Trẻ em có cần học phát âm tiếng Anh không? Đó là câu hỏi nhiều phụ huynh quan tâm.
Một ngày có một ông bố dẫn một cậu bé tầm 10 tuổi tới gặp mình và nhờ tư vấn. Mình phỏng vấn cậu bé và nói với ông bố rằng, bé giao tiếp khá tự tin, tuy nhiên, bé nói liến thoắng không rõ ràng. Mình tư vấn bé bắt đầu bằng việc học phát âm.
Ông bố có vẻ bực, nói với mình rằng “Cháu nhà tôi nói tiếng Anh ai cũng phải khen, kể cả đi học với thầy Tây, cô nói vậy là không hợp lý!”. Mình không nói gì nữa vì mình biết có nói gì cũng chả thay đổi được quan điểm của phụ huynh này, nếu đó là những gì họ tin tưởng.
Vấn đề là vị phụ huynh này, giống phần lớn các phụ huynh khác, không quan tâm tới là người khen con mình. Ví dụ, cô giáo ở lớp khen con nói tốt, nhưng chính bản thân cô giáo nói tiếng Anh cũng không rõ ràng và không tốt. Thầy Tây ở trung tâm tiếng Anh khen con nói giỏi nói hay, nhưng thầy Tây lại hay có tính khen trẻ quá đà, đưa các con lên tận mây xanh. Và có khi thực tế là, thầy khen con nói tự tin nhưng chưa chắc đã dễ hiểu.
Câu chuyện này làm mình tự liên hệ tới bản thân rất nhiều năm trước. Là một người khá nhạy với tiếng Anh, mình có khả năng nghe và bắt chước khá tốt. Ngày trước sang Mỹ, mình tự tin cho rằng mình nói tốt vì mình làm việc với đủ các đối tác nước ngoài, ai cũng khen là tiếng Anh tốt. Mình tự tin lắm. Chỉ có một người lúc ấy, một ông cụ người Anh làm việc với mình, nói rằng “Tiếng Anh mày tốt nhưng cần phải phát âm âm cuối rõ ràng”. Lúc ấy, mình nào có biết âm cuối là cái gì đâu. Mình nghe ông ấy chỉnh từ “wolf” rồi nói theo như con vẹt, xong cứ hỏi “Đã đúng chưa?”, đến khi thấy ông ấy bảo được rồi. Mình cười sung sướng nhưng trong lòng cũng chả hiểu sự khác biệt giữa lúc “Được rồi” với lúc “Chưa được” là như thế nào cả.
Đến khi sau này sang Mỹ đi làm việc, mình gặp rất nhiều vấn đề. Ở Mỹ, với những người có kinh nghiệm tiếp xúc với dân quốc tế, họ nghe hiểu tiếng Anh của những người đến từ quốc gia khác dễ dàng hơn. Nhưng cũng có những người xưa nay chưa từng tiếp xúc với dân quốc tế, họ thường “khó tính” hơn rất nhiều. Sự thật là, nhiều người nghe mình nói tiếng Anh và cứ phải hỏi lại. Mình cảm thấy không còn tự tin như trước, và thấy sốc. Vấn đề là mình chẳng hiểu mình có vấn đề gì mà người khác không hiểu và làm như thế nào để tiến bộ. Học phát âm chính là chìa khóa giúp mình thay đổi hoàn toàn khả năng tiếng Anh, và mang lại rất rất nhiều cơ hội lớn trong cuộc đời.
Trở lại với bọn trẻ học tiếng Anh. Con mình may mắn được sống ở Mỹ trong vòng hai năm, bao bọc xung quanh bởi 1 môi trường toàn là tiếng Anh. Ở trường chúng nó nói tiếng Anh với bạn bè thầy cô, ra ngoài siêu thị cũng nghe người ta xì xồ tiếng Anh, về nhà lại thấy bố mẹ hay bắn tiếng Anh với nhau nữa. Cho nên, chúng nó bắt “nhịp” tiếng Anh rất nhanh, và đúng là không cần phải dạy về phát âm, chúng sử dụng tiếng Anh nhuần nhuyễn và tự nhiên hơn cả mình.
Nhiều phụ huynh Việt cho rằng, con trẻ có khả năng bắt chước tuyệt vời, và chúng nó không cần học gì về phát âm cũng có thể nói chuẩn “như người bản xứ”. Mình chưa bàn về cách diễn đạt, mà chỉ bàn đến mặt hình thức, tức là tiếng anh của các bạn nhỏ “nghe như thế nào”. Bạn hãy thử nhìn xung quanh, không phải đứa trẻ nào cùng đi học ở một trung tâm tiếng Anh, cũng nói hay như nhau đúng không? Bạn sẽ nhận thấy, đứa trẻ nhà hàng xóm nói rất Tây, mà tại sao con mình cũng đi học chỗ đó, lại nói kiểu rất Việt Nam? Không có ai giống ai, và chẳng có đứa trẻ nào giống đứa nào. Mỗi đứa trẻ có một khả năng khác nhau, mặc dù chúng đều là trẻ con. Trẻ con thường có khả năng bắt chước tốt hơn người lớn về phát âm, nhưng điều này không có nghĩa là chúng không cần học phát âm, hoặc học phát âm không có lợi lộc gì.
Đó chính là sự khác biệt giữa môi trường ở Việt Nam (EFL – English as a Foreign Language) và ở Mỹ (ESL – English as a Second Language). Trẻ ở môi trường ESL có thể không thấy được lợi ích rõ ràng từ việc học phát âm, nhưng mình tin chắc trẻ ở môi trường EFL thì lợi ích của phát âm cho việc nghe nói là rõ rệt. Ở Việt Nam, môi trường dùng tiếng Anh thực sự rất ít, hầu như là không có khi trẻ bước ra khỏi lớp học tiếng Anh.
Mỗi tuần, các bạn nhỏ dành vài tiếng học tiếng Anh ở trung tâm (là nhiều), và về nhà thì mọi người xung quanh đều nói tiếng Việt cả. Điều này làm cản trở một yếu tố khá quan trọng, là khả năng NGHE + bắt chước + THỰC HÀNH. Khi con trẻ nghe, bắt chước theo, và nếu NGHE CÀNG NHIỀU + tập theo càng nhiều (đặc biệt trong GIAO TIẾP), chúng sẽ trở nên nhuần nhuyễn, và nói nghe tự nhiên hơn rất nhiều.
Vậy cho nên, để khắc phục vấn đề của yếu tố “môi trường” này, học phát âm sẽ giúp rút ngắn con đường, giúp trẻ nhận ra vấn đề và cải thiện khả năng nói, đồng thời nâng cao khả năng nghe (qua việc nhận diện đúng âm, đúng từ và tổ hợp từ).
Tác giả: Moon Nguyen