Sáng nay đi thể thao về, mình lại bật Michigan Radio lên nghe. Đó là một cuộc phỏng vấn. Ngay câu đầu tiên mình nghe người phỏng vấn hỏi “And how about the … price increase in the U.S. for now?” Mình bị “mất” một từ khóa quan trọng trong câu đó…
Hãy dừng lại ở đây một chút, để nói về cách nghe tiếng Anh của mình.
Như mọi người đều biết, nghe tiếng Anh thì việc bắt từ khóa là vô cùng quan trọng. Nhưng chỉ “chăm chăm” vào từ khóa, chúng ta đôi khi “nghe” được từ mà không hiểu nghĩa của người nói.
Do đó, khi CHỦ ĐỘNG LUYỆN NGHE TIẾNG ANH qua đài, hoặc qua phim, mình thường NGHE THEO CỤM.
Khi nói, người bản xứ thường nói theo từng cụm một (gọi là “thought groups”). Khi nghe, bạn có thể cảm nhận rất rõ các cụm này, tính từ khi người nói bắt đầu nói cho đến khi họ nghỉ. Những người nghe ở trình độ thấp thường chỉ có khả năng nghe và ghi nhớ những cụm “thought group” ngắn, do đó, khi nghe người bản xứ nói 1 cụm dài, họ thường bị “lùng bùng lỗ tai” và mất phương hướng. Hì, hơi lạc đề một chút…
Nhưng tại sao lại nói về “cụm” ở đây? Vì mỗi “cụm” khi nói này là MỘT Ý TƯỞNG mà người nói muốn truyền đạt cho bạn. Quá trình nghe là việc nghe những CỤM này, hiểu, và lắp ghép các CỤM vào với nhau.
Để dễ tưởng tượng, trong tiếng Việt, mình có thể có những cụm như: đi (dép, giày) vào, mặc (quần/áo) vào… đó là những cụm rất ngắn. Khi nói, mình sẽ nói thành những cụm dài hơn.
Vậy, nghe theo cụm thì có liên quan gì tới việc nghe từ khóa và xử lý khi không nghe được từ khóa? Thật ra là rất liên quan đến nhau.
Khi nghe tiếng mẹ đẻ, một cách tự nhiên chúng ta sẽ nghe cả 1 cụm, và hiểu 1 cụm đó. Trong trường hợp vì lý do nào đó mà chúng ta bị “mất” một từ, thông thường chúng ta vẫn suy luận ra được, dựa vào những từ xung quanh nó.
Lý do là chúng ta đã có một nền tảng rất vựng chắc về các từ và cụm từ thường gặp, hiểu rõ về bối cảnh và nội dung cuộc nói chuyện hoặc nội dung chúng ta nghe.
Quay lại câu chuyện sáng nay khi nghe Michigan Radio, mặc dù không nghe được từ khóa, nhưng khi nghe đầy đủ một cụm: “And how about the … price increase in the U.S. for now?”, mình biết người hỏi đang nói về việc tăng giá một mặt hàng nào đó. Cả 1 câu dài, nhưng ý tưởng của người hỏi chỉ đơn giản là: “giá (mặt hàng) tăng thế nào?”.
Nếu đây là một cuộc nói chuyện, và mình bị mất 1 từ khóa quan trọng, cách đơn giản nhất là hỏi lại: “I’m sorry, what price are we talking about?”. Người nói sẽ nhắc lại từ khóa mà bạn bị mất.
Còn nếu bạn đang nghe “một chiều”: nghe đài, TV, seminar, cuộc họp… thì cách tốt nhất là sử dụng ngữ cảnh và tiếp tục nghe.
Sử dụng ngữ cảnh có nghĩa là bạn dựa vào những thông tin bạn đã nghe được trước đó để phán đoán nội dung bạn chưa nghe được. Kể cả bạn không chắc, bạn có thể đưa một nghĩa “giả tưởng” vào để tiếp tục kiểm chứng và phán đoán.
