Nếu bạn muốn học nói tiếng Anh mà lại lười nghe, chẳng khác gì người điếc học nói. Đừng hỏi tại sao bạn luyện mãi không tiến bộ.
Lẽ thường, người điếc thì thường câm. Vì điếc thì không nghe được, không nghe được đương nhiên cũng không nói được.
Ấy vậy mà nhiều người Việt Nam đang học tiếng Anh theo phong cách: người điếc học nói.
Học một ngôn ngữ mới nên được bắt đầu bằng nghe
Nghe để hiểu được cách người bản xứ diễn đạt ý tưởng. Sau đó mới bắt chước mà nói được. Khi học tiếng Anh, đừng áp dụng “slogan” của Viettel, “nói theo cách của bạn” mà chẳng ai hiểu gì hết đâu.
Thường thì nghe rành nói sõi rồi, người ta mới tính tới nói. Đọc hiểu tốt rồi, muốn tự mình “sáng tác” người ta học viết. Và để viết cho chuẩn, người ta cần học ngữ pháp, cho nên quy trình thông thường là:
(1){NGHE => NÓI} => (2) {ĐỌC => VIẾT => NGỮ PHÁP}
Tất nhiên, với tư cách là ngôn ngữ thứ 2, bạn có thể bỏ qua bước (1) và bắt đầu ngay ở bước 2 – (đọc – viết – ngữ pháp). Nhưng chẳng ai có thể đảo ngược được quy trình: nói trước khi nghe, và viết trước khi đọc. Lẽ thường là vậy. Thế nhưng, nhiều người vẫn đảo ngược quá trình học:
NGỮ PHÁP => ĐỌC => NÓI => VIẾT => NGHE
Thế hệ của mình,12 năm đầu đời đến trường chủ yếu để trui rèn ngữ pháp. Có một chút xíu đọc hiểu – chủ yếu là những bài đọc ngắn trong sách giao khoa. Kèm theo đó là một chút kỹ năng nói mà gần như không đả động gì đến kỹ năng nghe. Do đó, sau 12 năm phổ thông và 4 năm đại học, thông thường sẽ là người Việt nói tiếng Anh cho người Việt. Nghe hiểu nhau cả, gật gù khen nhau là giỏi. Còn tiếng Anh “Tây”? Họ nói nhanh quá, mình nghe không hiểu. Mà họ nghe cũng kém kém, mình nói hay thế mà họ cũng chẳng hiểu gì cả, nhìn chung người bản xứ tiếng Anh… dốt.
Nếu bạn muốn học nghe tiếng Anh từ chuyên gia, hãy vào đây.
Vì lười nghe, phần đông người học tiếng Anh mắc bệnh “SỢ TÂY” là thế.
Có một số quan điểm trên báo chí cho rằng, cứ nói bừa đi, không cần học phát âm, miễn giao tiếp được là được. Các bạn không biết rằng, nếu không tập nghe trước để nói cho chuẩn , mà cứ tự mình “tin tưởng” vào cách phát âm của mình như từ trước tới nay, thì các bạn chỉ có thể “ú ớ” như người câm nói thôi… Làm sao giao tiếp cho tốt được.
Ngoài ra, có một phong trào “học đánh vần tiếng Anh” cũng là kiểu “người điếc học nói” vậy. Học đánh vần, cơ bản vẫn là dựa trên mặt chữ để nói. Chưa nói đến chuyện đúng sai của việc đánh vần (ví dụ tại sao “weight” và “height” lại khác nhau?), giả sử các bạn có thể đánh vần được tiếng Anh đi nữa, nó cũng chẳng giúp được bạn nhiều. Bạn vẫn nói tiếng Anh theo cách của mình, vẫn “tự kỷ” với một cuốn sách mà thiếu đi phần quan trọng nhất; NGHE. (Tôi biết, đó là một thị hiếu, nhưng nó chỉ giúp mọi người cảm thấy tự tin hơn, chứ khó có thể giúp mọi người giao tiếp tiếng Anh tốt hơn được).
Hãy tự hỏi, bạn đã học tiếng Anh bao lâu rồi? 5 năm, 10 năm, hay còn lâu hơn nữa? Bạn có giao tiếp tiếng Anh tự tin không? Nếu không, đó là lỗi của bạn. Bạn như con ong đập đầu vào kính mà không hiểu tại sao mình không thể ra được khoảng rừng xanh. Bạn đang đi sai đường.
Học nói phải bắt đầu từ NGHE. Nếu không, bạn sẽ giống như “người điếc tập nói” vậy. Đã điếc rồi, thì không bao giờ nói được đâu… Việc đầu tiên là phải chữa điếc trước đi.
Tác giả: Quang Nguyễn