Ai cũng biết cần ứng dụng công nghệ vào giảng dạy trong tiếng Anh. Nhưng tại sao phải ứng dụng và ứng dụng như thế nào thì phần lớn đều rất mù mờ.
AI có thay thế được giáo viên không?
Có quan điểm cho rằng, AI sẽ nhanh chóng thay thế giáo viên, và giáo viên sẽ “thất nghiệp” vì công nghệ này. Có quan điểm cho rằng AI không còn là công cụ, mà là một đối tác… Điều này có vẻ không đúng trong bối cảnh hiện tại.
Thứ nhất, AI không thay thế giáo viên được. Khi Google ra đời cách đây gần 30 năm, nhiều người đã nghĩ: mọi thứ đều có thể “google” được, trẻ con sẽ không cần phải học nữa. Điều đó rõ ràng là không đúng… Google chỉ cung cấp cho các bạn phương tiện, mục đích của giáo dục chính là sự phát triển của người học về kiến thức, kỹ năng và nhận thức.
AI cũng vậy. Mặc dù có sức mạnh lớn hơn Google cách đây 30 năm, nó vẫn chỉ là một công cụ. Vứt cho một đứa trẻ AI, bạn có nghĩ nó sẽ trở thành một chuyên gia trong 10 – 20 năm? Chắc hẳn là không. Học tập là quá trình phức tạp và đau đớn, sự học sẽ khó diễn ra nếu thiếu đi sự chỉ dẫn rõ ràng: người THẦY.
Như vậy, AI là công cụ, và nó chưa thay thế cho giáo viên được, kể cả về khía cạnh giảng dạy thuần túy lẫn tương tác xã hội giữa người với người. Nói như vậy không có nghĩa giáo viên có thể “lờ” AI đi trong quá trình giảng dạy hiện nay.
Vai trò của AI trong giảng dạy tiếng Anh
Với trẻ em thế hệ mới, công nghệ và AI giống như hơi thở, thức ăn và nước uống của chúng vậy. Chúng lớn lên cùng và tương tác với AI hàng ngày. Đứng ngoài AI, giáo viên sẽ bị “cô lập” trên lớp học của mình, giữa một lũ trẻ coi AI chính là cuộc sống. Lũ trẻ ấy sẽ học rất nhiều từ AI, trong khi giáo viên thì… mù tịt. Bạn có thể không mất việc, nhưng sẽ là “kẻ ngoài lề” trong chính lớp học của mình.
AI cho giáo viên rất nhiều lợi thế. Dùng AI cũng chính là học tập, cả công nghệ lẫn ngoại ngữ. Khi bạn biết sử dụng AI để thiết kế bài giảng và hoạt động trên lớp, bản thân bạn cũng trải nghiệm việc học ngoại ngữ thêm một lần nữa. Đắm chìm vào trong đó, chính giáo viên lại trở thành người học chuyên môn thêm một lần nữa, và truyền đạt những kiến thức mới mẻ đó tới lớp học của mình…
Ngắn gọn là, với tư cách là giáo viên, bạn không được MÙ CHỮ AI. Vậy, làm thế nào để xóa mù AI? Không phải cứ sử dụng được Chat GPT hay Deepseek là bạn đã hết “mù AI” đâu. Bạn cần nhiều hơn thế.
- Bạn cần biết AI bao gồm các công cụ gì? Có thể làm được gì? Hạn chế là gì?
- Bạn cần biết cách để sử dụng và khai thác các tiềm năng của AI cho mục tiêu cụ thể của mình. Xem xét các tương tác giáo viên – AI – học sinh và dự kiến những rủi ro tiềm ẩn.
- Và bạn cần sử dụng AI một cách có trách nhiệm.
Cách để “xóa mù” AI
Để xóa mù AI, bạn có thể xem xét các yếu tố:
- Reflexive (Phản thân): Suy ngẫm lại những hoạt động giảng dạy của mình từ trước tới nay, tìm kiếm các hoạt động mới. Xem xét cách thức mà AI có thể được tích hợp vào các hoạt động giảng dạy sẵn có và sáng tạo dựa trên các tính năng của AI.
