Khi bắt đầu luyện nghe tiếng Anh, bạn có rất nhiều băn khoăn: người ta nói quá nhanh? tại sao nghe hoài, nghe mãi không thấy tiến bộ? Trong quá trình luyện nghe, cô Moon, thủ khoa thạc sĩ Ngôn ngữ học ứng dụng tại Mỹ, đã áp dụng ba bí quyết sau và thấy kỹ năng nghe cải thiện đáng kể.
Cô Moon Nguyen, thủ khoa thạc sĩ Mỹ, giáo viên dạy tiếng Anh trên vnexpress.net
1. Đừng cố nghe từng từ tiếng Anh
Một trong những thói quen của người Việt khi luyện nghe tiếng Anh là cố gắng nghe từng từ. Đó là lý do mọi người liên tục tua đi tua lại từng câu để nghe cho bằng hết các từ trong câu. Trong thực tế giao tiếp, không ai “tua” lại nhiều lần cho bạn nghe được.
Tiếng Anh và tiếng Việt khác nhau ở chỗ khi nói tiếng Anh, người ta cố gắng nhấn những từ quan trọng, truyền tải nghĩa của câu, đồng thời “làm mờ” (hay còn gọi là không nhấn) những từ không quan trọng; trong khi nói tiếng Việt, người ta nhấn vào mọi từ.
Thói quen nói tiếng Việt vô tình “lây” sang khi luyện nghe tiếng Anh: bạn cố gắng nghe rõ từng từ. Đây là thói quen tai hại vì nếu người ta nói nhanh quá, bạn không thể bắt kịp và trở nên vô cùng lúng túng. Đừng học cách nghe từng từ, hãy nghe các cụm từ, và tập trung vào các từ nhấn.
2. Học ghi chú đúng cách
Khi phải nghe những bài dài, bạn thường bị lơ đãng? Khi nghe bạn hiểu hết, nhưng tới khi phải nhắc lại nội dung chi tiết bài nghe, bạn hầu như quên sạch? Nếu mắc phải vấn đề trên, bạn nhất thiết phải học cách “take notes” (ghi chú).
Tuy nhiên, đừng mắc lỗi ghi chú của sinh viên Việt Nam, kiểu viết lại từng “lời vàng ý ngọc” của thầy cô. Mình từng như thế khi ngồi trên giảng đường đại học. Khi đó, mình cố gắng chép nguyên si từng câu nói của các thầy cô, và mình học cách chép nhanh nhất có thể.
Kỹ năng ghi chép (note-taking) đúng cách như sau: Ghi lại các ý chính bằng cách sử dụng các từ khóa, chứ không phải là ghi lại thật nhanh từng từ trong câu.
Tại sao bạn cần học cách “take notes”? Thông thường, chúng ta chỉ đơn thuần nghĩ rằng việc ghi chú sẽ giúp nhìn lại ghi chép để nhớ bài tốt hơn. Nhưng theo kinh nghiệm của mình, mục đích chính của “note-taking” là giúp bạn tập trung vào bài nghe tốt hơn. Thông thường, sau khi “take notes”, mình hầu như không bao giờ phải nhìn lại phần ghi chú nữa bởi vì đã nhớ thông tin rồi.
3. Nghe chủ động
Thời gian đầu khi tới Mỹ, mình thấy rất mệt mỏi với việc phải nghe tiếng Anh. Có những buổi ngồi nghe tới mức nhức hết cả đầu. Sau này, mình áp dụng chiến thuật gọi là luyện nghe tiếng Anh chủ động và thấy “đời hoàn toàn thay đổi”.
Khi ngồi trên giảng đường, mình tự nhủ sẽ tập trung 150% năng lượng vào việc nghe và tham gia vào bài giảng. Cụ thể, mình nghe để đặt câu hỏi. Mình liên tục nghe giáo sư giảng bài và nghe các bạn trong lớp phát biểu để tham gia tranh luận, đặt câu hỏi.
Khi mới áp dụng phương pháp này, mình rất căng thẳng, vì đầu óc liên tục phải tập trung. Nhưng chính cách luyện “não” này, chỉ sau một kỳ học, khả năng nghe tiếng Anh của mình lên một trình mới. Mình nghe phim Mỹ như nghe phim Việt và thấy không còn rào cản nào hết.
Tác giả: Moon Nguyễn