7 điều bạn cần nhớ để nói tiếng Anh lưu loát là: (1) hãy kiên trì, (2) đầu vào vô cùng quan trọng, (3) bạn phải tự luyện tập, (4) hãy nói về các chủ đề “ý nghĩa”, (5) học tiếng Anh từ nhiều nguồn, (6) nói ý tưởng, không dịch, và (7) đừng ngại mắc lỗi.
1) Hãy kiên trì, mọi thứ đều mất thời gian (be patient, it takes time)
Người Việt có câu “dục tốc bất đạt” tiếng Anh thì nói “Rome was not built overnight”. Kể cả khi bạn sang Mỹ học tiếng Anh, với giáo viên giỏi nhất và môi trường tốt nhất, bạn không thể nói tiếng Anh như người Mỹ chỉ sau 1-2 tháng học… Mình biết rất nhiều bạn bỏ tiền sang Mỹ học ESL trong 3 tháng, nhưng vẫn không giao tiếp được gì nhiều. Đơn giản là 3 tháng thường là không đủ để bạn “nạp” tiếng Anh “from zero to hero”.
SỰ KIÊN TRÌ (persistence) là điều quan trọng nhất để bạn có thể nói tiếng Anh tự tin, lưu loát.
2) Đầu vào vô cùng quan trọng (input counts)
Tiếng Việt mình có câu: “có bột mới gột nên hồ”, tiếng Anh nói là: “you can’t make an omelet without breaking eggs”.
Nếu bạn muốn có đầu ra (output) thì bạn cần có đủ đầu vào (input). Nghe tiếng Anh chính là “quả trứng”, để bạn có thể làm món “omelet” ngon lành. Muốn nói giỏi, bạn hãy luyện nghe tiếng Anh chuẩn dưới các hình thức như xem phim, học online, tin tức….
Tài liệu nghe tốt thứ nhất phải phù hợp với trình độ (về từ vựng, tốc độ nói, mức độ quen thuộc của chủ đề…). Nói chung, mục tiêu là bạn phải nghe được tiếng Anh thực tế (authentic English) như trên youtube chẳng hạn.
Nếu chưa biết bắt đầu nghe từ đâu, bạn phải đọc bài này: Nguồn luyện nghe tiếng Anh đủ trình độ
3) Bạn phải tự luyện tập (practice consistently everyday)
Bạn có thể tự luyện nói bằng cách ghi âm và tự mình nghe lại. Nếu bạn không thể hiểu mình vừa nói cái gì, đừng hy vọng người khác có thể. Trong tự học, một chút căn bản về phát âm tiếng Anh, sẽ giúp bạn rất nhiều. Mình phát âm sai ở đâu, sai âm đầu, âm cuối hay nguyên âm? Mình nói đã đúng “rhythm” chưa? Đã trôi chảy chưa? Nối âm có tốt không?…
Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều phần mềm “speech to text” giúp các bạn đọc tiếng Anh để máy nhận diện. Ví dụ, các bạn có thể tự luyện phát âm bằng cách nói vào google: “how to improve my English pronunciation?”, xem máy có hiểu không.
Nếu chưa biết cách tự kiểm tra phát âm, bạn phải đọc bài này: cách tự kiểm tra phát âm
4) Nói chuyện về các chủ đề “ý nghĩa”
Hiện trên internet, có rất nhiều trang web nơi bạn có thể tìm người nói chuyện bằng tiếng Anh, tuy nhiên, các cuộc nói chuyện thường không thú vị và quanh quẩn ở những đề tài tẻ ngắt (tedious topics). Các câu chuyện của giới “săn tây” thường cũng quanh quẩn ở: do you like VN? Do you like Vietnamese food?…
Khi thực hành, lựa chọn chủ đề bạn quan tâm: làm đẹp, chăm con, nấu nướng, kinh tế… là cách bạn giúp cuộc nói chuyện thú vị và ý nghĩa. Đồng thời, tính “phức tạp” của các đề tài giúp bạn diễn đạt tốt hơn.
5) Học tiếng Anh từ nhiều nguồn khác nhau (learn from different sources)
Nếu bạn chỉ xem các tin tức tiếng Anh, bạn sẽ hiểu ngôn ngữ “formal”, nhưng không hiểu được các cách diễn đạt thường ngày và “slang” được dùng trong giao tiếp. Ngôn ngữ được sử dụng trong sách giáo khoa sẽ khác với ngôn ngữ sử dụng trong các tạp chí chuyên ngành…
Bạn nên làm quen với tất cả các loại ngôn ngữ đó, đọc “wimpky kid” để có ngôn ngữ hàng ngày; “text book” để có ngôn ngữ formal; nghe CNN và nghe các phim tình cảm (không phụ đề)… Đôi khi, đọc nhiều cũng có thể hỗ trợ bạn trong nói, đặc biệt về khoản từ vựng.
6) Diễn đạt ý tưởng chứ không dịch (speak your thoughts, and do not translate)
Dịch là “bản năng” của người học ngôn ngữ thứ 2, và nó không phải không có lợi. Tuy nhiên, dịch khi nói đôi khi khiến bạn “bí” từ. Ví dụ, muốn nói “ông ấy rất uyên bác”, mà không biết từ “uyên bác” là gì… bạn sẽ ngắc ngứ. (đọc bài: Dịch Việt Anh có gì hại)
Cần nhớ, cái bạn cần truyền đạt là ý tưởng, không phải ngôn ngữ. Ví dụ ở trên, ý là ông í cái gì cũng biết: “he knows everything”; hay ý là ông ấy rất thông minh và chịu khó: “he’s smart and he reads everyday”
7) Coi chuyện nói sai là bình thường
Sẽ thật tuyệt vời (và kỳ lạ) nếu bạn có thể nói tiếng Anh trôi chảy, không vấp váp và chuẩn 100%. Có lẽ bạn nên đi dạy tiếng Anh hoặc làm MC.
Phần lớn thì không như vậy, vì tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2. Chuyện mắc lỗi là bình thường – không mắc lỗi mới là phi thường. Mà đã bình thường thì chả có gì phải xấu hổ hay ngại. Cứ nói bừa đi, sai đâu sửa đấy, rồi bạn sẽ thấy mình tiến bộ rất nhanh.
Bạn có thể đọc bài: Sợ sai, lý do khiến bạn nghe không tiến bộ