Năm 2010, mình thi TOEFL ibt được 29/30 điểm nghe. Nhưng khi sang đến Mỹ thì gần như “điếc”, họ nói quá nhanh, khác hẳn bài nghe chậm rãi và từ tốn trên TOEFL. Qua tuần “orientation”, mình bước vào buổi học đầu tiên với một sự kinh hoàng hơn nữa: giáo sư môn “ethics” bắn như súng liên thanh, mình nghe và không thể xử lý kịp. Trong khi đó, một số bạn Mỹ “mumble” tiếng Anh, mình nghe không hiểu gì.
Mới biết điểm TOEFL hay IELTS đôi khi chẳng nhiều ý nghĩa lắm.
Sau 2 năm, khả năng nghe đã đỡ được phần nào, nhưng vẫn thấy thiếu thốn cái gì đó. Kỹ năng nghe vẫn rất nhiều vấn đề.
Về Việt Nam, nhờ cô Moon Nguyen, mình bắt đầu nghiên cứu về phát âm, bắt đầu từ cuốn tài liệu rất hay mua ở Mỹ và Rachel’s English.
Cảm nhận đầu tiên là sung sướng vì rút cục đã biết sự khác biệt giữa âm “i” trong từ “sit” và “seat”, hay sự khác biệt giữa “bet” và “bat”. Những từ này, trước đây mình cũng biết là phát âm khác nhau, nhưng khác thế nào thì không rõ ràng lắm.
Nhờ học phát âm, mình đã rút ra được quy tắc nghe điền từ vô cùng hiệu quả, gọi là quy tắc nghe 3 bước:
– Bước 1, nguyên âm là gì?
– Bước 2, âm cuối là gì?
– Bước 3, âm đầu là gì?
Ví dụ, với câu “they live in a SHACK”, kể cả không biết từ “SHACK”, nếu học phát âm rồi bạn vẫn có thể viết ra được. Câu hỏi “nguyên âm là gì?” – âm “æ”, “âm cuối là gì?” – âm “k”, và “âm đầu là gì?” – âm “ʃ? (sh).
Phát âm cũng rất hữu dụng khi luyện nghe âm cuối, ví dụ, “bit” và “bid” khác nhau ở đâu? Hay sự khác biệt giữa “friend” và “friends”. Về lý thuyết thì mọi người có thể cho là dễ, nhưng trên thực tế nghe, sự phân biệt hoàn toàn không dễ dàng.
Hoặc, hiểu được về cách nối âm cũng giúp ích rất nhiều. Nhớ có hôm đi ăn hàng, em “waitress” xinh đẹp hỏi: “do you want a SUPER salad?”, mình trố hết cả mắt ra, hỏi lại: “sorry, WHAT salad?”, em í nói lại: “do you want a SOUP or salad?”. Những kiểu nối âm như vậy, nhờ hiểu phát âm nên mình cũng đỡ nhầm đi ít nhiều.
Nhưng lợi ích lớn nhất về nghe khi học phát âm lại nằm ở “giai điệu” (rhythm). Khi học về giai điệu, mình hiểu được cách người bản xứ nhấn từ khóa trong câu, và học cách tập trung để hiểu ý của người nói. Đến nay, khi luyện nghe, mình vẫn áp dụng kỹ năng nghe theo “rhythm” những khi người nói nói quá nhanh, đặc biệt là khi nghe đài.
NHỮNG ĐIỀU PHÁT ÂM KHÔNG THỂ GIÚP BẠN
Mình coi phát âm như nguyên lý. Nói nôm na, trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, nó là bí kíp võ công hay được tìm thấy trong hang đá. Không ai thành tài được nếu không miệt mài luyện tập.
Thứ nhất, dù phát âm gắn chặt với kỹ năng nghe, nhưng nếu bạn không có từ vựng thì nó không thể giúp bạn nghe hiểu được. Và nếu ngữ pháp yếu, bạn có nghe (và ghi lại được) hết những gì người khác nói, cũng không thể hiểu họ nói gì.
Thứ hai, học phát âm – nếu được hiểu là học những nguyên lý về phát âm – không giúp bạn biết một từ phát âm thế nào. Tiếng Anh có 40% từ vựng có cách viết và đọc khác nhau, học nguyên lý không thể giúp bạn biết phát âm mỗi từ. Ví du, từ “does” – tại sao không đọc là “du-əz”?
Kể cả bạn vượt qua được 2 “ải” là từ vựng, ngữ pháp và cách phát âm, bạn vẫn có thể vướng ải thứ 3: tốc độ. Tốc độ nói của người bản xứ là rất nhanh với hầu hết người Việt. Nhiều trường hợp, đơn giản là não của bạn không đủ tốc độ để xử lý, nên bạn nghe và không kịp hiểu người khác nói gì.
PHÁT ÂM TỐT CHO AI?
Phát âm, theo quan điểm cá nhân, tốt cho 2 nhóm đối tượng, và không cần thiết cho 1 nhóm đối tượng.
Phát âm đặc biệt hiệu quả với người đã qua dậy thì và không sống trong môi trường bản xứ (EFL – English as a Foreign Language) – những người như mình chẳng hạn. Đặc thù chung của nhóm này là khả năng đọc thường tốt hơn khả năng nghe, do đó, phát âm sẽ là “nhịp cầu” giúp kết nối 2 mảng là ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói với nhau.
Thậm chí với những người sang Mỹ sau khi đã qua giai đoạn dậy thì cũng rất nên học phát âm để hòa nhập. Mình có một vài người bạn quốc tế đang định cư ở Mỹ cũng rất đồng tình với quan điểm này. Trường hợp này, phát âm đặc biệt hiệu quả trong nâng cao khả năng nói rõ ràng của người học.
Phát âm cũng tốt cho trẻ học tiếng Anh như một ngoại ngữ (EFL). Trẻ em tiếp cận phát âm chuẩn từ đầu thường sẽ gặp ít khó khăn hơn trong giao tiếp về sau này. Người Đức dạy trẻ em phát âm Anh Mỹ song song với ngữ pháp, khi trẻ vào lớp 5 (từ lớp 1 đến lớp 4, trẻ học tiếng Anh theo kiểu “học mà chơi”).
Đối với trẻ em sống ở nước nói tiếng Anh từ nhỏ (dưới 10 tuổi) thì không cần học phát âm, vì trẻ sẽ tự động học cách phát âm chuẩn trong quá trình tương tác với bạn bè ở trường học và ngoài cuộc sống.
Để kết thúc bài, mặc dù mình đã hiểu rất sâu về phát âm, nhưng vẫn phải liên tục luyện nghe hàng ngày. Lý do một phần nghe là học (mình nghe các bài giảng chuyên môn, và nghe audio book), một phần vì đôi tai luôn cần được luyện tập, để bắt nhịp với tốc độ của người nói ở đây. Phát âm là một bí quyết, nhưng để giỏi, bạn luôn phải luyện tập.
Tác giả: Quang Nguyễn