Tùng và Nam cùng đi du học một thời gian. Ở Việt Nam, Tùng khá tiếng Anh hơn Nam một chút, giao tiếp cũng tự tin hơn. Sang tới Mỹ, cả hai cùng “choáng” vì người Mỹ nói nhanh quá, ngôn ngữ cũng phức tạp hơn hẳn trong sách vở.
Tùng sợ bị người khác chê cười tiếng Anh dở nên co mình lại, tiếp xúc nhiều với người Việt ở Mỹ. Nam thì lên kế hoạch 3 bước.
Một là tăng cường nghe và đọc tiếng Anh khi ở nhà. 2 là tham gia 1 nhóm bạn người Mỹ, cuộc vui nào cũng có mặt để tăng cường giao tiếp, 3 là đọc thật kỹ tài liệu học và lên lớp luôn cố gắng phát biểu.
Ở trên là câu chuyện có thật của 2 người mà Quang quen biết. Bạn nghĩ kết quả là gì? Đúng thế, trong khi Tùng dậm chân tại chỗ và gặp vô vàn khó khăn trong học tập, Nam nhanh chóng hòa nhập trong cuộc sống và học tập, và sử dụng tiếng Anh như người bản ngữ.
Bạn thấy mình giống hơn với Tùng hay Nam?
Người lớn, đặc biệt là người Việt Nam khi sử dụng tiếng Anh thường có tâm lý sợ sai. Đây là kết quả của nền giáo dục khoa cử, ví dụ, nói: “I’m interested TO learning English” là sai, phải nói là “interested in” mới đúng. Và sai là bị điểm kém, bị chê cười, nên để “trông có vẻ thông minh”, không biết tốt nhất là không nên nói.
Điều này khiến cho việc học tiếng Anh của người Việt gặp vô vàn nhiều rào cản. Lý do là, khi mới giao tiếp tiếng Anh, việc sai chỗ này chỗ khác là KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI, và khi nỗi sợ hãi khi mắc lỗi (phát âm, ngữ pháp, từ vựng, cách diễn đạt…) là quá lớn, thì phản ứng tự nhiên sẽ là… im lặng.
Nếu đó là lựa chọn của bạn, bạn giống Tùng, và cũng là phần đa người học Việt Nam.
Khi ở Mỹ, trong một lần nói chuyện với giáo sư, thầy bảo: “When learning a new language, it’s absolutely normal to make mistakes. You actually learn through the mistakes that you’ve made” (học 1 ngôn ngữ mới thì mắc lỗi là đương nhiên, và mình học được qua lỗi của mình). Nói chuyện với 1 người bạn Mỹ tên Don, ông bảo mình: “you should always remember that you are not a native speakers, so it’s normal to make mistakes” (Quang phải nhớ là cháu không phải người bản xứ, mắc lỗi là bình thường).
Do đó, mình không bao giờ ngại chuyện mắc lỗi và học được nhiều từ lỗi của bản thân. Mình dạy phát âm tiếng Anh, nhưng quả thực là nhiều từ không biết cách phát âm, ví dụ, hôm trước học được từ “finite” phát âm hoàn toàn khác với “infinite”. Lúc nào mình gặp từ mới thì đều mở từ điển ra xem “phỏng đoán” của mình có chính xác không – về cả nghĩa và phát âm.
Trên nhóm: học phát âm cùng MoonESL, Quang có lần mở một lớp đào tạo phát âm tiếng Anh miễn phí có tên gọi “lớp luyện nói tiếng Anh rõ ràng”. Mỗi ngày sẽ có 1 câu nói kinh điển bằng tiếng Anh, mọi người sẽ đọc câu nói đó vào phần mềm nhận diện giọng nói (speech-to-text), xem có từ nào mình đọc không được. Cách học này rất thú vị vì bạn vừa học tiếng Anh, cách phát âm, lại vừa học những triết lý thú vị.
Một lần, mình hỏi 1 bạn lý do tại sao không tham gia lớp miễn phí này. Bạn nói: em đọc mãi không được thầy ạ, toàn bị sai thôi.
Mình bảo: sai là chuyện tất nhiên, em học được từ sai lầm của mình để tiến bộ. Còn nếu đọc đúng thì không cần tham gia lớp.
Nhóm mình có 4500 thành viên, nhưng chỉ khoảng 30 bạn tham gia thử thách mỗi ngày. Các bạn khác có lẽ phần lớn đều “sợ sai” nên đều không dám làm.
Tóm lại, nếu bạn muốn tiến bộ và sử dụng tốt tiếng Anh, thì cách tốt nhất là hãy tìm cách để mắc lỗi. Bạn càng mắc nhiều lỗi, bạn càng tiến bộ nhanh.
Chúc các bạn mắc thật nhiều lỗi khi học tiếng Anh, vì nó chứng tỏ bạn đang tiến bộ và học hỏi. Đó là cách nhanh nhất để thành công.
Tác giả: Quang Nguyễn