Cảm giác thất bại, áp lực đồng lứa, và tâm lý muốn nghe được tất cả là 3 lý do chính khiến nhiều người “ngại” nghe tiếng Anh.
Nếu muốn giao tiếp tiếng Anh được, bạn phải nghe. Muốn học phát âm, từ vựng, ngữ pháp, cách diễn đạt… thì nghe cũng là một nguồn đầu vào quan trọng. Thế nhưng, rất nhiều người chúng ta lại ngại nghe tiếng Anh, sợ nghe tiếng Anh… tại sao vậy?
Có nhiều lý do, từ kinh nghiệm của bản thân, Quang thấy có 3 nguyên nhân chính khiến người học dễ “ngại” nghe tiếng Anh.
Bạn không thích cảm giác thất bại
Lý do hàng đầu là vì bạn không nghe được, và điều đó làm cho bạn có cảm giác mình thật kém cỏi. Không ai thích cảm giác thất bại. Tâm lý chung của người luyện nghe là đặt kỳ vọng tương đối cao về bản thân. Do đó, khi nghe không được, bạn sẽ cảm thấy mình thật kém cỏi, và cảm xúc này chẳng dễ chịu chút nào.
Bạn không muốn thua bạn kém bè
Mỗi người khi tham gia cộng đồng học đều có “áp lực đồng lứa”, và khi thấy người bên cạnh nghe quá tốt, bạn không muốn tỏ ra là mình thua kém. Cách dễ dàng nhất là: không thèm tham gia luyện nghe nữa. Như vậy, sẽ không ai biết là bạn nghe… không được giỏi lắm, và (bạn nghĩ), chẳng có ai coi thường được mình.
Bạn muốn nghe được 100%
Lý do thứ 3 bắt nguồn từ nền giáo dục khoa cử của Việt Nam. Từ nhỏ, chúng ta không được làm quen với việc giao tiếp và sử dụng tiếng Anh. Thay vì đó là các bài kiểm tra. Nếu trong giao tiếp, việc mắc lỗi (try and fail) là đương nhiên, là một quá trình tất yếu của việc học ngôn ngữ; thì trong bài kiểm tra, mắc lỗi đơn giản có nghĩa là điểm kém.
Khi tiếp cận bài nghe với tư tưởng “testing”, bạn không được mắc bất kỳ một lỗi nào nếu như không muốn bị mất điểm. Mỗi bài test là một cuộc đua căng thẳng, và bạn cố gắng kiểm soát bài nghe, cố gắng đạt được 100% số điểm.
Trong thực tế thì ngược lại. Điều quan trọng không phải là bạn mắc bao nhiêu lỗi, và không nghe được bao nhiêu từ. Cái bạn cần nhớ là mình học được điều gì từ bài nghe, và bạn đã tiến bộ như thế nào so với ngày hôm qua. Nếu bạn nghĩ “mỗi bài nghe là 1 bài vui”, nơi bạn sẽ học được một thứ gì đó, thay vì sợ “mắc lỗi” và “bị trừ điểm”, chẳng mấy chốc mà bạn sẽ thành một “cao thủ”.
Làm thế nào để sửa
Cuối cùng, Quang muốn nhắn nhủ với tất cả các bạn đang đọc bài này, tiếng Anh KHÔNG PHẢI TIẾNG MẸ ĐẺ CỦA BẠN, và việc mắc lỗi là bình thường và đương nhiên. Người mắc nhiều lỗi nhất chính là người giỏi nhất. Và cách duy nhất để không mắc lỗi là chẳng làm gì cả.
Vì chính qua việc mắc lỗi, bạn mới học được nhiều điều mới. Nghe tiếng Anh là một chặng đường gian nan và dài hơi, vậy nên, hãy đeo tai nghe lên và tận hưởng những điều thú vị mà bạn học được hàng ngày. Đó là con đường ngắn nhất, và duy nhất để làm chủ được kỹ năng nghe – kỹ năng “đáng sợ” nhất với nhiều người học tiếng Anh.
Bài viết đăng trên báo Vnexpress.net: nỗi sợ khi nghe tiếng Anh