Học tiếng Anh qua bài hát có hiệu quả không? Làm thế nào để học tiếng Anh qua bài hát? Luyện nghe tiếng Anh qua bài hát có tốt?
Một lần lái xe và bật Michigan Radio, mình nghe về xe bus chạy pin thế hệ mới, người ta không cần phải cắm sạc nữa, mà biến điện thành dạng từ tính. Bộ “pin” trong xe bus sẽ bắt các năng lượng từ này và chuyển thành điện. Và xe sẽ sạc pin ngay tại bãi đỗ: “so the wheels on the bus can go round and round”
Bạn có nhận ra cụm từ quen thuộc?
Nếu nghe nhạc trẻ em thường xuyên, chắc hẳn bạn sẽ biết bài hát này. Và khi nghe cả một bài phỏng vấn dài và đầy thuật ngữ như trên, kể cả bạn có “miss” tất cả các nội dung khác, bạn vẫn nghe được câu ấy: “(so the) wheels on the bus (can) go round and round”.
Những lợi ích của học tiếng Anh qua bài hát
Khỏi phải nói, nó hay và dễ nghe. Các bạn có thể nghe bài hát từ ngày này qua tháng khác mà không cảm thấy chán. Và sẽ thật tuyệt vời nếu như bạn có thể nghe nhạc và học tiếng Anh cùng một lúc…
Tại sao không? Rất nhiều người đã thử, và nó thực sự có hiệu quả ở một vài khía cạnh.
Học từ vựng, cách diễn đạt
Tất nhiên, bài hát tiếng Anh thì bạn sẽ học được ít nhiều từ vựng tiếng Anh khi nghe bài hát. Nếu thực sự ham học, bạn có lẽ sẽ học được những cách diễn đạt thú vị: you can count on me, like 1, 2, 3… “count on” dựa vào, nhưng cũng có thể hiểu là “đếm”.
Bạn có thể thấy xu thế “dạy từ vựng” rất phổ biến qua các bài hát trẻ em. Từ “baby shark” tới “daddy shark”, “mommy shark” rồi tới “uncle shark” “auntie shark” “cousin shark”… Mình cũng thấy có rất nhiều kênh youtube dạy trẻ những cách diễn đạt căn bản như: how are you, thank you, sorry… Người làm video “nhồi” từ vựng vào các video giáo dục để giúp trẻ làm quen với một số từ căn bản.
Bản thân mình cũng học được kha khá các cách diễn đạt thú vị qua bài hát. Mình nghĩ đây là lợi ích lớn nhất của học tiếng Anh qua bài hát.
Luyện nghe tiếng Anh
Khi bạn nghe đủ nhiều một cách diễn đạt, lần tiếp theo bạn nghe cụm đó, bạn sẽ nhận ra. Thằng bé 2 tuổi nhà mình khi muốn bật phim, mặc dù nói chưa sõi, vẫn có thể bập bẹ: Bố bật “twinkle twinkle”, bố bật “baby shark”…
Giống như khi mình nghe “wheels on the bus” và nhận ra ngay cụm từ, khi bạn nghe bài hát, bạn cũng sẽ dễ dang nhận ra những cụm từ quen thuộc.
Những lưu ý khi luyện nghe tiếng Anh qua bài hát
Luyện nghe qua bài hát, kỹ năng nghe không tiến bộ
Với trẻ em, luyện nghe tiếng Anh qua bài hát có thể hữu dụng, vì… các con có nhiều thời gian. Nhưng với người lớn, khi quỹ thời gian để luyện tập đôi khi là hữu hạn, hãy thận trọng với “bài hát”.
Quả thực, luyện nghe tiếng Anh qua bài hát là một thứ rất “ngọt mật chết ruồi”. Vì bài hát thì ai cũng thích nghe và tìm hiểu về ý nghĩa của nó. Bài hát có thể giúp bạn tăng vốn từ vựng, giúp tăng cách diễn đạt, thậm chí là phát âm từ… Bạn nghĩ, tại sao không nên luyện nghe nhiều hơn nữa, hơn nữa nhỉ?
Và nếu bạn đã thử luyện nghe tiếng Anh qua bài hát “intensive”, sau một thời gian, bạn có thể cảm nhận khả năng nghe của mình dường như… chả tiến bộ gì. (Có ai phản đối thì comment ở dưới nhé).
Mình chưa thấy ai luyện nghe bài hát mà giỏi nghe tiếng Anh cả. Luyện nghe phim nhiều thì có. Vậy, tại sao nghe bài hát không giúp nhiều? Lý do chủ yếu là vì “tính nhạc” của nó.
