Hôm qua mình vừa bổ sung thêm nguồn luyện nghe để chép chính tả vào bài: Nguồn luyện nghe tiếng Anh chuẩn cho mọi trình độ
Vấn đề phổ biến của nhiều người khi luyện nghe chép chính tả
Tự nhiên nhớ ra một bạn học viên từ năm 2017 trong lớp giao tiếp, bạn ấy nghe chép chính tả cực siêu. Mỗi lần có bài nghe và chép, bạn ấy luôn thuộc hàng xuất sắc nhất lớp.
Mình nghĩ: bạn ấy nghe tốt thật!
Nhưng khi giao tiếp thì mình hỏi 1 câu, bạn ấy lại đơ ra, không trả lời được. Mình ngạc nhiên lắm, vì bạn ấy nghe từ khóa rất chuẩn, tại sao lại không giao tiếp tốt?
Hỏi ra mới biết, bạn ấy luyện chép chính tả từ xưa, và chỉ thích làm dạng bài này. Do đó, bạn ấy nghe và chép rất siêu.
👉 Nhưng vấn đề là: “em không chép ra thì không hiểu người ta nói gì”.
Bạn ấy phải “đọc” phần chép, phân tích câu và từ thì mới hiểu người ta nói gì. Hậu quả là không thể nghe hiểu được.
Lưu ý khi luyện nghe chép chính tả
Chép chính tả là một trong những phương pháp luyện nghe tương đối ổn, nhưng nó chỉ hiệu quả trong việc CỦNG CỐ NGỮ PHÁP và TÁI KHẲNG ĐỊNH SỰ CHÍNH XÁC KHI NGHE TỪ KHÓA.
Lạm dụng phương pháp này, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian khi nghe (chép 1 bài dài 1 phút có khi mất 15′); không được rèn luyện khả năng phân tích nhanh; khả năng nghe 1 lần.
Người chép chính tả cũng thường mắc rất nhiều lỗi, như: chép không theo cụm, tập trung quá nhiều vào 1 từ/cụm từ bạn không chép được…
Trong khóa luyện nghe sâu, chép chính tả luôn là kỹ thuật cuối cùng để luyện tập, đính kèm theo rất nhiều các LƯU Ý để tránh mắc lỗi khi chép chính tả.
Phương pháp “chép chính tả trong đầu”
Quang sáng tạo ra thêm một phương pháp luyện nghe, gọi là “chép chính tả trong đầu” – giúp tiết kiệm thời gian và giải quyết các hạn chế của phương pháp chép chính tả truyền thống! Nói một cách đơn giản: bạn nhắc lại TRONG ĐẦU tất cả những gì nghe được, như thể đầu bạn đang là một chiếc máy chạy chữ vậy!
- Hãy cố gắng nhắc lại trong đầu từng từ – tương tự như phương pháp listen and repeat, nhưng khác biệt ở chỗ là bạn không cần phải nói ra thành tiếng.
- Lý do? Vì nói ra thì bất lịch sự & về cơ bản thì bạn cũng không bắt kịp tốc độ nói của người bản xứ. Đây là phương pháp Quang đã áp dụng rất nhiều kể từ khi sang Mỹ và thấy đặc biệt hiệu quả
***
P.S. Để luyện nghe tốt, các bạn cần phải có tài liệu nghe “challenging” có nghĩa là không quá khó, không quá dễ. Và có nguồn tài liệu từ dễ đến khó để “luyện dần”. Lưu lại nguồn luyện nghe trong bài này, hoặc google search: “Nguồn luyện nghe tiếng Anh” để tìm bài (hiện bài đang top 2 Google search)
Tác giả: Quang Nguyen