Khi nói đến phát âm, nhiều người nghĩ ngay đến khả năng nói. Nhưng thật ra, phát âm tiếng Anh giúp nâng cao khả năng nghe rất nhiều. Điều này đã được chứng minh bởi rất nhiều nghiên cứu, cũng như qua kinh nghiệm của bản thân mình.
Phát âm tiếng Anh giúp bạn nghe giỏi hơn.
1. Học về âm (sounds) giúp bạn nâng cao khả năng nghe.
Nghe thật nhàm chán, nhưng nó lại giúp bạn rất nhiều trong khả năng nghe. Một lần, mình nghe đài về câu chuyện của một gia đình Ba Lan chạy trốn phát-xít trong thế chiến thứ 2. Người kể là một phụ nữ, bà có một người em họ rất thân. Có đoạn nói: “we loved her so much, so we wanted her to leave/live with us”. Mình nghe một cái, biết ngay là “leave”, và nghe tiếp theo. Quả thực sau đó, bà nói về chuyến tàu vượt đại dương tới Mỹ định cư, mang theo cô em họ.
Người Việt khi học về âm thường mắc lỗi “Việt hóa” âm, tức là chọn lấy 1 âm đọc thuận miệng nhất để đọc. Ví dụ, một youtuber Việt kiều tương đối nổi và nhiều người theo dõi dạy bạn là âm “th” đọc giống âm “t” trong tiếng Việt. Khi bạn học kiểu đơn giản hóa như vậy, bạn nói “thank you” thành “tank you” – người nghe vẫn hiểu. Nhưng khi người ta nói: “I wanna take a bath/bat”, thì bạn không phân biệt được, là người ta muốn đi tắm, hay muốn lấy cái gậy bóng chày.
2. Trọng âm (word stress) giúp bạn nâng cao khả năng nghe.
Thứ hai, phát âm giúp bạn hiểu sâu hơn về trọng âm – một yếu tố ít người Việt nắm rõ. Năm 2010, trong chuyến bay sang Mỹ quá Seoul (tiếng Anh đọc giống “soul”), mình hỏi một em lễ tân ở sân bay đường ra máy bay (boarding gate). Em hỏi mình họ tên, ngày tháng năm sinh rồi hỏi: “what’s your ADDress (nghe như “ad-drờs”)”. Mình nghe hoài không ra, vì hồi đó nghĩ từ “address” đọc là “ờ-dress” – trọng âm ở âm tiết thứ 2. Đến lúc em í chán quá, hỏi “where do you live?” thì mình nghe mới ra.
Học phát âm giúp bạn biết cách nhấn trọng âm, từ đó nghe từ khóa dễ dàng hơn rất nhiều.
3. Nhạc điệu (rhythm) giúp bạn nâng cao khả năng nghe.
Trong khi âm và trọng âm sẽ giúp bạn nâng cao khả năng nghe từ, thì thứ thực sự giúp nâng cao khả năng nghe của bạn nhiều nhất lại là “nhạc điệu” – “rhythm” trong tiếng Anh. Mỗi ngôn ngữ có một nhạc điệu riêng, và khi hiểu được về “nhạc điệu” trong tiếng Anh, bạn sẽ biết cách nghe tốt hơn.
Một trong những sai lầm lớn của người Việt khi nghe tiếng Anh là cố gắng nghe rõ từng từ. Điều này đơn giản là không thể, vì người Mỹ nói tiếng Anh khác với người Việt nói tiếng Việt. Việc nghe rõ từng từ gần như là không thể.
Ví dụ, trong câu “I want to master my listening skill”, có 3 từ về cơ bản sẽ không được phát âm rõ ràng: I, to, và my. Thông thường, người ta sẽ nhấn mạnh nhất vào “master” và “listening” và nhấn mạnh ít hơn vào “want” và “skill”. Riêng việc hiểu được cần phải tập trung nghe vào từ nào, và nghe lướt từ nào, đã giúp bạn nâng cao khả năng nghe một cách đáng kể rồi.
4. Giảm âm (reduction), nuốt âm (elision) là lý do chính bạn không nghe được.
Người bản ngữ nói thì “auto” là sẽ có giảm âm và nuốt âm. Ví dụ đơn giản là: “I love her” nghe sẽ giống “I lover”. Nếu không hiểu về giảm và nuốt âm, sẽ rất nhiều khó khăn khi luyện nghe.
5. Nối âm giúp bạn nâng cao khả năng nghe.
Lợi ích thứ tư của học phát âm tiếng Anh, quan trọng không kém so với “giai điệu” chính là “nối âm”. Một trong những nhầm lẫn của người học khi học nối âm là cố gắng nói hay. Thật ra, “nói hay” không quan trọng, quan trọng là nói được rõ ràng. Vai trò lớn nhất của học nối âm lại chính là để phục vụ việc nghe.
Ngày nọ, mình vào cửa hàng pizza ở Mỹ gọi món. Em bồi bàn xinh đẹp hỏi: “do you want a super salad?”. Mình tròn mắt ngạc nhiên, hỏi lại: “a super salad? sorry, I don’t get that”. Em í dịu dàng nói rõ lại từng từ: “do you want a soup or salad?”. Hiểu về nối âm, bạn sẽ cảm nhận được những trường hợp như trên một cách dễ dàng hơn. Và người Mỹ khi nói thì lúc nào cũng nối âm, nên không “nắm bắt” được về nối âm thì khả năng nghe sẽ bị hạn chế nhiều.
6. Ngữ điệu giúp bạn nâng cao khả năng nghe hiểu.
Cuối cùng, phát âm dạy về “intonation”. Ví dụ, khi người ta nói: “you like my writing?” mà lên giọng cuối câu, thì nó là câu hỏi. Ngược lại, xuống giọng cuối câu, nó là câu nói bình thường. Qua ngữ điệu (intonation) bạn có thể hiểu được hàm ý của người nói, khi người ta thể hiện sự vui vẻ, buồn bã, phấn khích, quan tâm… Tất nhiên, để học được hết những cái đó, bạn cần phải tập luyện rất nhiều. Nhưng “ngữ điệu” cũng là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho khả năng nghe, vì trong giao tiếp, đôi khi cái người ta muốn truyền tải chính là thái độ.
Tóm lại, học phát âm sẽ giúp bạn nghe tốt hơn. Quan trọng nhất chính là “giai điệu” “giảm âm” và “nối âm”. Ngoài ra, học về âm và trọng âm giúp bạn bắt từ tốt hơn; còn học về ngữ điệu (intonation) giúp bạn hiểu hàm ý của người nói tốt hơn.
Tác giả: Quang Nguyễn