Hôm trước trong nhóm cộng đồng của MoonESL có mẹ hỏi Quang: “Thầy có phương pháp học nào cho bạn lớp 8 học được tiếng Anh mà lười không ạ?”
Câu hỏi của một mẹ trong nhóm cộng đồng của MoonESL
Đối với câu hỏi này, Quang có đưa ra câu trả lời như sau:
– Đây là câu hỏi mà rất nhiều phụ huynh băn khoăn. Mẹ đừng lo lắng quá, vì thực tế đây không phải vấn đề hiếm gặp. Điều quan trọng là mình hiểu rõ nguyên nhân và có cách tiếp cận phù hợp
Vì sao con không thích học tiếng Anh?
👉 Không thấy ý nghĩa của việc học:
Ở Việt Nam, tiếng Anh là một ngoại ngữ (EFL), nên trẻ ít có cơ hội sử dụng trong đời sống hàng ngày. Đối với con, tiếng Anh chỉ là một môn học chứ chưa phải công cụ giao tiếp thực sự.
👉 Học chưa giỏi nên dễ nản:
Khi chưa giỏi, trẻ thường mất tự tin và không có động lực để khẳng định mình. Điều này dẫn đến việc trẻ ngày càng lười học hơn.
👉 Phương pháp học chưa phù hợp:
Cách học truyền thống trên lớp có thể khô khan và không gắn với sở thích cá nhân của con, khiến con cảm thấy chán.
Tiếng Anh không phải là con đường duy nhất để thành công
Điều đầu tiên, mẹ hãy hiểu rằng tiếng Anh không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Có nhiều người dù không giỏi tiếng Anh nhưng vẫn rất thành công nhờ vượt trội ở các lĩnh vực khác như toán, lý, hóa, coding, âm nhạc hay kinh doanh.
Nếu con phát triển chuyên môn mạnh ở một lĩnh vực, sau này khi con cần mở rộng ra quốc tế, tự nhiên con sẽ có động lực học tiếng Anh. Ví dụ:
👉 Một bạn học nhạc, sau này đi biểu diễn quốc tế, từ đó mới bắt đầu học ngoại ngữ.
👉 Một người giỏi kinh doanh, khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài, sẽ tự muốn học thêm tiếng Anh để tăng cơ hội kiếm tiền.
Vì vậy, mẹ không cần quá căng thẳng. Quan trọng là con đang học giỏi ở lĩnh vực nào đó, từ đó xây dựng sự tự tin và nền tảng vững chắc.
Làm sao để gợi hứng thú học tiếng Anh?
Nếu mẹ vẫn muốn con cải thiện tiếng Anh, hãy thử những gợi ý dưới đây:
Xây dựng môi trường học tập thú vị:
Cho con xem phim tiếng Anh với phụ đề tiếng Anh. Để làm được việc này, trẻ không được sở hữu điện thoại, ipad, máy tính… Trẻ chỉ có 2 lựa chọn là đọc sách, hoặc xem TV là xem phim (có thể là Netflix) có phụ đề tiếng Anh. Khi xem phim nhiều, trẻ sẽ dần hiểu và thấy ý nghĩa của việc học tiếng Anh.
Kết hợp tiếng Anh với sở thích cá nhân của con, ví dụ: cho con xem video hướng dẫn/chơi game nếu bằng tiếng Anh, nếu con thích vẽ thì hướng dẫn con xem các kênh bằng tiếng Anh…
Tìm thầy cô hoặc lớp học phù hợp:
Đôi khi, trẻ không thích học do cảm thấy mình thua kém bạn bè trên lớp. Việc tìm một thầy cô phù hợp, hoặc tham gia lớp học thêm, sẽ giúp con lấp được lỗ hổng kiến thức và tự tin hơn.
Tìm thầy cô cũng là 1 việc không đơn giản, có cả 1 diễn đàn về chủ đề này ^^
Lưu ý:
💕 ĐỪNG ÉP BUỘC, HÃY KIÊN NHẪN: Trẻ còn nhỏ, rất khó để ý thức được tầm quan trọng của tiếng Anh trong tương lai. Vì vậy, ép buộc chỉ làm con thêm áp lực. Quan trọng nhất, mẹ hãy tạo điều kiện để con học tự nhiên, biến tiếng Anh thành một phần thú vị trong cuộc sống thay vì gánh nặng.
Tác giả: Quang Nguyễn