Nghe tiếng Anh qua phim là một trong những phương pháp luyện nghe tiếng Anh ưa thích của nhiều người. Đương nhiên rồi, phim thú vị, hấp dẫn, dễ xem. Tuy nhiên, làm thế nào để nghe phim hiệu quả?
Bài viết bao gồm 3 nội dung:
- Cách luyện nghe tiếng Anh qua phim
- Kinh nghiệm luyện nghe phim của Quang khi ở Mỹ
- Kinh nghiệm luyện nghe phim của cô Moon
Video: Có nên bật phụ đề (subtitle)? Và chiến lược khi xem phim bằng tiếng Anh
Bài 1: các cách luyện nghe tiếng Anh qua phim
1. Một số đặc điểm của nghe tiếng Anh qua phim
Nghe tiếng Anh qua phim ít hiệu quả hơn so với các hình thức khác
Đầu tiên, phải khẳng định nghe tiếng Anh qua phim tương đối… kém hiệu quả so với các phương pháp nghe khác như radio, podcast, audio book… Lý do là khi xem phim, một thời lượng không nhỏ sẽ dành cho những cảnh chiếu không có lời thoại. Do đó, khi đầu tư 2 tiếng đồng hồ xem một bộ phim, thực sự, bạn chỉ nghe khoảng gần 1 tiếng.
Trong khi đó, khi luyện nghe podcast 1 tiếng, đôi tai của bạn được tập luyện chính xác 1 tiếng đồng hồ.
Nghe tiếng Anh qua phim phù hợp hơn với trình độ nghe khá
Bên cạnh đó, luyện nghe qua phim không hề dễ. Thứ nhất, ngôn ngữ trong phim là “authentic” – ngôn ngữ thực tế cuộc sống. Thứ hai, độ dài của phim (từ 20 phút đến 2 tiếng), khiến hàm lượng nội dung học nghe là rất cao. Độ khó và độ dài của phim khiến nó gần như không phù hợp với những người có trình độ nghe trung bình và kém.
Lý do là, khi khả năng nghe hiểu chưa tốt, việc theo dõi phim mà không có phụ đề là rất khó. Phần đông người luyện nghe tiếng Anh qua phim sẽ… không hiểu gì khi không bật phụ đề, dẫn tới việc luyện nghe trở nên không hiệu quả.
2. Lựa chọn phim
Có rất nhiều lựa chọn, nhưng để luyện nghe tiếng Anh thì bạn nên lựa chọn những bộ phim:
- Bạn có thể xem lâu dài
- Không mất quá nhiều thời gian vào mỗi bộ phim
- Lời thoại rõ ràng, dễ hiểu
Các loại phim bạn có thể xem:
- Xem các bộ phim về khoa học (“our planet” trên netflix chẳng hạn)
- Xem các bộ phim hoạt hình (boss baby, we bare bears, Avatars, Pokemon…)
- Xem các bộ phim truyền hình (New Girls, How I met your mother, Gilmore girls…)
Hoặc bạn có thể xem đi xem lại 1 bộ phim, ví dụ: wish dragon
Tùy vào chiến lược nghe, bạn có thế lựa chọn phim cho mình. Vậy, chiến lược nghe phù hợp nhất cho bạn là gì?
3. Khi luyện nghe phim, có nên bật phụ đề?
Khi bật phụ đề và xem phim, thông thường, người học sẽ có 3 lựa chọn.
– Thứ nhất, nếu bật phụ đề tiếng Việt
Hiệu quả của việc luyện nghe sẽ gần như bằng không. Lý do là bạn sẽ chỉ đọc phụ đề và loáng thoáng nghe một chút tiếng Anh trong khi tìm cách “dịch” từ tiếng Việt sang tiếng Anh và hy vọng những gì mình nghe được sẽ giống với những gì mình “dịch”. Sau một thời gian dài, khả năng nghe của bạn dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi, vì khi nghe thực tế, bạn không có “subtitle” tiếng Việt để trợ giúp.
