Nghe tiếng Anh có 2 kiểu là nghe rộng và nghe sâu. Nghe khá rồi thì nghe rộng cho sướng, còn “xanh non” thì phải luyện nghe sâu nhiều.
Nguyên tắc chung là “nghe càng nhiều càng tốt”, vì não cần có thời gian “khớp” các âm thanh thành các từ/cụm từ có nghĩa. Bài viết này chia sẻ 2 điểm liên quan đến luyện nghe rộng cho những bạn đã có khả năng nghe đài.
1. Nghe mọi lúc mọi nơi
Mỗi người có 1 chiến lược luyện nghe khác nhau. Riêng mình thích luyện nghe mọi lúc có thể, tài liệu nghe của mình là Michigan Radio. Mình đã có hẳn 1 bài viết chia sẻ về những lợi ích tuyệt vời của nghe đài, xin không bàn ở đây. Nói chung là luyện nghe bằng đài lợi đủ đường (luyện nghe accent, luôn sẵn có, cập nhật tin tức…).
Để nghe “mọi lúc mọi nơi”, mình đầu tư một cái earphone xịn 200k, vì đi đâu cũng bật đài ông ổng thì rất bất tiện. Mình có thể cắm earphone khi không tiện bật loa ngoài, như khi ra ngoài hoặc đến nơi công cộng.
Nhưng nghe earphone có nhiều điểm bất lợi, một trong số đó là có thể giảm thính lực của bạn. Do đó, mình áp dụng 2 chiến lược:
– Thứ nhất, khi đeo tai nghe, luôn để âm lượng thấp hơn so với nghe bình thường ở ngoài. Nếu bật loa ngoài 100, nghe earphone chỉ để 70 thôi. Do earphone ít tạp âm, nên nghe nhỏ dịu tai mà lại vẫn rõ, mình luyện nghe nên tập trung thêm 1 chút cũng tốt.
– Thứ 2, bật loa ngoài mỗi khi có thể. Khi lái ô-tô, nấu cơm, rửa bát… mình đều bật loa ngoài, vì về cơ bản không ảnh hưởng đến ai.
2. Kết hợp nghe rộng và nghe sâu
Nghe rộng cốt lấy ý, hiểu là được. Còn nghe sâu thì phải “đào sâu” về tất cả các khía cạnh của ngôn ngữ: cách diến đạt, phát âm, ngữ pháp…
Khi nghe rộng, tâm thế thoải mái hơn rất nhiều, vì chỉ cần bắt từ khóa là sẽ OK. Còn khi nghe sâu, mình sẽ phải luyện “chép chính tả trong đầu”, có nghĩa là cố gắng bắt 100% từ mà người ta nói; luyện nghe “collocations”, cấu trúc câu, học những cách diễn đạt tự nhiên…
Do đó, nghe sâu sẽ cần sự tập trung cao hơn và tốn năng lượng hơn.
Phần lớn thời gian nghe Michigan Radio, mình nghe rộng để biết tình hình thế giới. Khoảng 20% thời gian, mình sẽ tập trung nghe sâu với mục tiêu “không sót từ nào”, hoặc “học cách diễn đạt hay”…
Do đó, hiệu quả nghe tiếng Anh tiến bộ rõ rệt.
Trong suốt quá trình luyện nghe như vậy, phát âm đóng vai trò vô cùng quan trọng, vì đôi khi mình nghe thấy tên riêng, từ lạ hoặc từ mới, mình có thể nhanh chóng xác định được, chứ không bị hoang mang như xưa.
Vài dòng chia sẻ.
Tác giả: Quang Nguyễn