“Brand” mang nghĩa “nhãn hiệu”, còn”trademark” được dùng để chỉ một nhãn hiệu được bảo hộ bởi luật về quyền sở hữu trí tuệ.
“Brand” là gì?
Tưởng tượng một ngày bạn bước vào siêu thị để mua một chai dầu gội đầu. Tất cả hàng hóa vẫn ở trên giá, nhưng không cái nào có nhãn hiệu – “brand”, bạn sẽ phải làm thế nào?
“Brand” là dấu hiệu dưới dạng hình dáng, màu sắc, chữ viết… giúp người mua hàng nhận biết đâu là sản phẩm của nhà sản xuất nào. Giống như khi cha mẹ cho con mình một cái tên (name); nhà sản xuất cho sản phẩm của mình một cái “brand”.
Trong marketing, “brand” đôi khi đóng vai trò vô cùng quan trọng. Một “brand” tốt sẽ giúp người bán hàng bán được nhiều hàng hóa hơn, với giá cao hơn và mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Trong khi đó, một “brand” không ai biết đến sẽ khó kiếm được khách hàng và thu về lợi nhuận.
Hiện nay, nhiều người dịch khi gặp từ “brand” thường xung đột giữa thuật ngữ “nhãn hiệu” và “thương hiệu” trong tiếng Việt.
Hiểu theo nghĩa rộng, rõ ràng “brand” là một nhãn hiệu. Bất cứ nhà sản xuất nào cũng có thể đặt “brand” cho sản phẩm của mình. Ví dụ, thầy giáo Quang mở hàng phở, và đặt tên cho nó là “Phở Quang” – cái tên này là một “brand” – nhưng rõ ràng không phải là một thương hiệu. Nó đơn giản là một nhãn hiệu không hơn không kém.
Trademark là gì?
Vấn đề là, khi quán phở Quang, với tay nghề đầu bếp thượng thặng có một không hai, trở nên nổi tiếng. Quán ùn ùn khách từ khắp nơi trên thế giới.
Những người hàng xóm “chớp lấy cơ hội”, cũng mở hàng phở và đặt tên là “Phở Quang”. Giống như bà mẹ đặt tên con của mình, người sản xuất cũng có thể tự đặt tên cho sản phẩm của mình. Hợp lý phải không nhỉ?
Vấn đề là khi khách hàng đến ăn “Phở Quang”, thì không biết đâu là “Phở Quang” thật, đâu là “Phở Quang” giả. Và Quang vác đơn đi kiện. Nhưng trên cơ sở nào?
Vì bất cập này, người ta nghĩ ra 1 khái niệm mới: trademark. Đây là “nhãn hiệu” (brand) được đem đi đăng ký với cơ quan nhà nước, và được nhà nước bảo hộ. Ngoài thầy Quang ra, không ai được gắn tên “Phở Quang” lên nhãn hiệu (brand) của họ. Và tất nhiên, đổi lại thì thầy Quang sẽ phải nộp một mức phí cho nhà nước.
Thương hiệu tiếng Anh là gì?
Quan trọng nhất: bạn hiểu “thương hiệu” trong tiếng Việt là gì?
Nếu bạn hiểu thương hiệu đơn giản là dấu hiệu nhận biết sản phẩm, bất kể nó có nổi tiếng hay không (ví dụ, “phở ông Quang” so với “mì ông Quảng”), thì thương hiệu là “brand” – và “thương hiệu được bảo hộ” là trademark.
Còn nếu bạn hiểu “thương hiệu” là một sản phẩm uy tín, được nhiều người thừa nhận, thì nó không phải “brand” cũng chẳng phải “trademark” (giống như “Phở ông Quang” không phải là 1 thương hiệu)
Thương hiệu – với cách hiểu là nhãn hiệu nổi tiếng – có thể dịch là “a famous brand”, “a good brand” hoặc “a valuable brand”. Một sản phẩm nổi tiếng – hay sản phẩm của một nhà sản xuất nổi tiếng thường được gọi là “a branded product”.
Do “brand” đóng vai trò rất quan trọng trong kinh doanh, thuật ngữ “branding” có nghĩa là “làm thương hiệu”, là quá trình xây dựng hình ảnh tốt đẹp của một sản phẩm trong trái tim và trí óc của người tiêu dùng.
Kết luận
Như vậy, “brand” là một khái niệm kinh doanh – marketing, trong khi “trademark” là một khái niệm pháp lý. Cả hai đều có hàm ý “nhãn hiệu”.
Nếu buộc phải chọn 1 trong 2 từ để dịch là “thương hiệu” mình sẽ chọn từ “brand”, măc dù “trade” là “thương mại”; còn “mark” là “dấu hiệu” – nó lại không gắn liền lắm với “thương hiệu”.
Còn nếu buộc phải dịch từ thương hiệu, đó sẽ là “a famous brand” hoặc “a branded product”.
Tác giả: Quang Nguyen
(bài được đăng trên vnexpress: Phân biệt “brand” và “trademark”)