Một trong những cách “tận dụng” phụ đề tiếng Việt là bạn có thể xem 1 bộ phim nhiều lần. Lần đầu, bạn xem phụ đề tiếng Việt để hiểu được nội dung của bộ phim. Từ lần thứ 2, bạn tắt (hoặc che) phụ đề để luyện nghe. Phương pháp luyện nghe này cần sự kiên trì và tương đối mất thời gian.
– Thứ hai là bật phụ đề tiếng Anh và xem phim
Phương pháp này sẽ phù hợp để bạn “khớp” âm thanh với ngôn ngữ. Tuy nhiên, hạn chế là phần lớn người xem sẽ tập trung vào việc đọc phụ đề và ít hơn tới việc nghe. Thi thoảng, hãy tắt phụ đề để kiểm tra khả năng nghe hiểu của mình. Nếu bạn tắt phụ đề và có thể hiểu được, đó là lúc bạn không cần đến phụ đề nữa, hãy xem mà không có phụ đề.
Hoặc nếu xem phim dài tập, bạn có thể áp dụng phương pháp bật/tắt phụ đề luân phiên giữa các tập phim.
– Thứ ba là chạy phụ đề song ngữ Anh Việt
Nếu bạn muốn luyện nghe cùng 1 lúc với “đọc” phụ đề Anh – Việt, điều này gần như là không thể. Thông thường, não sẽ phải nghe, đọc tiếng Việt và đọc tiếng Anh cùng 1 lúc. Xét về hiệu quả nghe, các bạn học trong “tiềm thức” là nhiều, không hiệu quả lắm.
Nhưng nếu bạn chia thành 2 bước: bước 1 là đọc phụ đề để học từ mới, cách diễn đạt, cách phát âm.
Bước 2 là tắt (hoặc che) phụ đề đi để luyện nghe sau khi bạn đã hiểu nội dung bộ phim.
Thì việc chạy phụ đề Anh – Việt vẫn sẽ giúp ích rất nhiều cho việc luyện đọc – hiểu – nghe tiếng Anh của bạn. Cách học này còn giúp bạn nâng cao vốn từ vựng và ngữ pháp nữa.
4. Các phương pháp luyện nghe tiếng Anh
Phương pháp luyện nghe phim nhiều lần
- Lần 1 nghe cố hiểu ý chung của phim, không bật subtitles, không cần tập trung vào từ khóa nhiều quá;
- Lần 2 nghe cố bắt từ;
- Lần 3 thì bạn bật phụ đề để nghe, và phân tích xem mình không nghe được vì sao;
- Cuối cùng xem lại và tắt phụ đề.
Phương pháp nghe qua phim này phù hợp với những bộ phim ngắn trong vòng 2-10′, có nhiều thoại. Việc luân phiên tắt-bật-tắt-bật… phụ đề sẽ giúp bạn nâng cao khả năng nghe và học lời thoại và cách diễn đạt tự nhiên. Đây là cách luyện nghe tiếng Anh rất hiệu quả cho những bạn:
- Trình độ nghe từ pre-intermediate (nghe kém quá dễ nản)
- Kiên trì và có thời gian
- Thích xem đi xem lại 1 đoạn/bộ phim
Phương pháp nghe và “thưởng thức” bộ phim
Tuyệt nhất nếu bạn nghe một bộ phim và hiểu khoảng 70% nội dung lời thoại, như vậy, bạn có thể luyện nghe phim và thưởng thức bộ phim mà không cần subtitle. Cách nghe này cực kỳ hiệu quả và sẽ nâng phản xạ nghe của bạn lên một tầm cao mới, tới mức nghe tiếng Anh và nghe tiếng Việt như nhau.
Khi ở “đẳng cấp này”, bạn không bắt từng từ một (intensive listening) khi nghe phim, mà áp dụng phương pháp nghe hiểu (extensive listening). Đôi khi, có những từ hoặc những chỗ bạn không nghe được, nếu phần đó không ảnh hưởng tới việc hiểu nội dung phim thì cứ bỏ qua để thưởng thức bộ phim. Khả năng cao là một ngày “đẹp trời”, tự nhiên bạn sẽ nghe thấy mọi thứ thật dễ dàng.
