Câu chuyện….
Tim đập nhanh, miệng khô khốc – hắn ngồi như tượng trong lớp học khi không nghe được DUY NHẤT một từ khóa. Nhưng nó lại là một từ quan trọng.
Đó là lớp “CORPUS APPROACHES TO GRAMMATICAL ANALYSIS” – một trong những lớp “khó lòi” cho những đứa mới le te năm đầu đã xấn xổ đăng ký. Hắn hiểu cô giáo đang nói gì, nhưng cái từ quan trọng nhất thì lại không nghe được, hắn viết xuống vở: “unsured”? Không đúng lắm, nghe giống “answers” hơn…
Các sinh viên vẫn nghe giảng chăm chú, hắn đợi giáo sư ngừng nói rồi giơ tay: “Excuse me, forgive my bad listening skill, but what was that you were mentioning – “inserrrsss”???”
Hắn cố nhắc lại những gì nghe được, như kiểu hắn đã từng “hành hạ” các học viên trong lớp nghe của mình.
Giáo sư nhắc lại, hắn vẫn chẳng hiểu đó là từ gì… Giáo sư tắt slide, mở sách và highlight cái từ đó lên. À, ồ, ối dồi ôi…
Đó là từ “inserts” – một thuật ngữ mà hắn hay gọi là “fillers” (là một dạng của “inserts”), tức là từ đệm, kiểu: I think that I’ve eaten, like, 3 cookies.
Từ “like” đứng ở đó, có cũng được, không có cũng không sao. Có ảnh hưởng một chút về nghĩa nếu bỏ đi, nhưng về cơ bản là từ đệm trong lúc người nói suy nghĩ. Những “inserts” có thể bao gồm: “Oh!”, “Wow!”, “Yikes!”…
Rồi hắn nhân tiện nói về chuyện từ “excuse me” cho cả lớp. Hắn bảo, hồi hắn đến Mỹ thấy người Mỹ rất “nice”, vì đi đâu cũng nghe “excuse me”. Lúc đó ngây thơ, tưởng ý người ta nói: “I am sorry, can you let me go through” (Xin lỗi làm phiền bạn, tôi đi qua được không?)
Sau này, thành “yêu quái” rồi, hắn hiểu “excuse me” có nghĩa là: “you’re on my way. Get out” (Mày đang chắn đường tao đấy, lượn). Rồi hắn kết luận, “when you understand more about grammar, you find out that people are less nice and kind”. Cả lớp được một phen cười, gật gù đồng ý với nhận định của hắn.
Bài học…
Kể chuyện dài thế, kết lại một câu. Người học tiếng Anh thường rất sợ người khác phát hiện ra mình không nghe được (nỗi sợ này là phổ biến). Nhưng giả vờ nghe được sẽ khiến bạn gặp nhiều bất lợi: – Thứ nhất, bạn không biết điều gì đang diễn ra – Thứ hai, bạn mất cơ hội thể thực sự “giao tiếp” – dần dà sẽ sợ giao tiếp và tránh né khi có cơ hội – Thứ ba, bạn sẽ tiến bộ chậm hơn nhiều (đặc biệt nếu đang ở nước ngoài và sử dụng tiếng Anh) . Và sự thực là, người ta thường không ngại nhắc lại nếu bạn nghe không rõ – nên cứ hỏi nếu nghe không được. Có điều, nếu giao tiếp mà câu nào cũng bắt người ta hỏi lại 3-4 lần thì cũng bất tiện.
Nên, lời khuyên là hãy luyện nghe ở nhà thật nhiều nếu có cơ hội. Chuẩn bị trước luôn là tốt nhất. Học phát âm là cách rất nhanh để nâng cao khả năng nghe. . Cuối cùng, nếu bạn ngại nhờ người ta nhắc lại nhiều, hãy nói: “I learn English as a foreign language, so my listening skill is not good. Please slow down a bit.” Hãy tự hào vì tiếng Anh của bạn “broken”, vì điều đó có nghĩa là bạn có thể nói được 2 ngôn ngữ. Hầu hết người Mỹ chỉ nói được tiếng mẹ đẻ của họ mà thôi.
Tác giả: Thầy Quang Nguyễn
Fanpage: MoonESL – phát âm tiếng Anh
Khóa học: Phát âm tiếng Anh – nói tự nhiên
Khóa học: Phương pháp luyện nghe sâu tiếng Anh