind of right, but…”.
Phép lịch sự gây hiểu lầm
Ở khía cạnh khác, lịch sự kiểu Mỹ có thể gây ra hiểu lầm cho người không quen với văn hóa. Ví dụ, khi bạn tặng người khác một món quà, và người ấy nói: “Waooo, it’s wonderful, thank you”, chưa chắc họ đã thực sự thích món quà đó. Lúc này, để đoán được thực sự họ nghĩ gì, phải dựa vào sắc mặt, cách nói, biểu hiện của người nói để đoán được. Những tình huống như vậy xảy ra hàng ngày.
Một ví dụ khác, khi bạn đi xem phim với một người Mỹ và cảm thấy bộ phim dở tệ, nhưng người bạn lại nói “It’s a wonderful film, isn’t it?”, bạn sẽ trả lời thế nào? Một trong những cách để trả lời câu hỏi trên là tìm ra một khía cạnh nào đó của bộ phim mà bạn thấy thú vị, chẳng hạn: “Yes, the actress is really beautiful, I like her so much”.
Vấn đề này trong ngôn ngữ học gọi là “pragmatics”, tức là một câu nói ra ở những tình huống khác nhau sẽ được hiểu khác nhau, tùy vào tình huống mà lựa chọn cách nói phù hợp. Người học tiếng Anh ở Việt Nam ít quan tâm tới vấn đề này, nên khi ra nước ngoài hoặc khi giao tiếp với người bản xứ gặp không ít rắc rối. Ví dụ làm sao để bày tỏ sự không đồng tình một cách lịch sự, làm sao để từ chối mà không “offend” người đối diện.
Với những tình huống như trên, bạn có thể nói giảm nói tránh, tức là không tập trung vào chủ đề chính, mà nói về một phần vấn đề (khen cảnh quay phim đẹp, diễn viên xinh…), hoặc có thể khơi gợi để người kia nói thêm về bộ phim “so, what do you think about (the plot)?”.
Lời nói dối vô hại (white lie)
Về “white lie”, lời nói dối vô hại, người Mỹ sử dụng khá nhiều trong giao tiếp và được hiểu như một cách nói lịch sự. Người bản xứ giao tiếp với nhau đều nhận ra đó có phải là “white lie” hay không, và họ chấp nhận vấn đề đó. Ví dụ, nếu chủ nhà mời ăn món mà bạn thấy không ngon, thay vì cứ cố gắng ăn, thì họ có thể sẽ nói là “the food is great but I’m on a diet”, như vậy, chẳng ai nói được gì. Chủ nhà có thể đoán được đó là một “white lie”.
Tuy nhiên, trong giao tiếp, không có đáp án đúng tuyệt đối. Bạn luôn có thể chọn lựa phong cách “thật thà” như Steve Jobs, nói “this is crap” khi ông thấy một sản phẩm không hoàn hảo hoặc một phong cách nho nhã như Obama. Nhưng hãy chắc chắn rằng người khác không hiểu sai ý của bạn. Đó chính là chỗ giao thoa giữa học ngôn ngữ và học văn hóa.
Tác giả: Quang Nguyễn
Bài đăng trên vnexpress: Cách giao tiếp lịch sự kiểu Mỹ
“Please” – từ tiếng Anh đơn giản nhưng hiệu quả
Ở Việt Nam, chúng ta thường được học những câu như “can you please…”, “could you please…”, ngắn gọn là trong bối cảnh mình là người hỏi. Nhưng nhiều người sẽ bị bối rối trong trường hợp ngược lại – là người trả lời.
Khi còn học và làm việc ở nước ngoài, mình phải giao tiếp rất nhiều với người bản xứ. Với vốn ngoại ngữ nghèo nàn tích lũy trong nước, rất nhiều trường hợp mình bị rơi vào tình huống xấu hổ do lỗi sử dụng ngôn ngữ. Một trong những lỗi nghiêm trọng liên quan tới từ “please”.
“Please” trong tiếng Anh thường là thán từ, không có nghĩa, nhưng lại rất có ý nghĩa. Nó thể hiện thái độ của người nói với người nghe.
Phân biệt ‘Please’ và ‘Police’ (Moon ESL)
Ở Việt Nam, chúng ta thường được học những câu như “can you please…”, “could you please…”, ngắn gọn là trong bối cảnh mình là người hỏi. Mình bị bối rối trong trường hợp ngược lại – là người trả lời. Dưới đây là một tình huống như thế:
Đi siêu thị Meijer, sau khi check out, người bán hàng nói:
“Do you want to bag the items?”.