Ví dụ, nếu trước đó, người ta đang nói về “real estate” (bất động sản), và bạn đang đi thuê nhà, bạn có thể nghĩ về giá nhà “apartment price”, mặc dù biết đó không phải là từ mình nghe được.
Tiếp tục nghe có nghĩa là bạn nghe nội dung sau đó, vì chắc chắn người nói sẽ “phát triển ý”. Trong trường hợp cụ thể này, người trả lời phỏng vấn đã cho mình ngay câu trả lời: “the price of houses in has increased dramatically since the pandemic…”. Từ mình nghe không được chính là “houses” – một từ quá ư là đơn giản.
Như vậy, trong khi nghe, nếu bạn không hiểu nghĩa của một từ, hãy đặt nó trong một tổng thể của cụm để phán đoán – giống như cách bạn vẫn nghe tiếng mẹ đẻ vậy. Tất nhiên, có những từ sẽ là quan trọng, và có những từ ít quan trọng hơn. Bạn phải đánh giá được từ nào là quan trọng để tập trung nghe nhiều hơn, nhưng nội dung đó xin dành cho một bài viết khác.
Bạn có thể sử dụng “ngữ cảnh” – những yếu tố bạn đã biết, bao gồm những gì bạn nghe được trước đó, chủ đề cuộc nói chuyện và hiểu biết của bạn (personal background knowledge) để phán đoán nội dung bị thiếu.
Và bạn có thể tạm thời ghi nhớ nội dung mình nghe được (trong ví dụ trên, người ta hỏi về giá của một mặt hàng nào đó), và tiếp tục nghe để “điền vào chỗ trống”.
Trong một cuộc nói chuyện, bạn luôn nhớ là mình có thể hỏi lại. Đừng chỉ hỏi kiểu: “pardon me”, mà hãy hỏi chính xác nội dung mình nghe thiếu: “I am sorry, what price did you just mention?”, kiểu vậy.
Nếu trong một cụm “thought group” như vừa rồi, bạn chỉ bị thiếu 1 từ khóa, bạn vẫn có thể hiểu một phần ý của người hỏi. Nhưng nếu bạn không hiểu một chút gì thì sao? Ví dụ, bạn chỉ bắt được 1 từ “price”, và còn lại là một mớ âm thanh hỗn độn.
Tin tốt là, mỗi từ khóa đều là một “manh mối” giúp bạn phán đoán nghĩa. Khi không nghe được 1 cụm, bạn vẫn phải cố gắng “nhặt” được càng nhiều từ khóa càng tốt, và cố gắng phán đoán dựa trên những gì mình nghe được.
Nguyên lý vẫn là:
(1) hỏi lại nếu bạn đang giao tiếp trực tiếp
(2) dựa trên bối cảnh và phán đoán
(3) nghe tiếp
Cần nhớ, kể cả bạn có không nghe được 1 từ, hoặc 1 cụm từ, đó không phải tận thế. Hãy tiếp tục lắng nghe.
Các suy nghĩ đơn giản nhất là bạn đã bị mất một thông điệp của người nói, và đừng hoang mang vì điều đó. Bạn đang học một ngôn ngữ mới, không nghe được là rất bình thường. Bạn có thể bỏ qua và tiếp tục cố gắng nghe thông điệp tiếp theo của người nói. Sự kiên trì cuối cùng sẽ được tưởng thưởng bằng thành quả xứng đáng thôi.
Tóm lại, nếu không nghe được từ khóa hoặc cả một cụm thought group, bạn nên (1) hỏi lại nếu có thể (2) dựa vào bối cảnh để phán đoán (3) nghe tiếp và phán đoán và (4) nếu không thể khớp nội dung, hãy bỏ qua để tập trung nghe phần tiếp theo.
Nhưng tuyệt vời nhất vẫn là bắt được từ khóa và có đủ từ vựng và kiến thức ngữ pháp tốt để hiểu ý người nói ngay lập tức mà không phải phán đoán, phải không các bạn?
Tác giả: Quang Nguyễn