Nếu ngữ pháp là nền tảng của đọc và viết, thì phát âm tiếng Anh là nền tảng để nghe và nói. Người Đức học phát âm tiếng Anh từ năm lớp 5, họ học cả tiếng Anh Anh (trong 3 năm) và tiếng Anh Mỹ (trong 5 năm).
Lần đầu tiên mình tiếp xúc với người Đức là năm 2010. Timmo làm ở hãng Mars – hãng sản xuất kẹo M&M; còn Sabrina lúc đó học tiếng Anh để làm giáo viên tiểu học ở Đức. Cả hai giống mình, đều là sinh viên quốc tế ở một trường đại học ở Mỹ.
Đặc điểm chung là cả hai giao tiếp tiếng Anh rất tốt và không gặp vấn đề gì. Sabrina thì phát âm đặc biệt hay, chuẩn và rõ ràng. Sau này, gặp nhiều người Đức khác, mình thấy tiếng Anh của họ đều rất tốt. Điều này làm mình tò mò về cách họ đào tạo tiếng Anh ở trường học. Lần mò trên mạng, mình tìm được bài viết tương đối ngắn gọn của một học sinh Đức về hệ thống giáo dục nước này.
Học tiếng Anh từ tiểu học
Trẻ em Đức bắt đầu học tiếng Anh từ trường tiểu học, thường là từ lớp 2. Trẻ được học kiến thức đơn giản như giới thiệu bản thân, nói về thời tiết, chỉ đường… Ví dụ, trẻ em nghe băng miêu tả John trông thế này, Jack trông thế kia… rồi khớp với các hình ảnh giáo viên đưa cho. Nói chung, học tiếng Anh ở trình độ này rất đơn giản và “thư giãn”.
Lên cấp 2
Lên đến cấp 2, trường học ở Đức được chia thành 3 loại. Những học sinh xuất sắc (với điểm trung bình A, B) vào Gymnasium, trong khi học sinh kém hơn vào hệ Realschule và Hauptschule. Chỉ học sinh học hệ Gymnasium mới có thể vào học đại học.
Phát âm và ngữ pháp
Khi vào được hệ Gymnasium, học sinh thực sự học tiếng Anh từ lớp 5. Những kiến thức cơ bản như phát âm tiếng Anh và ngữ pháp được đưa vào giảng dạy.
Học cả Anh Anh và Anh Mỹ
Từ lớp 5 đến lớp 7, học sinh được học tiếng Anh Anh (về cách phát âm và cách viết). Sau đó, từ lớp 8 các em học tiếng Anh Mỹ.
Ngôn ngữ giảng dạy: tiếng Đức và tiếng Anh
Trong 3 năm đầu, giáo viên chủ yếu sử dụng tiếng Đức khi giảng bài và giải thích bài tập, nhưng từ lớp 8 trở đi, giáo viên tiếng Anh sẽ chỉ nói tiếng Anh với học sinh. Điều này giúp các em rất nhiều trong nghe, nói và hiểu tiếng Anh.
Giáo viên tiếng Anh ở Đức có trình độ, rất nhiều trong số họ đến từ Anh và Mỹ.
Chú trọng kỹ năng đọc hiểu
Học sinh được học ngữ pháp bài bản, nhằm hỗ trợ kỹ năng đọc hiểu. Lên đến lớp 8, học sinh đọc những tài liệu tương đương với tài liệu đọc hiểu của học sinh Mỹ ở lớp 6. Nếu học sinh không chăm chỉ và tập trung trên lớp, sẽ rất khó để theo kịp chương trình, nhưng hầu hết học sinh Đức nghiêm túc trong học tập.
Thông tin nói trên được lược dịch từ một bài viết hoàn toàn bằng tiếng Anh của một học sinh lớp 8 (14 tuổi) người Đức. Bài viết ngắn gọn, rõ ràng và hệ thống.
So sánh với hệ thống giáo dục của Việt Nam
So sánh với hệ thống giáo dục tiếng Anh hiện nay của Việt Nam, mình thấy có ba sự khác biệt lớn.
Chương trình học
Thứ nhất là chương trình học bài bản, trẻ em làm quen với tiếng Anh rất nhẹ nhàng ở cấp 1; học bài bản về phát âm tiếng Anh, ngữ pháp (nền tảng) khi mới vào cấp 2; học nghe, nói, đọc viết bài bản các năm sau đó.
Trong khi đó, giáo dục Việt Nam tập trung vào ngữ pháp. Kỹ năng đọc, viết ít được giới thiệu; trong khi kỹ năng nghe – nói gần như bị xem nhẹ. Phát âm tiếng Anh – môn học nền tảng của giao tiếp tiếng Anh không được dạy trong nhà trường.
Chất lượng giáo viên
Thứ hai, chất lượng giáo viên khác biệt. Sabrina – cô bạn người Đức của mình giờ đã là giáo viên – được đào tạo bài bản và đi dạy tiếng Anh ở Mỹ một thời gian trước khi về Đức. Phần lớn giáo viên tiếng Anh ở Đức là người bản xứ.
Học tiếng Anh theo chuẩn
Thứ ba, học sinh được giới thiệu tiếng Anh chuẩn và đa dạng (lớp 5-7 học Anh Anh, lớp 8-12 học Anh Mỹ). Được tiếp xúc với hai chuẩn tiếng Anh phổ biến nhất thế giới hiện nay, không trách người Đức sử dụng tiếng Anh thuần thục.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nhìn bước chân thành công của người khác để học tập là việc rất nên làm. Nếu muốn thay đổi chất lượng giáo dục đào tạo ngoại ngữ hiện nay, chúng ta cần có sự thay đổi.
Gợi ý thay đổi cho hệ thống giáo dục
Chất lượng giáo viên
Thay đổi quan trọng nhất, theo mình, là chất lượng giáo viên. Việc thuê giáo viên bản xứ sẽ là quá đắt đỏ, nên nhiệm vụ cấp bách nhất là đào tạo mới giáo viên và đào tạo lại giáo viên tiếng Anh. Yêu cầu tối thiếu để giáo viên tiếng Anh có thể đứng lớp, có lẽ tương đương 7.0 IELTS. Vì giáo viên dốt không bao giờ đào tạo được học sinh giỏi.
Chương trình
Thay đổi thứ hai là chương trình. Ngữ pháp phải được đặt vào đúng vị trí của nó – hỗ trợ cho đọc, viết. Phát âm phải được đưa vào giảng dạy, làm cơ sở chuẩn hóa việc nghe – nói. Giáo viên tiếng Anh phải được đào tạo để đáp ứng được chương trình mới này.
Chọn chuẩn tiếng Anh
Thay đổi thứ ba là phải lựa chọn chuẩn tiếng Anh. Chuẩn Anh Anh, hoặc Anh Mỹ phải được đưa vào giảng dạy chính thức để nâng cao năng lực giao tiếp. Một cá nhân có thể sử dụng tiếng Anh bồi và thành công; một hệ thống giáo dục thì không thể.
Con đường sẽ dài, nhưng nếu có một lộ trình cụ thể, mình tin rằng giáo dục ngoại ngữ ở Việt Nam sẽ khởi sắc hơn nhiều trong khoảng 10 năm tới.
Tác giả: Quang Nguyễn
Bài đăng trên Vnexpress.net: Người Đức học tiếng Anh