Rất nhiều phụ huynh cho con học phonics và nghĩ rằng đây là học phát âm. Tuy nhiên, phonics và phát âm là hai phương pháp khác nhau. Chúng ta cần phân biệt rõ hai khái niệm này để hiểu con mình được lợi gì trong mỗi phương pháp.
Phonics là một phương pháp dạy đọc cho trẻ bản xứ. Người dạy phonics giúp trẻ kết nối mặt chữ (letter) với âm (sound), để giúp cho việc đọc dễ dàng hơn. Phát âm (pronunciation) là việc học về toàn bộ hệ thống phát âm (bao gồm âm, trọng âm, nhịp điệu…) để giúp người học nói rõ ràng hơn. Trong khi phonics là dạy đọc, phát âm là dạy nói.
Việc học phonics giúp trẻ học cách đánh vần, đọc từ tiếng Anh dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong việc nâng cao khả năng nghe nói tiếng Anh, khoa học chứng minh học phát âm mang lại lợi ích to lớn cho người học, cả người lớn & trẻ em.
1. Phát âm giúp người học nói rõ ràng hơn.
Hướng dẫn phát âm giúp người học nói rõ ràng hơn.
Khi học phonics, có những âm tiếng Anh không tồn tại trong tiếng Việt sẽ gây khó khăn cho người học. Giáo viên dạy phonics thường không có hiểu biết chuyên sâu về phát âm để hướng dẫn cụ thể khẩu hình, cách phân biệt âm, cũng như giúp người học xử lý được vấn đề này. Nhiều người cho rằng trẻ con bắt chước tốt, chỉ cần nghe và bắt chước lại y hệt người bản xứ. Điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Kinh nghiệm dạy phát âm cho các bạn độ tuổi 11 của mình cho thấy rằng khả năng bắt chước âm của mỗi đứa trẻ là khác nhau, có bạn làm tốt, có bạn cần sự hướng dẫn rõ ràng. Trẻ học ngoại ngữ thì càng nên có sự hướng dẫn cụ thể về phát âm để nói rõ ràng hơn. Lợi ích của việc giảng dạy phát âm trực tiếp đã được nêu rõ trong nhiều nghiên cứu, cho cả người lớn và trẻ em (Vančová, 2019; Hwang & Lee, 2016; Alvarado Castillo & Barrantes, 2015; Papachristou, 2014; Gordon, Darcy, & Ewet, 2013). Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu mới chỉ thực hiện trên độ tuổi từ 9 tới 15 tuổi ở trẻ em.
2. Học phát âm giúp trẻ nói tự nhiên hơn.
Khi học phonics, trẻ cố gắng đọc đúng trọng âm, nói nhấn nhá để tăng độ lưu loát bằng cách bắt chước người hướng dẫn. Cũng giống như trường hợp dạy âm, trẻ không có sự hướng dẫn rõ ràng từ giáo viên phonics về vấn đề này.
Ngược lại, khi học phát âm, trẻ sẽ được hướng dẫn cụ thể cách nhấn & hiểu rõ cần phải nhấn vào đâu khi nói. Ngoài ra, trẻ còn học được kỹ thuật nối âm, giảm âm giúp trẻ nói nhanh hơn, tự nhiên hơn thay vì nhấn vào từng từ khi nói (Zhang & Yuan, 2020).
3. Học phát âm giúp trẻ nghe tốt hơn.
Trên thực tế, khi nói tiếng Anh, người ta sẽ không nhấn vào từng từ. Thói quen đọc rõ từng từ sẽ ảnh hưởng tới cách nghe tiếng Anh của con bạn. Học phát âm sẽ giúp con hiểu rằng người bản xứ dùng nối/giảm âm thường xuyên. Việc hiểu cách nói của họ khiến con nghe tốt hơn rất nhiều.
Những nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng phát âm giúp người học nghe phân biệt âm & nhận diện từ tốt hơn (Kissling, 2018; Ahangari, Rahbar, & Maleki,2015; Khaghaninejad, M.S, & Maleki, 2015).
Túm lại, ở giai đoạn tiểu học, trẻ có thể học phonics để làm quen với hệ thống âm tiếng Anh, hỗ trợ cho việc đọc. Nhưng theo tôi, từ khi 10 tuổi, khi khả năng nhận thức của trẻ đã phát triển, việc giảng dạy trực tiếp phát âm tiếng Anh là cần thiết & có ích lợi dài lâu trên khả năng nghe nói của trẻ.
Tài liệu tham khảo
Ahangari, S., Rahbar, S., & Entezari Maleki, S. (2015). Pronunciation or listening enhancement: Two birds with one stone. International Journal of Language and Applied Linguistics, 1(2), 13-19.
Alvarado Castillo, Y., & Barrantes, L. (2015). Teaching explicit english pronunciation to young learners. II Congreso Internacional de Lingüística Aplicada CONLA UNA.
Barriuso, T. A., & Hayes-Harb, R. (2018). High Variability Phonetic Training as a Bridge from Research to Practice. CATESOL Journal, 30(1), 177-194.
Currier, L. B. (1923). Phonics and no phonics. The Elementary School Journal, 23(6), 448-452.
Gordon, J., Darcy, I., & Ewert, D. (2012, August). Pronunciation teaching and learning: Effects of explicit phonetic instruction in the L2 classroom. In Proceedings of the 4th pronunciation in second language learning and teaching conference (pp. 194-206).
Khaghaninejad, M. S., & Maleki, A. (2015). The effect of explicit pronunciation instruction on listening comprehension: Evidence from Iranian English learners. Theory and Practice in Language Studies, 5(6), 1249.
Kissling, E. M. (2018). Pronunciation instruction can improve L2 learners’ bottom‐up processing for listening. The Modern Language Journal, 102(4), 653-675.
Lee, H. Y., & Hwang, H. (2016). Gradient of learnability in teaching English pronunciation to Korean learners. The Journal of the Acoustical Society of America, 139(4), 1859-1872.
Papachristou, V. (2014). The Effectiveness of Explicit or Implicit Pronunciation Teaching to Greek learners of English: the case of acquisition of English vowels. Unpublished doctoral dissertation). Aristotle University of Thessaloniki, Thessaloniki.
Vančová, H. (2019). Current issues in pronunciation teaching to non-native learners of English. Journal of Language and Cultural Education, 7(2), 140-155.
Zhang, R., & Yuan, Z. M. (2020). Examining the effects of explicit pronunciation instruction on the development of L2 pronunciation. Studies in Second Language Acquisition, 42(4), 905-918.
Tác giả: Moon Nguyễn