“Yes”, mình trả lời.
Và luôn nhận được một cái nhìn không mấy thiện cảm.
Một lần, đi với cô Moon, mình lặp lại câu trả lời tương tự. Cô Moon mới nhắc “you should say yes, please, because she served you. It shows your politeness”.
Always say PLEASE! (and Thank you)
Từ đó về sau, mình luôn trả lời có từ “please” ở đằng sau. Đi ăn hàng, người ta hỏi “Do you want the main course?” “Yes, please” mình trả lời. Đi mua xăng, người ta hỏi “Do you want the regular type?”. “Yes, please”. Lên xe bus, có người lên sau hỏi “Can I sit here?”, “Yes, please”. Và luôn nhận được một ánh mắt đầy thiện cảm… Oh, please.
Quang Nguyen
Bài đăng trên Vnexpress: Please, đơn giản nhưng hiệu quả
Phép lịch sự khi ăn hàng ở Mỹ
Thầy giáo tiếng Anh Quang Nguyen chia sẻ câu chuyện thực tế khi đi ăn ở cửa hàng tại Mỹ và việc lóng ngóng chưa hiểu mối liên hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa.
Ngày xưa, tôi vốn tự tin đọc thông viết thạo tiếng Anh, một ngày được “hậu bối” hỏi: Anh ơi, nếu ra nước ngoài ăn hàng mà muốn gọi người phục vụ thì mình làm thế nào?
Dù chưa có kinh nghiệm, tôi vẫn trả lời theo “sách vở”: Em cứ gọi “Excuse me”, “Mr.” hoặc “Ms.” là được.
“Hậu bối” nhìn tôi đầy ngưỡng mộ, gật gù tán thưởng.
Ngày sang Michigan, Mỹ, tôi cùng người yêu đi “restaurant” cùng một “couple” người Mỹ. Quán Steak (phát âm là /steɪk/ (nghe giống “stếk) ấm cúng, phục vụ là một bà “waitress” mặt nhăn nhó như “monkey eats chilly”.
Đang ăn, tôi muốn “order” thêm bánh mì (bread), nên gọi phục vụ, đang đứng ở đằng xa:
– Excuse me?
Người phục vụ ném một cái nhìn đầy khó chịu về phía tôi. Tôi bối rối, hắng giọng, gọi to hơn:
– Miss!
Bà ném thêm cái nhìn khó chịu nữa rồi ngúng nguẩy đi phục vụ bàn khác. Tôi ngớ người.
Người bạn ngồi cùng giải thích:
– In restaurants, especially good ones, people don’t often call waiter or waitress. (ở nhà hàng, đặc biệt mấy cái xịn xịn, người ta thường không gọi phục vụ bàn)
Tôi ngạc nhiên:
– So what if we want to order something more, like adding more water or calling more food? (nếu mình muốn gọi đồ thì sao?)
– The waitress will regularly come to the table to check and ask. So we just sit and wait for her. (phục vụ bàn sẽ thường xuyên qua bàn và hỏi. Nên mình cứ ngồi đợi thôi)
– Do you ever call a waiter or waitress in restaurants like this? (bạn có bao giờ gọi phục vụ bàn không?)
– Yes, we do, if it takes too long. But normally, they will come and check. Anyway, we are the one who tip them. (Có, nếu phải đợi lâu quá. Nhưng thường thì họ sẽ đến và kiểm tra. Dù sao mình cũng “tip” họ mà)
Tôi mới hiểu, ở các cửa hàng Mỹ, thông thường người ta không gọi “cô ơi” hay “chị ơi”. Họ ngồi đợi, và người phục vụ sẽ đến bàn để kiểm tra một cách thường xuyên, đảm bảo độ hài lòng của khách hàng, đảm bảo tiền “tip” của mình.
Trường hợp đợi lâu quá, người ta cũng chỉ giơ tay ra hiệu, chứ không gọi toáng lên như trong văn hóa nhà mình.
Quang Nguyen
Bài đăng trên Vnexpress: Ăn hàng ở Mỹ – ngôn ngữ và văn hóa
Fanpage: MoonESL – phát âm tiếng Anh
Khóa học:Phát âm tiếng Anh – nói tự nhiên
Khóa học:Phương pháp luyện nghe sâu tiếng Anh