Mỗi tối, trước khi đi ngủ, mình thường dành ra khoảng 1 tiếng để cùng con đọc sách tiếng Anh. Ở Mỹ, trẻ em thường tập đọc bằng “phonics” – phương pháp ghép vần dựa trên mặt chữ. Ví dụ, đọc chữ “bat” bằng cách ghép âm /b/, âm /æ/ và âm /t/ với nhau.
Nghe qua, đây có vẻ là một phương pháp hiệu quả, nếu bạn không bỏ qua một yếu tố: 60% từ tiếng Anh có cách đọc khác với cách Viết.
Vậy tại sao một phương pháp hiệu quả với trẻ em ở Mỹ, lại khó áp dụng với trẻ em Việt Nam?
Lý do thứ nhất vì bản thân trẻ em Mỹ và trẻ em Việt Nam có nền tảng khác nhau.
Trẻ em Mỹ, khi bước vào “kindergarten” (gần giống lớp 1 ở mình), đã có khả năng giao tiếp nhuần nhuyễn và vốn từ rất tốt rồi. Điều này có nghĩa là, trẻ không gặp vấn đề với từ vựng. Với vốn từ vựng tương đối dồi dào, quy trình “đánh vần” của trẻ em Mỹ có một bước mà trẻ Việt Nam không thể làm được: kiểm chứng.
Nôm na thì, khi trẻ cố “sound it out”, tức là đọc to một từ, chúng sẽ tự nghe xem mình đọc có đúng không. Ví dụ, từ “goes”, nếu trẻ đọc to lên thành “ɡəʊ.əz” như cách viết, chúng sẽ phát hiện ngay là mình đọc sai. Vì, trong số từ vựng mà trẻ đã từng nghe (sound), không có từ nào là “ɡəʊ.əz” cả.
Trẻ em Việt Nam thì khác. Phần lớn trẻ Việt Nam chưa có khả năng giao tiếp khi học “phonics”. Khác với trẻ em Mỹ, chúng không biết một từ “sound” thế nào, mà phải dựa hoàn toàn vào mặt chữ để đoán định. Điều này kết hợp với vốn từ (thường là) nghèo nàn của trẻ, sẽ khiến trẻ dễ mất phương hướng và “đọc bừa” dựa trên cách viết của từ.
Vấn đề nạn này thực ra không có gì mới. Những thế hệ từ thời mình cũng phần lớn học “nói” tiếng Anh bằng cách nhìn mặt chữ để đoán định. Và hậu quả là ai muốn dùng tốt tiếng Anh thường phải đi “cày” lại phát âm.
Vấn đề thứ hai liên quan đến phát âm. Trẻ em Mỹ không cần học phát âm, vì chúng là người bản ngữ rồi. Trẻ em Việt thì khác, tiếng Anh có những âm không tồn tại trong tiếng Việt, và những âm tương đồng (ví dụ âm /t/) cũng không giống hoàn toàn.
Cứ giả sử trẻ em Việt Nam nhìn vào mặt chữ biết một từ đọc thế nào đi chăng nữa (ví du, từ “bit” và “beat”), không có nghĩa khi chúng nói sẽ chuẩn. Vì nếu không được học phát âm, đơn giản là chúng sẽ đọc câu: “don’t SLIP on the floor” và “don’t SLEEP on the floor” giống nhau.
Nan giải hơn nữa, tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm tiết và có trọng âm. “Phonics” không dạy cái này, nên trẻ nhìn vào mặt chữ buộc phải “đoán” trọng âm của từ nằm ở đâu. Ví dụ, những từ như “ignorant” hay “temperature” chẳng hạn, sẽ gây khó khăn cho trẻ, vì chúng sẽ phải ngồi “đoán già đoán non” từ này đọc thế nào. Và vì thiếu vốn “spoken English” để kiểm chứng, chúng sẽ không thể “self-correct” giống như trẻ em bản xứ được.
***
Khi dạy Seal đọc, mình phải sửa cho cháu rất nhiều. Ví dụ, khi đọc từ “said”, cháu thắc mắc tại sao là âm /e/, trong khi “paid” lại là âm /eɪ/. Nhưng về cơ bản, cháu “self-correct” rất tốt (khoảng 70% từ đọc sai) và thường nhận ra trọng âm từ ngay sau khi “sound it out”. Ví dụ, cháu sẽ đọc “pre-si-dent” rồi đọc lại “PREsident”, do đã biết từ đó “sound” như thế nào.
Vậy, phụ huynh phải làm thế nào, khi hệ thống giáo dục chưa thể thích ứng kịp. Nhớ rằng “phonics” không phải cây đũa thần, đặc biệt cho trẻ em Việt Nam.
Nheo mình, những trẻ học tiếng Anh ở Việt Nam (EFL) cần được cho làm quen với phát âm, để hiểu được bản chất của vấn đề. Ngoài ra, bố mẹ – đặc biệt là các ông bố – nên dành thời gian để học cùng con (xem bài này)
Dù sao, một tiếng mỗi ngày cùng con sẽ ý nghĩa hơn nhiều so với ngồi cùng chúng bạn ngoài quán bia, phải không các ông bố?).
Dù sao, một tiếng mỗi ngày cùng con sẽ ý nghĩa hơn nhiều so với ngồi cùng chúng bạn ngoài quán bia, phải không các ông bố?
Quang Nguyen
Bài đăng trên Vnexpress.net