Từ kinh nghiệm sống, làm việc & học tập ở nước ngoài (cụ thể là ở Mỹ), Quang rút ra kết luận rằng: Trong giao tiếp và thực tế cuộc sống, nghe vẫn là kỹ năng sống còn nhất…
***
Vừa hạ cánh xuống Mỹ, chuyến máy bay nội địa đi Iowa bị trục trặc và trễ chuyến. Bọn trẻ mệt ngủ la liệt, cái xe đẩy cho thằng Bách 5 tuổi 30kg lại bị gửi lên khoang hành lý của máy bay hỏng.
Mình ra nói chuyện với em tiếp viên: Con tao 5 tuổi, nó cần cái “stroller” để nằm ngủ, chứ delay chả biết mấy tiếng, nó ngủ thế kia mệt lắm.
Em tiếp viên: “Tao không biết bọn khoang hành lý có lấy không. Nhưng tao sẽ thông báo cho bọn nó. Có gì sẽ báo với mày qua loa.”
Một lúc sau thì nghe qua loa: “stroller của hành khách đã sẵn sàng ở cửa ra máy bay. Khách hàng nào yêu cầu vui lòng qua lấy”. Mình lũn tũn chạy ra lấy, đặt thằng Bách vào stroller nằm ngủ, cái chân nó gác lên ghế… Thằng bé đánh 1 giấc ngon lành từ 2h chiều tới tận 8h tối hôm đó.
Tình huống rất đơn giản, nhưng nếu nghe không tốt có lẽ mình cũng chẳng biết lúc nào họ trả xe đẩy cho mình. Còn nhiều chuyện trên sân bay, ví dụ, khi máy bay trễ chuyến thì phải nghe loa thông báo cửa bay bị thay đổi liên xoành xoạch…
***
Tới Mỹ và settle down, mọi việc gần như đều phải nghe tiếng Anh. Mà nghe kém thì nhiều khi rất khó xử. Nói đơn giản như khi làm thủ tục nhập học cho bọn trẻ con, thiếu mấy mũi vaccine, phải gọi điện đặt “appointment” cho con. Nghe không được, sao trả lời được. Mua bảo hiểm cho xe, bị lỗi tài khoản, gọi điện thoại. Làm việc với trường, gọi điện thoại…
Nếu nói chuyện trực tiếp (face-to-face) mà bạn không nghe được (hoặc phát âm không rõ), còn cố “body language” mà hiểu được. Còn riêng gọi điện thoại mà nghe không được, coi như chịu. Do đó, mình mới càng thấm thía câu chuyện: Nghe giỏi là nghe được mọi thứ mà không cần phải có bối cảnh (context).
Ít ra là trong đời sống thường ngày phải như vậy.
Mình may mắn sống ở Mỹ cũng 1/10 cuộc đời trước khi lần này sang Mỹ, nhưng quan trọng hơn, mình được học phát âm tiếng Anh. Nhờ đó, lần này sang Mỹ nghe tiếng Anh thấy nhàn hẳn, cảm giác như nghe tiếng Việt (dù không sướng tai bằng).
Ngẫm ra, trong giao tiếp và thực dụng cuộc sống, nghe vẫn là lý do sống còn nhất. Nghe được, hiểu được, bạn có thể chủ động dùng các cách khác nhau để diễn đạt cho người khác. Đơn giản nhất là “yeah”, “nah”.
***
Ví dụ, hôm nay đi siêu thị, mua chai nước cam 4l, cậu bán hàng hỏi: “Do you want me to bag the jug of orange juice?”. Nếu không nghe được, có khi lại “yeah, yeah”… Cũng chẳng sao đâu, người ta cho cái chai vào túi cho mình thôi. Nhưng thực tình thì mình không muốn vậy, vì cái túi mỏng dính, đằng nào cũng phải cầm cái “handle” của bình mà vác vào nhà, nên mình nói “no, thanks”.
Cái cảm giác nghe được, nó sướng cái tai, nó tự hào cái lỗ nhĩ lắm. Mình cảm ơn món “phát âm tiếng Anh” và cả lớp “luyện nghe sâu tiếng Anh” nữa.
Nói thật, nhờ dạy 2 lớp này mà “bỗng nhiên” mình nghe tốt hẳn. Giống như trong một câu chuyện cười mình đã đọc về mấy ông giáo dốt:
“Bọn trẻ bây giờ dốt thật, dốt đến nỗi tao giảng tới 5 lần rồi – giảng bài nhiều đến nỗi chính tao cũng bắt đầu hiểu – mà chúng nó vẫn không hiểu”
Mình cũng không đến nỗi thế, nhưng quả thực, mỗi lần dạy người, chính là một lần tự dạy mình. Mình dạy nghe nhiều quá, đến nỗi giờ chính mình cũng thấy mình nghe giỏi rồi 🤣🤣🤣
Tham khảo: 4 bước tự luyện nghe tiếng Anh siêu hiệu quả
Thầy Quang Nguyễn