Dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh là phản xạ rất tự nhiên của người học. Để không dịch khi nói tiếng Anh, bạn cần:
- Luyện nghe tiếng Anh thật nhiều
- Tách khỏi môi trường tiếng Việt khi nghe hoặc nói tiếng Anh
- Nói tiếng Anh dưới áp lực thời gian
Bạn có bao giờ tự dằn vặt tại sao mình cứ nghĩ bằng tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Anh? Đừng buồn, vì đó là cơ chế hoạt động của não với mục tiêu tiết kiệm năng lượng. Khi tư duy, não sẽ bắt đầu với những gì quen thuộc nhất và việc não bộ “dịch” một ý tưởng ra tiếng mẹ đẻ trước khi “dịch” nó ra ngoại ngữ là phản xạ tự nhiên.
Tuy nhiên, ví dụ, khi bạn muốn nói câu “hàng ngày, tôi đón các con ở trường lúc 5h” bằng tiếng Anh, và bạn “tắc tị” với từ “đón”… Việc dịch trở thành thảm họa khi bạn nói tiếng Anh.
5 hạn chế của “dịch” tiếng Anh
Nếu dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, bạn sẽ gặp rất nhiều trục trặc.
Thứ nhất, không phải lúc nào cũng có từ tiếng Anh tương ứng với từ bạn định dịch từ tiếng Việt. Một ví dụ đơn giản là “áo dài” – nếu cố dịch sang tiếng Anh, bạn có thể sẽ làm người khác hiểu lầm.
Thứ hai, kể cả có từ tiếng Anh tương ứng, không phải lúc nào bạn cũng biết từ đó. Trong video ở trên, từ ‘pick up’ không phải ai cũng biết.
Thứ ba, kể cả bạn có biết từ đó, không phải lúc nào cũng có thể nhớ được. Trong giao tiếp, bạn chỉ nên dành khoảng 3-5 giây để có thể bật ra được một từ không nhớ. Nếu vượt quá mức này, hãy tìm cách nói khác.
Thứ tư, đôi khi kể cả bạn tìm đúng từ định tìm, quá trình dịch có thể sẽ “bóp méo” ý tưởng.
Cùng tưởng tượng tình huống, khi bạn được giới thiệu với một người mà bạn trông rất quen. Bạn muốn nói “tôi nhớ đã gặp anh ở đâu rồi” – và bạn dịch “I miss seeing you somewhere”, vì bạn biết “nhớ” là “miss”. Đây chỉ là một trong số vô vàn tình huống “dở khóc dở cười” mà bạn có thể gặp khi cố “dịch” từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Cuối cùng, có lẽ cũng là quan trọng nhất, đó là vấn đề ngữ pháp. Ngữ pháp của tiếng Việt và tiếng Anh hoàn toàn khác nhau. Khi dịch, bạn có thể sẽ xử lý ngữ pháp không tốt. Ví dụ, ở câu “tôi nhớ đã gặp anh ở đâu rồi”, bạn có thể nói thành “I miss saw you somewhere done”.
3 lời khuyên vượt qua thói quen dịch
Dưới đây là một số lời khuyên để vượt qua thói quen dịch:
1. Hãy luyện nghe tiếng Anh thật nhiều.
Khi nghe, cố gắng hiểu những gì họ nói, thay vì dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt. Nghe đủ nhiều sẽ giúp bạn sử dụng tiếng Anh nhịp nhàng hơn.
2. Hãy tách khỏi môi trường tiếng Việt khi nghe hoặc nói tiếng Anh
Việc sống hoàn toàn trong môi trường tiếng Anh sẽ giúp não “làm quen” với ngoại ngữ này. Nghĩ bằng tiếng Anh, nghe bằng tiếng Anh, đọc bằng tiếng Anh, và nói bằng tiếng Anh. Nếu thực hiện đủ 4 điều này, dần dà bạn sẽ thấy mình không dịch nữa.
3. Tạo áp lực tốc độ khi nói tiếng Anh
Càng nói nhiều và nói nhanh, bạn càng không có thời gian dịch. Tăng tốc khi nói là bí quyết để thành công. Bài thi nói “independent speaking” của TOEFL iBT là cách luyện tập rất tốt. Bạn được cho một topic, 15 giây chuẩn bị, và 45 giây để nói. Bạn phải nói đủ ít nhất một câu “topic sentence”, 1-2 “supporting ideas” và một vài “example/details”. Áp lực thời gian sẽ làm giảm động lực dịch.
Tác giả: Quang Nguyễn