Hồi sinh viên học ở Đại học Hà Nội, “note-taking” là một trong những kỹ năng mình sợ nhất. Hoang mang cực độ khi luyện kỹ năng này, vì không biết phải “note” cái gì và như thế nào.
Sau này, dạy nghe tiếng Anh, mình thấy nhiều bạn cũng gặp vấn đề của mình ngày xưa. Vậy, làm thế nào để “take note” tốt?
“Take note” là con dao 2 lưỡi, dùng sai còn gây hại. Vậy, làm thế nào để “take note” hiệu quả? Bạn cần nhớ những nguyên tắc sau:
1. Take note những gì mình hiểu, không phải note để hiểu
Đây là sai lầm phổ biến nhất. Khi nghe tiếng Anh và phải “take note”, nếu bạn nghe được con số “1600 BC”, nhưng không hiểu ý nghĩa của nó, bạn có ghi xuống không?
Hầu hết người học trả lời là “có” vì “em hy vọng sau này sẽ gợi nhớ được việc gì đó”. Trong thực tế, câu trả lời là “không”, vì “em không ghi lại những gì em KHÔNG hiểu”.
Khi luyện nghe tiếng Anh, khả năng tập trung là hữu hạn, do đó, thay vì viết 1 con số hoặc một từ vô nghĩa, hãy tập trung vào hiểu bài nghe.
2. Không take note tất cả những gì bạn hiểu.
Nguyên tắc 1 là “take note” những gì bạn hiểu, còn nguyên tắc 2 là: “phải có chọn lọc”. Khi “take note” bạn phải “nhìn” được CẤU TRÚC của bài nghe, tìm ra đâu là ý chính người nói muốn truyền đạt, được “support” bởi những ý phụ nào.
Những thông tin mang tính chất hiển nhiên (kiểu: mỗi buổi sáng, mặt trời đều mọc từ đằng Đông) – nếu “ai cũng biết” rồi, và bạn cũng đã biết, thì không cần phải “take note”. Hoặc những thông tin mang tính chất minh họa, ví dụ… thì thường không cần phải “take note”.
Mục tiêu của “take note” là bạn có thể nhìn lại vào bài “note” của mình và nói lại bài này có cấu trúc thế nào, ý chính là gì, ý phụ là gì (các ví dụ minh họa nếu có thì tốt, không thì thôi – trừ khi bạn là phiên dịch).
3. Không ghi lại những gì mình nghe được.
Nhiều người nhầm lẫn giữa kỹ năng “take note” với “chép chính tả”. Mình thường bảo học viên: Nếu bây giờ sếp gọi vào phòng làm việc và bảo: tháng tới chúng ta sẽ làm dự án ABC với công ty XYZ.
Liệu bạn có chép chính xác những gì sếp nói? Không, bạn có thể note: “Tháng 4, dự án ABC, XYZ” – bạn có thể thay thế “tháng tới” bằng “tháng 4” vì lúc đọc lại sẽ dễ nhớ hơn.
Thói quen “nghe từ nào ghi vội vã từ đó xuống” của nhiều người khiến “note-taking” thành một kỹ năng “thảm họa”. Vì khi bạn tập trung cắm cúi ghi từ, có lẽ bạn đã để mất rất nhiều thông tin của người nói.
Đừng “chép chính tả” khi “take note”. Hãy chỉ ghi lại ý quan trọng, theo cách hiểu của bạn mà thôi.
4. Viết tắt.
Tốc độ nói trung bình khoảng 150 từ/phút, trong khi tốc độ viết nhanh cũng chỉ khoảng 40-70 từ. Do đó, nếu bạn cố gắng viết từ đầy đủ khi nghe tiếng Anh, khả năng cao là bạn sẽ không viết kịp và bị lỡ nội dung.
Rất nhiều học viên lớp nghe của Quang mắc phải lỗi này, họ sợ rằng nếu không viết đủ ra thì lúc sau đọc lại sẽ không hiểu. Đây là nỗi sợ có cơ sở (vì thực tế đôi khi không đọc lại được thật), nhưng nếu tập trung viết đủ từ, và đặc biệt còn đúng chính tả nữa, thì bạn sẽ bị “lỡ” mất 1 đoạn nghe dài đằng sau.
Khi ấy, não tập trung vào việc “viết cho đúng chính tả” sẽ không còn nghe nữa. Có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ mất thông tin ở đoạn sau.
Có bạn hỏi: vậy viết tắt thế nào hả thầy?
Mỗi người sẽ có 1 cách viết tắt riêng, bạn có thể chọn viết 3 chữ đầu tiên của từ (important = imp.) chẳng hạn. Hoặc sử dụng ký hiệu riêng (heart/love = ❤️). Bản note là của bạn, và bạn sẽ là người đọc nó, nên viết sao cho mình đọc lại được là tốt.
Kết luận
Note-taking là một kỹ năng rất quan trọng, nhưng lại thường không được dạy một cách cẩn thận và kỹ lưỡng. Nếu tránh được các lỗi ở trên, bạn đã tránh được 80% các lỗi “take note” khi nghe, rất tốt cho làm việc (tham gia các cuộc họp, hội thảo…) hoặc đi học (nghe giảng, nghe hướng dẫn của giáo viên, thảo luận…)
Đáng tiếc, kỹ năng này lại rất ít được dạy trong nhà trường phổ thông và thậm chí ở bậc đại học.
Tác giả: Quang Nguyễn