Quang đang dạy môn Writing (Viết) ở Iowa State University cho sinh viên Mỹ. Đây là một môn học rất nhạy cảm với AI, nên sau đây xin chia sẻ kinh nghiệm về cách giáo viên ở trường tiếp cận với AI.
Ứng xử của nhà trường
Đầu tiên, nhà trường tổ chức những buổi đào tạo rất rõ ràng và cẩn thận cho giáo viên về vấn đề AI, trên cơ sở rằng: AI là không thể tránh khỏi, nên cần học cách sử dụng thay vì cấm hoàn toàn. Trong các buổi đào tạo, khoa hướng dẫn rất cụ thể về các nguyên tắc sử dụng AI. Ngoài ra, còn có những tài liệu đào tạo chi tiết về các cách sử dụng AI một cách đạo đức và phù hợp với mục tiêu giáo dục.
Ứng xử của giáo viên
Sau đó, giáo viên dựa trên các nguyên tắc đó và triết lý giảng dạy của riêng mình để đưa ra các hướng dẫn cụ thể về việc sinh viên có được sử dụng AI hay không, và sử dụng như thế nào. Khi giáo viên đã quyết định, thì lớp học sẽ thống nhất theo phương pháp mà giáo viên đã đề ra.
Cách làm của Quang
Trong tuần đầu tiên, mình dành gần như nửa buổi học để nói về AI. Điều ngạc nhiên là chỉ khoảng 1/3 số sinh viên trong lớp mình biết cách sử dụng AI – đa số chưa từng dùng. Về cơ bản, mọi người đều hiểu được sự khác biệt giữa việc sử dụng AI đúng đắn và không đúng đắn.
Mình đưa ra những nguyên tắc sử dụng AI, ví dụ như:
– Có thể sử dụng để kiểm tra ngữ pháp
– Có thể sử dụng khi “bí” từ
– Có thể sử dụng để AI gợi ý thêm ý tưởng
– Có thể sử dụng để tra cứu thuật ngữ nhằm mục đích hiểu bài (nhưng cần đối chiếu với tài liệu gốc như sách giáo khoa)…
– Những hành động bị cấm bao gồm: không được “nhờ” AI viết bài hộ. Nguyên tắc chung khi dạy viết là: mục tiêu là giúp sinh viên nâng cao khả năng giao tiếp, nên sinh viên có thể viết và nhờ AI sửa cách diễn đạt hoặc ngữ pháp. Chỉ dừng lại ở đó thôi.
– Nếu sinh viên vi phạm, đương nhiên sẽ nhận điểm F và phải học lại.
Trong lớp, mình dành khá nhiều thời gian để giúp học sinh hiểu về những mặt tiêu cực của AI, mức độ đáng tin cậy của nó, cũng như những gì AI có thể và không thể làm được (như ví dụ về con thỏ 5 chân trong bài tập của nam sinh FPT).
Mình cũng hỏi sinh viên những câu như: “Em có nghĩ AI viết tốt hơn mình không?” để giúp sinh viên hiểu bản chất của AI và hướng dẫn các em tuân thủ nguyên tắc liêm chính trong học tập.
Do khoa đã có những hướng dẫn rất rõ ràng rằng giáo viên tự chịu trách nhiệm hướng dẫn sinh viên cách sử dụng (hoặc không sử dụng) AI, nên nếu có mâu thuẫn xảy ra, mình tin rằng sẽ không gặp phải “sóng gió” như câu chuyện của cô giáo ở FPT.
Kết luận
Tóm lại, AI là một chủ đề mới mà mọi trường học ở Việt Nam cần nghiên cứu và tìm hiểu cách tiếp cận phù hợp với triết lý giáo dục của mình. Đây là một công cụ hữu ích mà cả giáo viên và sinh viên nên học cách sử dụng.
Tuy nhiên, việc sử dụng AI như thế nào để đảm bảo mục tiêu môn học, kiến thức, và kỹ năng, đồng thời đảm bảo sự minh bạch và đồng thuận giữa nhà trường, giáo viên, và học sinh/sinh viên, là điều các trường cần cân nhắc kỹ lưỡng: từ việc đào tạo giáo viên đến xây dựng các tài liệu hướng dẫn.
Bài học
Một số bài học rút ra từ câu chuyện là:
- Thứ nhất, việc sử dụng AI hay không cần được thống nhất giữa nhà trường, giáo viên, và sinh viên. Tùy theo yêu cầu của từng môn học, giáo viên sẽ quyết định sinh viên có được sử dụng AI hay không, hoặc sử dụng như thế nào.
- Thứ hai, nếu giáo viên đã thống nhất rằng sinh viên không được sử dụng AI mà sinh viên vẫn cố tình vi phạm, giáo viên có quyền đánh trượt sinh viên để đảm bảo công bằng cho những sinh viên khác và giữ vững liêm chính trong học thuật.
- Thứ ba, khi sinh viên khiếu nại về điểm số, nhà trường có quyền thành lập hội đồng để chấm lại. Tuy nhiên, hội đồng phải chấm điểm dựa trên nguyên tắc mà giáo viên đã thống nhất với sinh viên (và nhà trường đã thống nhất với giáo viên). Nếu có sự chênh lệch điểm số, nhà trường nên làm việc thêm với giáo viên để thống nhất lý do và đưa ra quyết định cuối cùng.
Thầy Quang Nguyễn