Thầy Quang Nguyễn hướng dẫn cách học từ mới khi luyện nghe tiếng Anh
Nếu bạn đang cầm mấy cuốn sách kiểu “hack não…” hay “1000 từ vựng IELTS”, lời khuyên tốt nhất của mình là… hãy bán giấy vụn, hoặc tái chế theo một cách nào đó sao cho ít hại đến môi trường.
Cách học từ vựng đó KHÔNG hiệu quả. Bạn có thể học được 10 từ, 20 từ mỗi ngày, hoặc nhiều hơn thế. Nhưng rồi bạn sẽ quên nó nhanh như khi bạn học nó vậy.
Vì những từ vựng đó MEANINGLESS với bạn!
Khi học từ vựng, cách hiệu quả nhất là phải làm sao cho nó MEANINGFUL, mà ngon lành nhất là giao tiếp – đặc biệt nếu bạn đang sống ở mấy nước nói tiếng Anh hay làm việc ở công ty đa quốc gia. Cái này mình viết 1 bài rồi, các bạn có thể tham khảo Học từ vựng tiếng Anh qua giao tiếp
Còn bài này viết cho mấy bạn đang học ở Việt Nam, nơi mà nghe tiếng Anh là 1 nguồn đầu vào vô cùng quý giá để học từ mới.
Hôm qua dạy lớp nghe, có 1 cụm “It’s fair enough” – có nghĩa là “nghe ổn đấy”. Cả lớp không nghe được.
Chẳng có từ nào mới cả, và nếu viết ra thì chắc cũng nhiều bạn trong lớp hiểu được, nhưng đây lại được coi là 1 cụm “từ mới”. Tại sao vậy?
Vì nếu nó không mới về ngữ nghĩa, nó mới về cách phát âm. “It’s fairy nuff?” hay “it’s very naff?”… Nhiều phỏng đoán được đưa ra, nhưng không có một đáp án đúng.
Có 2 lý do chính. 1 là nối âm: fair_enough, bạn thấy đấy, đôi khi rất khó để tách 1 từ ra khỏi cụm. Và những “novice listener” sẽ dễ hoang mang và không thể “giải mã” được những chuỗi âm thanh dồn dập đập vào tai.
Và 2 là sự quen thuộc. Sau khi có đáp án, phải đến 3/4 lớp ngồi gật gù: à, ra vậy. Không có từ mới, không phải cách diễn đạt mới, nhưng bạn NGHE CHƯA ĐỦ NHIỀU.
Đây là một ví dụ về từ mới. Hãy coi cả cụm này là 1 “từ mới”, để lần sau gặp lại, các bạn không phải băng khoăn nữa “fair_enough”.
Và lần tới, khi nghe hoặc đọc ở đâu đó cụm “fair enough” hãy nhớ chính xác rằng, mình đã học ở lớp IELTS căn bản của thầy Quang, bài về “presentation”, và thầy trò mình đã cùng nghe với nhau cụm này đến 4 lần mà cả lớp không thể nghe ra.
Nó là một KỶ NIỆM trong lớp học của mình, và là một kỷ niệm đẹp vì thầy và trò đều đã rất vui. Nó gắn liền với 1 bài nghe cụ thể, một bối cảnh cụ thể, một câu chuyện cụ thể.
Nó – khác với từ vựng trong từ điển hay trong những cuốn sách từ vựng khác – CÓ HỒN, nó MEANINGFUL!
Người ta sẽ chỉ nhớ lâu những gì thực sự có ý nghĩa với họ. Nên khi luyện nghe, và muốn học từ mới, hãy đừng nhớ từ đơn lẻ đó, như thể nó nằm ở một góc khuất vô hình trong từ điển.
Như hôm thứ 4 tuần trước, khi dạy lớp nghe sâu thứ 2, cả lớp không thể nghe được từ “PEARL diver” – các bạn nghĩ nó là “pro”, hoặc “purse”. Mình bảo:
– Khi các bạn đặt bút ghi từ “PEARL” vào cuốn sổ từ, hãy đừng chỉ nhớ nó là ngọc trai. Hãy nhớ nó là “PEARL” trong từ “pearl diver” mà mình đã học ở bài nói về “career change” trong lớp nghe của thầy Quang. Và mình đã nghe từ này thành “pro” hay thành “purse”.
Đó là cách học từ mới. Hãy học một cách thật “MEANINGFUL”, và nó sẽ là của bạn.
P.S. Kỹ năng nhớ từ mới còn dài, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhưng viết hết ra thì dài lắm, nên viết thế thôi. Lắm mồm lại bị ghét cho
Tác giả: Quang Nguyễn