Dạy lớp nghe căng hơn dạy lớp phát âm, đơn giản vì nó nhiều “biến số” hơn: từ vựng, ngữ pháp, phát âm, khả năng hiểu ngay lập tức… Mỗi học viên có một “màu sắc” riêng.
Hôm qua, khi làm group work, mình tách 2 bạn học viên là P và Y ra để làm việc riêng và hỗ trợ các bạn ấy cách nghe. Thấy có vài vấn đề, viết ra đây chia sẻ với những bạn cũng đang luyện nghe.
Vấn đề thứ nhất, đó là nghe và cảm nhận INTONATION. Cái này rất quan trọng, khi mình nghe 1 câu thì phải biết cái “INTONATION” của người nói nó là câu hỏi hay câu kể.
Mình bật băng cả mấy lần, hỏi các bạn ấy là câu gì, cả 2 đều khăng khăng là câu kể (statement). Cuối cùng, mình phải “ngửa bài” hỏi: “cái intonation ở cuối là đi lên hay xuống”, các bạn mới biết: à, câu hỏi thầy ạ.
Ngay sau khi xác định được câu hỏi, bạn Y đã nghe và xác định được câu đó là gì luôn. Cái này một là không học phát âm thì không biết, hai là nếu tự học cũng khó mà luận ra được.
Vấn đề thứ 2 của bạn P là bạn ấy không tách từ khóa ra khỏi một chuỗi âm thanh được. Cái này mình có hướng dẫn ở phần “phương pháp bắt từ khóa qua nguyên âm”, nhưng bạn ấy có vẻ chưa luyện tập đủ.
Tiếng Anh có giảm âm, nối âm, nên nếu không “tinh” và có phương pháp, rất khó để tách từ khóa ra khỏi chuỗi. Cách tốt nhất là “cảm nhận” được những chỗ nhấn trọng âm của từ.
Bạn Y thì bắt từ tốt hơn, nhưng vẫn gặp vấn đề là không hiểu nghĩa. Ví dụ, có câu: “So I take it quite seriously”, mình hỏi 2 bạn là nghe được từ gì? Bạn Y nói, “em nghe được: “take” và “seriously”, nhưng không hiểu nghĩa thầy ạ”.
Và bạn rất lo lắng về việc đó.
OK, đây lại là một vấn đề mới nữa của nghe, bạn “bắt” được từ khóa, nhưng không hiểu gì. Khi nghe thấy từ “seriously”, bạn nghĩ đến cái gì đó nghiêm trọng.
Mình hỏi: “em có biết cấu trúc “take something serously” là gì không?”, bạn ấy không biết. Không biết thì đương nhiên không hiểu được rồi.
Với những người nghe tốt, họ có sẵn từ vựng (take, seriously) và cấu trúc (take sth seriously) trong đầu rồi. Còn những bạn đang bị “hụt hơi” về từ vựng và cấu trúc, thì phải qua bài nghe để luyện tập. Đó là cái hay của khóa nghe sâu.
Mình bảo: Khi em CHƯA biết cấu trúc, và lần đầu tiên gặp, đó là cơ hội để em làm quen với cấu trúc này. Em có thể nghe đi nghe lại, học cấu trúc, vì đây là lớp nghe sâu. Chứ nghe rộng, như kiểu xem phim nghe đài, thì không có thời gian dừng lại để chiêm nghiệm và suy ngẫm.
Khi em gặp cấu trúc này lần đầu, em sẽ bỡ ngỡ, không hiểu. Lần thứ 2 sẽ quen quen. Đến lần thứ 3 là có thể luận ra được. Vậy bài học rút ra là gì?
“Em phải nghe nhiều thầy ạ”
Mình nói: “đúng, không gì thay thế được sự chăm chỉ.”
Bạn Y chia sẻ (lúc này quá giờ học 30′ rồi, bạn P đã out khỏi lớp nên mình không hỏi thêm):
Thầy ơi, có phải bài nghe cuối khóa dễ hơn đầu khóa không? Em thấy mình bắt từ khóa được nhiều hơn và hiểu bài nghe hơn.
Mình suýt rớt nước mắt.
Bài đầu khóa là bài ABC, cho tất cả các bạn mới bắt đầu bập bẹ nghe cũng hiểu được. Nói thì chậm, phát âm thì rõ.
Bài cuối khóa là IELTS Prep, tốc độ nghe của IELTS, mỗi cái từ vựng dễ hơn chút thôi. Nói thì nhanh, phát âm thì “accent” đủ loại Anh Ấn với Anh Bangladesh.
Khi học lớp nghe, mỗi bạn sẽ cảm nhận về sự tiến bộ theo một cách khác nhau. Ai rồi cũng tiến bộ, nhưng những người CHỊU KHÓ NGHE sẽ tiến bộ hơn những người lười.
P.S. Dạy nghe nhiều khi phải làm “công tác tâm lý” cho học viên, mệt phết cả nhà ạ. Đấy, dạy nghe nó nhiều trăn trở lắm.
Tác giả: Thầy Quang Nguyễn
Fanpage: MoonESL – phát âm tiếng Anh
Khóa học:Phát âm tiếng Anh – nói tự nhiên
Khóa học:Phương pháp luyện nghe sâu tiếng Anh