Nhiều người học tiếng Anh cho rằng, giao tiếp tiếng Anh chỉ là nghe và nói. Điều này không đúng, bản chất của giao tiếp (communication) chính là trao đổi ý tưởng.
Thầy giáo tiếng Anh Quang Nguyen chia sẻ tác hại của việc giả vờ hiểu khi giao tiếp tiếng Anh.
Tác hại của việc “giả vờ hiểu”.
Muốn giao tiếp tiếng Anh tốt, bạn cần biết nhiều hơn việc chỉ nghe và nói. Bạn cần lắng nghe để hiểu ý tưởng của người nói là gì, tiếng Anh gọi là “listening comprehension” – nghe hiểu.
Từ “hiểu” (comprehension) ở đằng sau rất quan trọng. Ví dụ, trong giao tiếp, bạn nghe được người khác nói: “I hate winter because I often have a cabin fever”. Mặc dù bạn có thể nghe được toàn bộ câu, từ, nhưng chưa chắc bạn hiểu thế nào là “cabin fever”.
Trong những tình huống như vậy, tôi thấy hầu hết người học tiếng Anh có xu hướng lảng tránh và ngại hỏi lại. Có lẽ họ ngại cảm giác xấu hổ khi không nghe được người nước ngoài nói gì. Họ coi việc hỏi lại thể hiện sự yếu kém và hy vọng người nói không nhận ra mình không nghe được gì.
Thực ra, người nói biết chắc chắn lúc nào bạn giả vờ hiểu. Và nếu bạn không hỏi lại khi không hiểu, mọi việc có thể tệ hơn rất nhiều.
Trường đại học nơi tôi từng dạy có Chương trình Tiên tiến, nơi học sinh được học trực tiếp từ giáo sư đến từ Mỹ. Để hỗ trợ sinh viên, mỗi giáo sư có một trợ giảng người Việt cho mỗi lớp.
Học kỳ ấy, giáo sư Rob nhận hai trợ giảng là tôi và một đồng nghiệp khác. Buổi trợ giảng của tôi diễn ra khá suôn sẻ, nhưng đồng nghiệp tôi thì không. Giáo sư đã yêu cầu thay trợ giảng, với lý do: “He doesn’t understand me, but he pretends he does. I can’t work with him”. Sự việc sau đó được dàn xếp ổn thỏa, tôi đề nghị trợ giảng song song cùng đồng nghiệp và giúp thầy ấy hiểu rõ những kỳ vọng của giáo sư. Lớp học hoàn thành tốt đẹp.
Như vậy, trong công việc, giả vờ hiểu có thể khiến bạn mất đi cơ hội, hoặc mất đi công việc của mình. Giả vờ hiểu rõ ràng không phải là một sự lựa chọn.
Nếu nghe không rõ, bạn sẽ phải làm gì?
Cô Moon Nguyễn hướng dẫn cách xử lý khi không hiểu người khác nói gì
Những ngày đầu tôi đi học ở Mỹ, người phụ trách hiểu rất rõ về những khó khăn khi nghe tiếng Anh của sinh viên. Nếu một người Mỹ nói, bạn không hiểu và hỏi lại: “Pardon me?” hoặc “Excuse me?” hoặc “I am sorry what do you mean?”, họ sẽ nhắc lại câu nói, lần sau to hơn lần trước.
Nhiều người Mỹ không hiểu rằng đôi khi không phải bạn không nghe được mà là bạn không biết từ mới hay cách diễn đạt. Do đó, nếu bạn chỉ “giắt lưng” câu “pardon me” thì có thể rơi vào tình huống người ta nói lại tới ba lần mà bạn vẫn chẳng hiểu gì. Để rồi cuối cùng bạn buộc phải lờ đi, giả vờ mình nghe được nhưng lại không trả lời.
Với những tình huống ấy, cách tốt nhất là bạn nên hỏi lại chính xác nội dung mà bạn chưa nắm được. Ví dụ, nếu bạn không hiểu câu: “I hate winter because I often have a cabin fever” vì không biết nghĩa của từ “cabin fever”, hãy hỏi lại từ đó:
– I am sorry, did you say “cabin fever”?
– What does “cabin fever” mean?
Một cách khác là bạn có thể đoán ý và hỏi lại. Khi người ta nói không thích “winter” bởi vì bị “cabin fever”, bạn có thể hỏi lại “Do you mean you have a cold in the winter?” và sẽ nhận được câu trả lời “cabin fever” là cảm giác ức chế, cáu gắt khi bạn ở trong nhà quá lâu mà không được ra ngoài.
Trong giao tiếp tiếng Anh, hay bất kỳ ngoại ngữ nào, hãy nhớ cái mình cần là thông tin của người nói chuyện cùng. Do đó, tốt nhất đừng bao giờ cố giả vờ hiểu, vì nó sẽ làm mất tín nhiệm của bạn với người nói chuyện.
Cách tốt nhất để tránh rơi vào tình huống oái oăm là hãy luyện nghe thật nhiều, học phát âm tiếng Anh thật chuẩn, học cách diễn đạt và từ mới của người bản xứ… Suy cho cùng, không có gì thay thế được sự chăm chỉ.
Tác giả: Quang Nguyễn
(bài được đăng trên vnexpress.com: Giả vờ hiểu khi giao tiếp tiếng Anh)