- Dialogic (Đối thoại): Nói chuyện về kinh nghiệm sử dụng AI của mình với các giáo viên/chuyên gia/học sinh. Học hỏi lẫn nhau để cùng “xóa mù”
- Relational (mối quan hệ): Khám phá mối quan hệ của giáo viên với học sinh, giữa học sinh với nhau trong bối cảnh giáo dục sử dụng AI. Ví dụ, vai trò của giáo viên có thể dịch chuyển từ nguồn tri thức (source of information) sang người hướng dẫn (guidance). Học sinh sẽ có xu hướng hợp tác hơn trong việc sử dụng công nghệ dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
- Exploratory (khám phá): Liên tục khám phá các chức năng mới, các cách thức áp dụng mới của AI vào việc giảng dạy. Điều này bao gồm cả việc xem xét các khía cạnh đạo đức của từng nền tảng (ví dụ: AI có “thiên vị”, phân biệt giới tính, đưa ra giải thích lệch lạc…)
- Critical (phê phán): Xây dựng năng lực làm chủ từng công cụ AI, nhìn thấu được những điểm mạnh và hạn chế của từng công cụ để ứng dụng vào hoạt động giảng dạy một cách hiệu quả và hướng dẫn học sinh sử dụng AI.
- Analytical (phân tích): AI giúp giáo viên nâng cao năng lực phân tích ngôn ngữ của người học – đây là kỹ năng rất quan trọng để làm chủ một ngôn ngữ. Các yếu tố ngôn ngữ được phân tích có thể bao gồm từ vựng, ngữ pháp, phát âm, các hạn chế sử dụng ngôn ngữ hiện tại của người học… để có thể cải thiện. Qua sử dụng AI, ví dụ, người học có thể hiểu rõ bản chất của một cấu trúc ngữ pháp, hoặc những hạn chế khiến mình không thể nói lưu loát.
- Creative (sáng tạo): Bao gồm việc sáng tạo của giáo viên và học sinh trong quá trình học tập; lẫn việc khuyến khích óc sáng tạo của người học. Giáo viên có thể sáng tạo ra các dạng bài tập mới chưa từng có; học sinh có thể sáng tạo ra các sản phẩm ngôn ngữ thú vị mà thiếu AI thì gần như không thể…
Rõ ràng là AI đóng vai trò rất quan trọng trong giảng dạy tiếng Anh. Đáng tiếc, hiện nay ngay cả trong giới nghiên cứu ngôn ngữ học cũng chưa có một mô hình toàn diện về việc sử dụng công cụ mới này. Các nghiên cứu mình đọc được vẫn chủ yếu là các “gai mít” – mỗi chuyên gia nói sâu về cách thức áp dụng AI vào việc giảng dạy trong chuyên môn của mình (ví dụ: phát âm, writing, reading…) chứ mình chưa tìm được tài liệu nói về cả “quả mít” (tổng thể từ lõi của AI tới cách ứng dụng AI).
Mình hy vọng trong thời gian sớm có thể thiết kế một khóa học “xóa mù” AI cho các thầy cô tiếng Anh ở Việt Nam (và cả trên thế giới nữa). ^^ Hiện đang lên kế hoạch, khóa học đầu tiên có thể được giảng dạy ở Việt Nam và Indonesia. Hy vọng là đầu xuôi, đuôi lọt ^^
***
Prompt: “viết thành 1 bài thơ ngắn 4 câu với nội dung:
Tôi cướp xe đạp của thằng nhóc 5 tuổi con trai tôi để đi từ công viên về nhà trong một ngày Iowa đầy nắng và tình yêu đầy trong không khí”
=>AI viết
Nắng Iowa rực rỡ khắp lối đi,
Cướp xe nhóc tỳ, tiếng cười vui.
Gió đưa hương tình, không khí ngập tràn,
Về nhà bên con, yêu thương ngọt ngào.
=> Thơ nó thua xa thơ mình tự làm
Cướp xe đạp của thằng con 5 tuổi
Phóng thật nhanh từ công viên về
Nắng rực rỡ suốt chặng đường rong ruổi
Không khí ngập tràn vương vấn say mê…
(Đấy, AI nó làm sao mà đã thay được con người)
Tác giả: Quang Nguyễn