“Nghe bắt từ” và “nghe theo cụm” là gì?
Nghe bắt từ có nghĩa là nghe và tập trung vào các từ khóa để bắt. Ví dụ: “get in the car” thì chỉ tập trung vào bắt từ “get” và “car”. Hai từ “in” và “the” nghe được thì nghe, không thì “suy luận”. Phương pháp nghe bắt từ rất phù hợp với người học tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2.
Còn nghe theo cụm có nghĩa là nghe “get in the car” như một cụm, lúc này, người nghe không “tách” từ khóa ra, mà nghe cả một “chuỗi”: GEDdin-the-CAR, và hiểu luôn ý nghĩa cả chuỗi này. Trường hợp người nói làm mờ từ khóa “get” chẳng hạn, và bạn chỉ nghe, ví dụ: “g…in-the-CAR” thì vẫn có thể luận được từ bị thiếu là “GET”.
Tất nhiên, 2 phương pháp đều luôn được người luyện nghe áp dụng một cách “vô thức”.
Nhưng có một vấn đề rất thú vị là, khi mình yêu cầu học viên nghe theo 1 cụm (nghe gần như tất cả các từ và hiểu nghĩa của từng cụm), nhiều bạn không thể “theo” kịp, và gần như không hiểu bài.
Nhưng khi họ chuyển qua nghe “từ khóa”, việc hiểu trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Vậy, đâu là chiến lược nghe đúng, và liệu có cần phải “nghe theo cụm”, hay chỉ cần “nghe bắt từ khóa” là đủ? Và tại sao “nghe theo cụm” lại khó hơn “nghe bắt từ khóa”?
Mỗi đứa trẻ khi học tiếng mẹ đẻ (hoặc học trong môi trường ESL – ví dụ, trẻ em VN sang Mỹ) đều học nghe tiếng Anh theo cụm.
Ví dụ, mới đầu, trẻ sẽ nhận các mệnh lệnh ngắn từ bố hoặc mẹ: “put the shoes on”, “it’s time to bed”, “can you be faster?”, hoặc “I love you”… Những cụm này là “chuỗi âm thanh” mà trẻ sẽ nhớ, để sau này khi nói sẽ sử dụng ngay.
Khi nghe tiếng mẹ đẻ, một cách vô thức, chúng ta thường nghe theo những cụm như vậy, chứ không bắt từ khóa. Nghe như vậy sẽ “nhàn đầu” hơn, vì chúng ta có những “bản ghi nhớ” sẵn có trong đầu, trường hợp nghe bị “mất” từ khóa thì có thể vận dụng để “điền vào chỗ trống” một cách linh hoạt.
Với người học tiếng Anh, hầu hết không có những “cụm từ tiếng Anh thường gặp” sẵn ở trong đầu giống trẻ bản ngữ. Chúng ta cảm thấy thoải mái hơn với “từ vựng lẻ loi” (vocabulary), và lưu nhiều bản “từ vựng” trong não hơn là các cấu trúc thường gặp.
Do đó, khi luyện nghe, ví dụ: “put on your shoes”, chúng ta sẽ thấy thoải mái hơn khi nghe từ “put” và “shoes” và hiểu nghĩa của 2 từ khóa này, thay vì phải xử lý tận 4 từ: put on your shoes.
Còn trẻ bản ngữ đơn giản là coi “puddon-yer-shoes” là 1 cụm, giống như 1 từ vậy, và hiểu nghĩa của cả cụm này ngay lập tức.
Nên luyện nghe theo cách nào?
Với người học EFL (Tiếng Anh là ngoại ngữ), bước đầu tiên phải nghe được từ khóa đã. Vì nghe từ khóa là căn bản của nghe theo cụm.
Đơn giản là, nếu không bắt được từ khóa, bạn sẽ chẳng có “cụm” nào để nghe và hiểu cả.
Do đó, khi mới luyện nghe, hoặc khi nghe tài liệu khó, các bạn nên tập trung luyện nghe bắt từ khóa. Bắt được từ khóa chính là chìa khóa đảm bảo thành công, vì nó tiết kiệm thời gian xử lý của não, mặc dù đôi khi, do phát âm (giảm âm, nối âm, nuốt âm chẳng hạn), bạn sẽ khó xác định “puddon” nghĩa là “put on” (từ “yer” là “your” có lẽ bạn cũng chẳng để ý, vì nó không phải từ quan trọng).
Tất nhiên, khi nghe bắt từ khóa, bạn vẫn “bắt từ khóa theo các cụm” chứ không phải bắt từ khóa ngẫu nhiên. Để hiểu 1 “cụm” là gì, bạn có thể đọc thêm: thought group là gì?
Có nghĩa là, bạn vẫn nghe theo từng cụm, nhưng thay vì cố nghe TẤT CẢ các từ, bạn chỉ cố bắt các từ khóa quan trọng thôi. Về lâu dài, khi bạn đã bắt được từ khóa một cách tương đối dễ dàng, một cách tự nhiên, bạn sẽ tự chuyển dần qua nghe theo cụm. Có nghĩa là khi đã “bắt từ” một cách dễ dàng, cùng với vốn ngữ pháp và vốn nghe tốt, bạn sẽ cảm thấy mình có thể NGHE TẤT CẢ CÁC TỪ TRONG 1 CỤM và hiểu ngay lập tức, mà không cần phải quá nỗ lực.
Luyện nghe theo cụm và bắt từ khóa
Nếu muốn luyện nghe theo cụm “thought group”, bạn hãy nghe và cảm nhận từ chỗ người nói bắt đầu nói một tràng, tới lúc họ dừng. Đó là 1 cụm.
Trong 1 cụm đó, hãy lựa chọn ra những từ quan trọng nhất để tập trung nghe. Những từ này sẽ là những từ được nhấn mạnh và rõ nhất trong câu, và mang thông điệp của câu. Ví dụ:
Oko Tanpei is from Japan// He has a unique ability// Oko Tanpei is a contact juggler// and he’s very good at it.
Những từ in đậm là những từ bạn nghe được, những chỗ // là những “thought group. Và bạn chỉ cần nghe:
Oko Tanpei—Japan. Unique Ability. Oko Tanpei–contact juggler—very good.
Là về cơ bản, bạn đã có thể hiểu nội dung bài nói. Sau này, khi nghe quen, bạn sẽ thấy mình nghe được cả cụm và hiểu 1 cách dễ dàng
Tác giả: Quang Nguyễn