Nghe podcast tại đây
Làm thế nào nếu con không muốn học tiếng Anh, con từ chối & chán nản? Sau khi ở Mỹ về Việt Nam, con trai mình, Seal, bắt đầu lười đọc tiếng Anh. Thằng bé học mọi môn học đều bằng tiếng Việt và dần không muốn học tiếng Anh nữa. Vậy mẹ Moon đã làm gì để con chịu học?
1. Đặt câu hỏi tại sao?
Bạn thiếu động lực là do bạn không có định hướng rõ ràng. Việc đầu tiên là tự đặt câu hỏi tại sao bạn cần học tiếng Anh. Hãy tự hỏi thật kỹ tại sao mình cần thứ ngôn ngữ này? Nếu lý do không rõ ràng thì động lực không đủ mạnh. Nếu chỉ học để biết, học để thi IELTS (mà không biết khi nào thi) thì bạn khó lòng vượt qua được những thử thách trên con đường học tập.
Con trai mình, Seal, hỏi rằng con không hiểu sao con phải học tiếng Anh. Mình suýt té ngửa! Có lẽ những thứ người lớn coi như đương nhiên lại không hề rõ ràng với bọn trẻ. Mình lại phải ngồi giải thích cặn kẽ cho con học TA sẽ giúp con ra sao trong việc thành công trong học tập & sự nghiệp về sau. Mình đã mất khá nhiều thời gian nói chuyện với con mỗi ngày. Mình nuôi dưỡng cho con ước mơ đi du học Mỹ, kể cho con những kỷ niệm học hành của mẹ ở Mỹ. May mắn là con đã từng học ở Mỹ nên thấy rõ sự khác biệt của giáo dục Mỹ so với giáo dục Việt Nam. Mẹ bảo, con phải học tốt, để sau này con quay lại Mỹ học còn theo kịp các bạn. Nếu muốn trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực con chọn, hãy tới Mỹ học.
Mỗi bố mẹ chắc hẳn đều có câu chuyện riêng để kể cho các con nghe.
2. Đặt mục tiêu & lên kế hoạch hành động
Ghi rõ mục tiêu bạn muốn đạt được. Tốt nhất là viết ra cụ thể mục tiêu kèm kế hoạch hành động. Mục tiêu mà không có kế hoạch thì khó lòng thành công. Bạn sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đó? Hãy thiết kế cho bản thân một kế hoạch.
Ví dụ, với Seal & Suzie, để rèn khả năng đọc & viết, mỗi ngày mình yêu cầu các con đọc một đoạn văn bằng tiếng Anh & viết để kể lại nội dung đoạn văn đó. Sau khi đi học về, các con sẽ làm trả bài cho mẹ, đặt sẵn vở trên bàn để mẹ kiểm tra nếu cần.
3. Thay vì tìm kiếm động lực, xây dựng thói quen.
Thói quen có sức mạnh khủng khiếp. Vì thói quen, bạn có thể bật dậy khỏi giường và phát hiện ra mình đang cầm cái bàn chải đánh răng trước khi bạn thực sự tỉnh ngủ. Hãy xây dựng thói quen lành mạnh của việc thực hành TA mỗi ngày, giống như đánh răng mỗi buổi sáng.
Quay lại với ví dụ của Seal & Suzie, mình bắt các bạn ấy phải đọc viết mỗi ngày & phải duy trì nó như một thói quen, ngày mưa cũng như ngày nắng, chỉ trừ cuối tuần (thứ 7 & CN) là mẹ tha. Hôm qua mẹ kiểm tra bài thấy Seal làm bài qua quít cho xong. Mẹ bảo việc này ngoài tạo thói quen học TA & nâng cao khả năng đọc viết của con, nó còn giúp con luyện thói quen của người thành công. Sự kiên trì, tính kỷ luật chính là một trong những bí quyết để đạt được điều con muốn. Người chưa thành công vì họ thiếu bền bỉ. Nếu con giữ được thói quen đọc viết mỗi ngày như vậy trong liền 1 năm, mẹ tin chắc con có đầy đủ phẩm chất để thành công trong mọi việc về sau.
4. Chiến thắng bệnh trì hoãn
Sau khi có được kế hoạch & thiết lập mục tiêu, nhiều khi bạn thấy ngại không muốn làm. Bạn nghĩ, thôi, để mai tính tiếp…Nếu bạn theo chủ nghĩa cầu toàn, bạn sẽ càng dễ trì hoãn.
Ví dụ, khi luyện nói, bạn muốn bài nói không có lỗi nào hết? Điều này là không tưởng. Nhưng vì muốn hoàn hảo mà không được, bạn lập tức trì hoãn, ngại làm. Khi đặt ra mục tiêu quá tầm kiểm soát, bạn cũng sẽ dễ nản lòng. Cho nên, hãy bẻ nhỏ mục tiêu, làm việc nhỏ sẽ không quá nản, tạo cảm giác hoàn thành mục tiêu nhất định. Ví dụ, thay vì cố nghe 1 tiếng mỗi ngày, hãy khởi đầu bằng việc nghe 15-30 giây ngắn mỗi ngày.
Ví dụ khi Seal làm bài đọc, thay vì bắt con đọc cả bài dài mỗi ngày, mình cho phép cháu tự điều chỉnh dựa trên mức độ khó của bài & lịch học tập của ngày hôm đó. Con được phép chia nhỏ bài để làm dần, ở mức mẹ & con đều thấy hợp lý.
=> Túm lại, động lực không tự nhiên đến. Khi bạn có một lý do để học, khi bạn có một kế hoạch đầy đủ & kiên trì với nó, biến nó thành thói quen, bạn sẽ bắt tay vào học mà không cần được nhắc nhở. Và lâu dài, bạn giỏi dần. Và khi đã giỏi, bạn lại càng ham học & phát hiện ra nhiều điều lý thú trong những gì bạn học được.
Tác giả: Moon Nguyễn