Đôi khi, nếu bạn không nghe được nội dung quan trọng và quá tò mò, bạn có thể quay lại và bật “subtitle” để hiểu nội dung và biết lý do tại sao mình không nghe được. Sau đó, hãy tắt phụ đề và tiếp tục nghe.
Tóm lại, để luyện nghe tiếng Anh bằng phương pháp này, bạn nên có khả năng nghe tốt (hiểu 70% phim mà không cần phụ đề), áp dụng phương pháp nghe rộng (extensive listening) và không nên bật phụ đề.
Phương pháp nghe có sub (tiếng Việt hoặc tiếng Anh) và tắt sub
Phương pháp xem phim 2 lần, lần đầu có subtitle để hiểu nội dung của phim (hoặc có thể xem phim tiếng Việt). Lần thứ 2 xem phim hoàn toàn tiếng Anh, khi bạn đã có “ý tưởng” rằng điều gì đang diễn ra trong phim.
Đây là phương pháp luyện xem phim tương đối mất thời gian và cần sự kiên trì. Các bạn tham khảo, nhưng thận trọng khi áp dụng.
Phương pháp xem phim “kiên trì”
Một youtuber chia sẻ phương pháp xem phim này, và nó cũng đủ thú vị để bạn xem xét. Bạn ấy nói, mới đầu, khi luyện nghe phim, bạn ấy chỉ hiểu 5%. Nhưng sau đó, bạn tiếp tục luyện nghe và quyết tâm không bật “subtitle”, và càng về sau, bạn ấy càng hiểu nhiều. 10, 15, 30% và cuối cùng là hiểu 100% phim.
Lưu ý, phương pháp này dễ gây chán nản cho người xem. Và youtuber này sống ở Mỹ, có nhiều điều kiện để luyện nghe ngoài việc chỉ luyện qua phim.
Nhưng cũng là một phương pháp đáng để xem xét và áp dụng một phần.
5. Các bộ phim giúp luyện nghe tiếng Anh
Phim hoạt hình dài tập để luyện nghe tiếng Anh trên Youtube
Netflix
Các phim hoạt hình dài tập trên Netflix:
- We bare bears
- Pokemon
- The amazing world of Gumball
- Captain underpants
- Avatar – the Last Airbender
- Teen titans go
- Dora the explorer
- SharkDog
- Captain Underpant
- The dragon prince
- Hilda
- Adventure time
Những phim hoạt hình 1 tập (hoặc 1 vài tập) dùng để luyện nghe tốt (nên tránh các phim âm nhạc, vì luyện nghe qua giao tiếp vẫn hiệu quả nhất):
- Kungfu Panda (3 tập + ngoại truyện)
- Wish Dragon
- Shrek
- The Smurfs
- Megamind
Những chương trình Netflix cực hay:
- Series “brain child” học về các câu chuyện lịch sử, khoa học
- Reality show “100 humans” – cực hay, các thí nghiệm về hành vi con người
- Chương trình thế giới động vật: “our planet”, đẹp, hùng vĩ, hoành tráng và nhiều ý nghĩa
Các bộ phim dài tập nên xem để luyện nghe:
- Series phim “inbestigators” – các nhà thám tử nhí (cho trẻ em)
- Series phim về giáo dục cực hay: When calls the heart (cả nhà xem cùng nhau, các thầy cô nên xem phim này)
- Series phim “how I met your mother” (conversation thông thường trong cuộc sống)
- Series phim “New girl” (mỗi tập 20′, dễ xem)
- Series phim “gilmore girls” (nói tương đối rõ ràng, phim thú vị)
- Nếu thích Marketing, xem “Emily in Paris”
Phim 1 tập (hoặc 1 vài tập)
- Home alone
- The pursuit of happiness
Các bộ phim tình cảm:
- How to lose a guy in 10 days
- Friends with benefits
- Up in the air
- Change-up
- Crazy rich Asian
Nói chung là phim 1 tập thì chọn bộ tình cảm tâm lý để “cày”, bộ nào thấy hay là được. Tránh xem phim kinh dị (horror, thriller), hành động (action)… Vì phim tâm lý nhiều thoại hơn, và thường nói cũng chậm và dễ nghe hơn.
