Hồi mới qua học thạc sĩ ở Mỹ, mình có 1 cái bệnh là cứ lên lớp được 15-20′ là 2 mí mắt yêu thương cứ tìm đến nhau. Mình đã thử đủ cách, từ trà, cà phê, đứng dậy vào nhà vệ sinh… Nhưng hành trình cứ lặp lại.
Hay cái là chuông hết giờ vang lên 1 cái là lại… tỉnh như sáo. Thế mới đau chứ.
Mình giận mình ghê gớm!
Chắc cũng nhiều bạn khi luyện nghe tiếng Anh bị giống mình, đùa chứ tiếng loa phát ra mà nghe du dương hơn cả tiếng mẹ ru ngày bé, ầu à, ầu ơ. Mà cứ nghe tiếng Anh là buồn ngủ thì lấy đâu ra mà tiến bộ được.
Có lẽ đây cũng là lý do nhiều bạn thích vừa nghe tiếng Anh vừa… ngủ. Kiểu như có động lực đi vào giấc mơ để mình nghe giỏi hơn í, nhiều người nói về vụ vừa nghe vừa ngủ quá đến nỗi giờ có khi nó lại thành một lý thuyết hay phương pháp nghe gì gì đó, mà thi thoảng mình vẫn nghe mấy bạn bình luận viên chém gió trên tận báo Vnexpress.
Vậy, tại sao nghe tiếng Anh lại gây buồn ngủ thế.
Lý do đầu tiên là… thiếu ngủ.
Hồi mình mới qua Mỹ, chưa quen múi giờ, chập cheng mất mấy tháng, nên lên lớp buồn ngủ cũng thông cảm được 1 tí.
Cơ mà cái vụ này nó không liên quan lắm đến… chuông reo là tỉnh. Sao cứ vào lớp là buồn ngủ, ra chơi thì lại tỉnh?
Vì bạn đang nghe tài liệu khó
Khi nghe tiếng Anh – một ngoại ngữ khó nhằn – não của bạn phải căng ra để làm rất nhiều việc: giải mã âm thanh, cắt nghĩa, phản hồi… Một công việc vô cùng mệt mỏi.
Hồi đó học thạc sĩ, trong vòng 5 đến 10 phút đầu, não mình hoàn toàn tỉnh táo và luôn hoạt động hết công suất. Nhưng đến khoảng 20′ thì bị “sập nguồn”. Khi não của bạn bị căng ra và làm việc quá sức, bạn tất nhiên sẽ buồn ngủ.
Nói cách khác, “tài liệu nghe” này đang hơi vượt quá trình độ của bạn.
Mình đã “xử lý “cơn buồn ngủ trên lớp như thế nào?
Và bạn nên “xử lý” cơn buồn ngủ khi luyện nghe như thế nào?
Thứ nhất, để tránh rơi vào giấc ngủ, bạn không nên luyện nghe khi mình đã… “đi vào giấc ngủ 1/2”. Hãy chọn lúc tỉnh táo nhất, một bàn học thoáng gió, một ly cà-phê nếu muốn, và bật băng lên để luyện nghe.
Hồi đó, bí quyết đầu tiên của mình là… ngủ nhiều hơn. Như vậy, mình đảm bảo khi lên lớp mình không thiếu ngủ và sẽ tỉnh táo hơn.
Thứ hai, mình “giảm tải” độ khó của bài giảng trên lớp bằng cách chuẩn bị thật kỹ bài ở nhà. Như vậy, khi lên lớp, mình đã có đủ “background knowledge” để xử lý thông tin của bài giảng, tránh bị trường hợp não “vận hành quá mức cho phép” dẫn tới sập nguồn.
Với người học, nếu bạn thấy mình đang buồn ngủ khi luyện nghe tiếng Anh, đơn giản là hãy giảm độ khó của tài liệu nghe và luyện nghe thường xuyên và đúng cách.
Não chúng ta rất biết cách học và thích nghi, khi bạn nghe chăm chỉ và thường xuyên, giống như khi bạn tập thể dục, càng ngày, việc luyện nghe sẽ càng dễ dàng hơn.
Thế đó, khi bạn luyện nghe và bị buồn ngủ, hãy nhớ lấy 2 bí quyết trên. Và nhớ rằng, bạn luôn học hiệu quả hơn khi thức giấc, hơn là khi ngủ.
Và đừng để “nghe tiếng Anh là ngủ” trở thành 1 thói quen.
P.S. Nguồn nghe tiếng Anh cho những bạn muốn tìm nguồn “dịu dàng cho đôi tai” hơn: https://moonesl.vn/nguon-luyen-nghe-du-trinh-do/
Tác giả: Quang Nguyễn