“Âm nhạc” của bài hát và “âm nhạc” của ngôn ngữ nói là khác nhau
Một trong những lý do người Việt gặp khó khăn khi nghe người Mỹ hoặc Anh nói tiếng Anh là vì “tính nhạc” – “musicality” hay “rhythm” của 2 ngôn ngữ này là khác nhau. Trong khi người Việt nói rõ từng từ thì người Mỹ có trọng âm và âm không nhấn. Trong câu, khi người Mỹ tăng hiệu quả bằng cách chỉ làm rõ trọng âm của những từ có nghĩa (content words) – ví dụ: STU— trong câu “I’m a STUdent”, thì người Việt thường cố nghe rõ từng từ theo thói quen, và cảm thấy người Mỹ nói rất nhanh.
Chính sự khác biệt về “âm nhạc” khiến người Việt gặp khó khi nghe người Mỹ nói.
Tương tự, âm nhạc được sử dụng trong bài hát cũng khác rất nhiều với “âm nhạc” của ngôn ngữ đời thường. Việc bạn làm quen được với “âm nhạc” của bài hát sẽ không giúp gì nhiều khi bạn đối diện với “âm nhạc” của thực tiễn. Ví dụ, trong bài “I will always love you” của Whitney Houston, bạn nghe “and I….. will always…. love you….”. Có ít nhất 3 từ được nhấn một cách rất rõ ràng là: I, always và you.
Bây giờ, bạn lên “youglish.com” và gõ cụm từ “I will always love you” để nghe người Mỹ nói câu này trong thực tế. Bạn sẽ thấy có nhiều cách nhấn. Họ có thể nhấn rõ vào “always” hoặc “I”, nhưng không ai nhấn vào từ “you” cả.
Cách nhấn và nhả từ khi hát khác với khi nói
Hơn thế, cách nhấn giữa thực tiễn và bài hát cũng khác nhau rất nhiều. Trong bài hát, bạn có thể ngân nga thoải mái, kéo dài nguyên âm cả vài giây. Còn trong thực tiễn, kể cả một từ được nhấn rất rõ, nó cũng chỉ được nói rất nhanh và gọn.
Mình có cậu bạn tên Abdulah S. AlAsiri, nghe tiếng Anh rất siêu, nghe hiểu được cả hài kịch – “comedy show” của Mỹ. Có lần mình hỏi, có thể loại tiếng Anh nào cậu ta nghe không được không? Cậu trả lời: “some music”.
Thực ra, đây có lẽ cũng không phải phát hiện gì kinh khủng lắm. Nếu bạn chịu khó nghe nhạc trẻ Việt thì cũng thấy, có nhiều bài bạn nghe… chả hiểu gì.
Cho nên, nếu mục đích của bạn là luyện nghe tiếng Anh, cách tốt nhất là lựa chọn “authentic English” qua phim (hoạt hình, hoặc phim dài kỳ…) hoặc “reality show”, hoặc bài giảng “lecture”…
Luyện nghe tiếng Anh qua bài hát như thế nào?
Vì sự “thú vị” của nó, mặc dù không phải cách hiệu quả nhất, bạn vẫn có thể “học tiếng Anh qua bài hát”. Lý do ư? Vì riêng việc thuộc lời bài hát ưa thích của mình, ngân nga theo mà đúng nhạc, đúng âm, hiểu ý nghĩa của lời bài hát, bạn cũng đã có đủ lợi ích cho riêng mình rồi.
Bạn chỉ cần nhớ, nó mang tính chất “bên lề”, phụ, bổ sung… hay bất cứ tên gì khác mà bạn gọi. Trong bữa ăn, nó giống như kem, không thể ăn làm món chính được.
Bạn hãy học tiếng Anh qua bài hát như một cách làm cho việc học trở nên thú vị hơn, và gắn liền nó với các hình thức luyện nghe khác. Bạn cần phải luyện nghe intensive và extensive, nghe tài liệu ngắn và dài, nghe đài và phim và youtube.
Ngay cả từ vựng, cách diễn đạt trong bài hát, cũng chỉ là phụ thôi, chỉ là một cách diễn đạt thú vị mà bạn “nhặt” từ bài hát nọ và bài hát kia. Lý do vì ngôn ngữ trong âm nhạc cũng hơi khác với ngôn ngữ trong thực tế.
Nghe loại nhạc nào?
Ngày xưa, mình nghe người Mỹ nói ở một đài nào đó, nếu luyện nghe thì tốt nhất nên tìm tới Jazz. Mình nghe thử và thấy… không đúng lắm.
Mình nghĩ nhạc “country songs” (đồng quê) dễ nghe hơn cả, nghe lời rõ và giống như văn bình thường.
Nhạc trẻ con nghe cũng được, cho mấy bạn ở trình độ bắt đầu, nhưng đơn giản và hơi chán. Nói chung là luyện nghe thì các loại nhạc khác như kiểu Rap hay Rock thì khó tiêu hóa, về cơ bản là khó nghe và khó hiểu nếu không có lyrics.
Tác giả: Quang Nguyễn