Nếu muốn dịch từ “thực dụng” sang tiếng Anh, bạn nên dùng từ “materialistic”. Chi tiết lý giải mời bạn đọc bên dưới nhé!
1. “Pragmatic” và “practical” có phải là thực dụng không?
Mình có post trên Fanpage của MoonESL hỏi “thực dụng” tiếng Anh là gì thì thấy vài bạn dùng từ “pragmatic”
Mình xin phép kể câu chuyện của mình: Ngày xưa, khi còn là sinh viên chuyên ngành Biên – Phiên dịch trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), có một từ mà rất nhiều sinh viên thời đó “dịch” không thông. Đó là từ “thực dụng”. Hồi đó thứ duy nhất sinh viên tụi mình dựa vào được, đó là từ điển, và các cuốn từ điển Việt – Anh thì thường đưa ra 2 lựa chọn là “practical” và “pragmatic”.
Hôm vừa rồi, mình lướt qua một diễn đàn dạy tiếng Anh, có câu chuyện thú vị về một cô gái yêu chàng trai suốt 4 năm đại học. Sau đó, nàng ra trường 2 năm và đi làm lương 20 triệu, trong khi chàng chỉ lương 8 triệu. Nàng bảo chàng là người không có chí tiến thủ, sau này khó lo cho nàng được nên chia tay. Nàng là người “thực tế” chứ không phải người “thực dụng”.
Ở dưới câu chuyện, người viết giải nghĩa từ “thực dụng”: pragmatic.
Câu chuyện mình đọc
Mình đọc xong câu chuyện thì thấy cách giải thích này không chính xác, mà thật ra là sai. Nhưng “thực dụng” theo nghĩa “tham tiền” thì dùng từ gì cho chính xác? Sau 20 năm đi dạy tiếng Anh, giờ mình đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi thời sinh viên.
Đầu tiên phải khẳng định “pragmatic” không phải là thực dụng. Từ này dịch sát nghĩa có lẽ nên là “thực chứng” – nhưng người “pragmatic” thì không quan tâm tới lý thuyết hay ý tưởng, quan trọng là phải quan sát được. Ví dụ, những người “pragmatic” thì sẽ không tin có ma, vì không thể quan sát và chứng minh được sự tồn tại của nó. “Pragmatists” là các nhà khoa học thực chứng. Do đó, không thể lấy nghĩa “thực dụng” trong câu chuyện này là “pragmatics” được.
Từ “practical” thì có nghĩa là “thực tế” có nghĩa “không mơ mộng viển vông”. Từ này hoàn toàn không có nghĩa “tham tiền” như hàm ý của từ “thực dụng”. Những người “practical” trong thực tế sẽ không nghĩ về “một mái nhà tranh, 2 trái tim vàng” vì “cơm áo không đùa với khách thơ”. Trong câu chuyện trên, cô gái tự miêu tả mình là một người “thực tế” – tức là “practical” trong trường hợp này.
Một vài người có thể nghĩ thêm một từ, đó là “realistic”. Nhưng nghĩa của từ này cũng không có nghĩa xấu như “thực dụng”. “Realistic” thường hiểu là cái gì đó trong khả năng có thể đạt được: a realistic object. Còn khi sử dụng cho người “a realistic person” thường miêu tả một người có khả năng tư duy phản biện và khách quan, không liên quan tới nghĩa “thực dụng” và tham tiền trong hàm ý của tiếng Việt.
2. “Thực dụng” tiếng Anh là “materialistic”
Thầy Quang hướng dẫn nói “thực dụng” trong tiếng Anh và cách học từ vựng hiệu quả
Đầu tiên, bạn phải hiểu nghĩa của “thực dụng” đã. Khi nói tới từ “thực dụng” trong câu: “em thực tế chứ không thực dụng” từ “thực dụng” có nghĩa ngắn gọn là “tham tiền”, “hám lợi”. Vậy với lớp nghĩa này thì “thực dụng” nên dùng từ gì tương ứng trong tiếng Anh?
Mình cũng phải mất một phút mới tìm ra được câu trả lời mà chưa có trong bất kỳ cuốn từ điển Việt – Anh nào: materialistic.
Nghĩa của từ này theo tiếng Anh là: “excessively concerned with material possessions; money-oriented.” (Quan tâm quá nhiều với việc sở hữu vật chất; ham tiền). Chính xác là nghĩa của từ “thực dụng” trong câu: Cô ấy quả thực là một người thực dụng.
Việc chuyển ngữ giữa tiếng Anh và tiếng Việt rất thú vị, vì nó giúp chúng ta tìm hiểu thêm những tầng lớp nghĩa của ngôn ngữ, chứ không chỉ nhìn bề ngoài. Do đó, khi học tiếng Anh, cái cốt lõi, cũng là cái thú vị là bạn đừng chỉ hiểu lớp nghĩa “bề mặt” của từ, mà phải hiểu cái hàm ý sâu xa của từ đó, cách mà nó được sử dụng.
***
Như trong tình huống ở trên, em gái nói em ấy không “materialistic” (thực dụng) mà là người “practical”.
Mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm của em ấy.
Yêu đàn ông nghèo không đáng sợ, đáng sợ là yêu phải anh đàn ông không có ý chí vươn lên…
Khi anh có ý chí, dẫu rằng cuối cùng chỉ là anh giáo nghèo đọc hàng vạn cuốn sách, giúp được hàng triệu người, thì anh vẫn được vợ yêu. Vì anh có ý chí vươn lên giúp người và giúp đời.
Phải không chị em nhỉ!