6. Netflix – Audio description with subtitles
Với những người xem phim để luyện tiếng Anh, đây là một tính năng mới cực hay, đặc biệt khi nghe phim không bật subtitle.
Thông thường, vấn đề lớn nhất khi tắt “subtitles” là tốc độ của hội thoại quá nhanh, tới mức bạn không nghe được lời thoại. Tin tốt là, “audio description” sẽ giúp bạn có một chút cảm giác “tự tin” để tiếp tục nghe.
“Audio description” là phần mô tả hình ảnh phim bằng giọng nói, có lẽ dành cho những người khiếm thị. Giọng đọc này chậm và rõ ràng hơn rất nhiều so với lời thoại trong phim. Do đó, với những bạn khả năng nghe còn hạn chế, đây có thể là một “hook” (điểm nối) rất quan trọng giữa nghe được và không nghe được.
Về mặt tâm lý, khi bạn “cảm giác” mình nghe được 1 chút trong bộ phim (qua audio description), bạn sẽ dễ dàng chấp nhận thực tế là mình chưa nghe được lời thoại hơn rất nhiều. Và nó giúp bạn tiếp tục nghe những nội dung khó, và khi bạn kiên trì, chắc chắn sẽ thành công.
Tóm lại, đây là 1 chức năng mới của Netflix mà người học tiếng Anh chắc chắn nên tận dụng.
7. Kết luận
Nghe tiếng Anh qua phim là một hình thức rất đáng để xem xét, đặc biệt khi bạn đã có khả năng nghe tương đối tốt.
Tùy thuộc vào sở thích, trình độ, mục tiêu nghe và khả năng bố trí thời gian mà bạn có thể tự chọn ra 1 chiến lược nghe tiếng Anh qua phim cho mình để đạt hiệu quả cao nhất.
Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, bạn có thể hỏi Quang trên fanpage MoonESL nhé.
Quang Nguyen
Bài 2: Kinh nghiệm luyện nghe tiếng Anh qua phim ở Mỹ của Quang
1. Kinh nghiệm luyện nghe của một dịch giả
Abdulah, người Saudi Arabia, hiện học thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học ở Grand Valley State University, là người mình ngưỡng mộ vì khả năng nghe và giao tiếp tiếng Anh như người Mỹ. Tiếp xúc với cậu, người bản xứ không thể tin tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai vì nó quá chuẩn và tự nhiên.
Luyện nghe hàng ngày
Một lần ngồi trong xe với Abdulah, mình hỏi: “Làm thế nào cậu nghe tiếng Anh giỏi thế?” và nhận được câu trả lời: “Tớ nghe tiếng Anh hàng ngày”. Sau đó, khi hỏi bí quyết luyện nghe, mình mới phát hiện ra một phương pháp thú vị.
Abdulah thích xem phim truyền hình và quyết định xem hàng ngày. Điều đó có gì mới? Rất nhiều người học tiếng Anh cũng luyện nghe bằng cách xem phim hàng ngày. Điều khác biệt là Abdulah không xem phim một lần, cậu xem đi xem lại.
Xem một bộ phim nhiều lần
Abdulah chia sẻ, một trong những bộ phim ưa thích của cậu là “3rd Rock from the Sun”. Cậu xem mỗi tập nhiều lần. Lần đầu có thể không nghe được hết, cậu xem tiếp lần thứ hai, thứ ba, thứ tư… Mỗi lần xem phim, Abdulah lại tìm được một thứ gì đó mới mẻ và thú vị. Với cậu, nghe không chỉ là “bắt được từ” mà còn để hiểu được lý do tại sao người ta lại cười, nói cách khác là những câu chuyện đùa (joke) của người Mỹ.
