Ai cũng biết để nghe tiếng Anh thì quan trọng nhất là bắt được từ khóa (keywords), nhưng làm thế nào để bắt được từ khóa thì lại là một câu chuyện nan giải với nhiều người.
Tất nhiên, một trong những phương pháp là bạn cứ NGHE THẬT NHIỀU và chờ đợi một ngày mình sẽ nghe giỏi. Đây là một phương pháp hiệu quả với nhiều người, nhưng riêng với mình thì không.
Mình đã từng luyện nghe rất nhiều, nhưng luôn phân vân: liệu người ta đang nói từ khóa gì nhỉ? Đây là 1 từ hay 1 cụm từ? Sao nghe cứ ríu vào với nhau thế này? Sao các từ cứ trôi tuột đi như vậy? 😭 Có những lúc, mình thấy bắt từ khóa giống như bắt lươn vậy, chạm được vào, nhưng nó cứ trượt đi.
Cho tới khi mình học PHÁT ÂM TIẾNG ANH. Khi học phát âm, mình càng củng cố quan điểm là phải bắt được từ khóa, và từ khóa sẽ là từ người ta nói rõ nhất, nên mình sẽ nghe rõ nhất. Nhưng quan trọng hơn, biết được từ khóa đó rồi, làm sao “giải mã” được nó. Chìa khóa nằm ở “âm” (sounds).❤
BƯỚC 1: HẦU HẾT TỪ TIẾNG ANH CÓ TRỌNG ÂM RƠI VÀO ÂM TIẾT SỐ 1 HOẶC 2
Đầu tiên, mình biết rằng hầu hết các từ trong tiếng Anh có TRỌNG ÂM RƠI VÀO ÂM TIẾT SỐ 1 HOẶC SỐ 2. Và mình cũng biết rằng, để bắt được từ khóa, mình sẽ cần phải nghe được âm tiết được nhấn trong từ. Ví dụ:
“He SAYS he RIDES the BIcyle Everyday”
Thì mình cần phải nghe được các âm tiết, SAYS, RIDES, BI—, E—-. Và để nghe được các âm tiết đó, quan trọng nhất là nghe được nguyên âm của từng âm tiết: âm /e/ trong SAYS, âm /ai/ trong RIDES và BI—, và âm /e/ trong E—-.
BƯỚC 2: XÁC ĐỊNH NGUYÊN ÂM TRONG ÂM TIẾT ĐƯỢC NHẤN
Khi xác định được nguyên âm trong âm tiết được nhấn, 80% là bạn sẽ đoán được âm tiết đó là gì. Và vì hầu hết các từ có trọng âm rơi vào âm tiết số 1 hoặc 2, khi đoán được âm tiết được nhấn trọng âm, gần như bạn sẽ đoán được cả từ.
Đó chính là bí quyết luyện nghe của Quang khi nghe tiếng Anh. Đây cũng là 1 trong những phương pháp luyện nghe của người bản xứ được chia sẻ trong cuốn sách về phương pháp luyện nghe mà Quang đang đọc: người bản xứ tập trung nghe âm tiết được nhấn, và họ giả sử tất cả các âm đều có trọng âm ở âm tiết đầu tiên.
Vậy, bí quyết để luyện bắt từ khóa chính là nằm ở “nguyên âm” của tiếng Anh. Làm thế nào để tập luyện theo phương pháp này?
Đầu tiên, bạn cần biết về tất cả các nguyên âm trong tiếng Anh. Nói cách khác, bạn có thể liệt kê ra tiếng Anh bao gồm mấy nguyên âm, là những nguyên âm nào.
Thứ hai, bạn phải “nghe” được nguyên âm nhằm tránh nhầm lẫn giữa những nguyên âm gần giống nhau. Khi nghe, não có rất ít thời gian để xử lý dữ liệu, nên bạn nghe xong là phải xác định được ngay nguyên âm trong từ mình vừa nghe là gì, ví dụ mình vừa nghe được từ “hit” “heat” hay “hate”, hay “head”?
Thứ ba, nếu bạn có thể “nói” rõ và chính xác nguyên âm, việc này cũng sẽ ảnh hưởng ngược lại khả năng nghe của bạn. Các nghiên cứu về phát âm đã chỉ ra, khả năng nghe và nói của 1 người có yếu tố tương hỗ.
Cuối cùng, đương nhiên là một người nghe giỏi sẽ phải dựa vào nguyên âm nghe được để phán đoán từ khóa. Sau đó dựa vào từ khóa để phán đoán ý nghĩa của từ. Dựa vào ý nghĩa của các từ để phán đoán nội dung nghe, dựa vào nội dung nghe để phán đoán các từ khóa mà họ nghe chưa rõ (nghe dựa trên ngữ cảnh).
Nói ra thì phức tạp, nhưng tất cả quá trình trên diễn ra chỉ trong 1 tích tắc, vì khi nghe, bạn không có nhiều thời gian để tư duy đâu. Và “đầu xuôi, đuôi lọt”, nghe đúng được nguyên âm đảm bảo 50% thành công của bạn trong việc phán đoán từ khóa và hiểu ý nghĩa của bài nghe.
Do đó, tất cả những bạn đã học phát âm tiếng Anh đều cảm thấy khả năng nghe tiến bộ vượt bậc. Và một phần không nhỏ chính là nhờ nguyên âm (ngoài ra, trọng âm, giai điệu (rhythm), nối âm là 3 nội dung quan trọng của phát âm tiếng Anh giúp bạn nghe tốt).
Bài cũng dài quá rồi, nhưng Quang thực sự đã cải thiện khả năng nghe của mình vượt bậc kể từ khi nắm vững hệ thống nguyên âm trong tiếng Anh. Cảm giác là giống như mình có một điểm để nắm lấy, để từ vựng không “trơn tuột” như con lươn chạy qua kẽ tay nữa.
Do đó, mình thực sự khuyên bạn, nếu đang hoang mang hay bấn loạn về khả năng nghe, hãy học về hệ thống âm (IPA) trong tiếng Anh, và luyện nghe theo phương pháp “bắt nguyên âm” – “bắt trọng âm” – “bắt từ khóa” và “hiểu nghĩa.
Tác giả: Quang Nguyễn