Xem đa dạng các loại phim
Cậu cũng rất thích xem “comedy” – thể loại hài và nghe rất khó, vì nó liên quan nhiều tới các yếu tố văn hóa. Việc nghe đi nghe lại một phần của bộ phim (hoặc “comedy”) tới năm, sáu lần, đôi khi dừng lại để tìm hiểu về các yếu tố “pragmatic” (ý của người nói) trong phim, giúp cậu không gặp bất kỳ trở ngại gì trong giao tiếp cuộc sống.
Sau cuộc nói chuyện với Abdulah, mình cũng thay đổi cách luyện nghe trong tiếng Anh. Mặc dù không đủ kiên nhẫn để xem một tập phim nhiều lần như Abdulah, mình cũng học được từ cậu ấy và tìm ra chiến lược luyện nghe cho riêng mình.
2 bước luyện nghe qua xem phim của Quang ở Mỹ
Mình đăng ký một kênh cho phép bật và tắt phụ đề (subtitle) tiếng Anh. Sau đó, mình chọn một phim truyền hình bằng tiếng Anh để luyện nghe hàng ngày, bởi phim một tập tốn thời gian mà khó nghe đều được. Bộ phim mình đang xem là “New Girl”, mỗi tập 20 phút.
Hai bước luyện nghe gồm:
– Xem lần đầu: Tắt phụ đề, tập trung nghe và hiểu phim (mình nghe được khoảng 90% hội thoại).
– Xem lần hai: Bật phụ đề và tìm xem có những đoạn nào mình không nghe được, lý do là gì. Ở bước này, mình tìm hiểu về những cách diễn đạt mới, thú vị hay cách người Mỹ “make joke”…
Với 40 phút mỗi ngày (nếu xem một tập) hoặc hơn một tiếng (nếu xem hai tập) để luyện nghe, kỹ năng của mình tiến bộ nhiều.
Mình hỏi Abdulah “Trước đây, cậu nghe được khoảng bao nhiêu?”. Cậu trả lời, hồi còn trẻ cậu nghe được khoảng 60%, sau này thì không gặp vấn đề gì nữa nhưng vẫn giữ thói quen nghe hàng ngày, vì tiếng Anh cần sự luyện tập.
(Bài đăng trên Vnexpress.net: Hai bước cải thiện kỹ năng nghe hàng ngày qua phim)
Bài 3: Phương pháp luyện nghe tiếng Anh qua phim của cô Moon Nguyen
Cùng xem video để biết cô Moon đã luyện nghe như thế nào để trở thành sinh viên xuất sắc toàn khóa Thạc sĩ Ngôn ngữ học tại Mỹ nhé.
1. Chọn bộ phim đơn giản
Thứ nhất, khi mới luyện nghe qua phim, đừng chọn những bộ phim mà bạn thấy tiếng không rõ, nói khó nghe.
Thứ hai, nên chọn phim nhiều bộ, mỗi tập chừng 30 phút, thay vì loại phim một tập dài 90 phút. Bạn luyện xem hàng ngày thì mỗi ngày 30 phút là đủ, đỡ tốn công ngồi nghĩ mai xem tiếp phim gì.
2. Xem hàng ngày
3. Kết hợp chế độ nghe tập trung (intensive listening) và nghe thưởng thức (extensive listening)
Theo phương pháp của Moon, trong cùng một tập phim, bạn kết hợp vừa nghe thưởng thức (chiếm 80-90% thời lượng phim) vừa nghe tập trung kiểu “cày cuốc” (nghe để hiểu cụ thể từng chi tiết, chiếm 10-20% thời lượng phim). Các bước nghe tập trung (intensive)
Bước 1: Chọn bất kỳ đoạn nào trong phim (chừng 1-3 phút, tùy trình độ), nghe không phụ đề. Thoải mái tua lại những đoạn không nghe được.
Bước 2: Những chỗ không nghe được, bật phụ đề lên xem. Để ý tại sao nghe không ra. Học từ mới nếu có.
Luân phiên nghe tập trung và thưởng thức trong cùng 1 bộ phim.
Chi tiết mời bạn tham khảo trong video trên nhé. Áp dụng thấy hiệu quả thì nhớ chia sẻ bí kíp này bạn nhé.
Moon Nguyen