Dịch là một trong những phương pháp để cải thiện tiếng Anh, bạn nên dịch sách hay đọc sách để có hiệu quả cao hơn?
Lợi thế của học tiếng Anh bằng dịch:
Dịch giúp giáo viên biết bạn có thực sự hiểu
Dịch giúp nâng cao độ tập trung
Dịch viết giúp bạn có một “tác phẩm”
Google translate
Hạn chế của học tiếng Anh bằng dịch:
Dịch liên quan tới 2 ngôn ngữ
Dịch không giúp bạn hiểu
Dịch mất thời gian
Hơn 10 năm trước, mình gặp một nàng nữ sinh tuyệt sắc tuyệt tài cũng nhờ định kiến này. Ngày 21/9 năm 2006 – 2 năm sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, mình nhận được lời mời đi dạy dịch cho một lớp ngoài giờ ở trường Ngoại Thương – nơi mình cũng sắp tốt nghiệp. Đó là một câu chuyện lãng mạn, xin kể dịp khác.
Hồi đó, mình dịch nhiều tài liệu lắm, đủ nguồn: giáo dục, xây dựng, kinh tế… Nên cũng có một niềm tin lờ mờ rằng, dịch giúp nâng cao khả năng tiếng Anh. Giờ, đọc sách nhiều, mình thấy nó không hoàn toàn là đúng.
Dịch sách hay đọc sách đều giúp nâng cao khả năng tiếng Anh của bạn, hãy cùng điểm qua một số lợi thế và bất lợi của từng phương pháp, sau đó, bạn hãy tự quyết định xem mình nên áp dụng phương pháp nào cho bản thân nhé.
Một số lợi thế của dịch tiếng Anh
Dịch giúp giáo viên biết bạn có thực sự hiểu
Nếu bạn đang học tiếng Anh và có 1 người giúp đỡ, dịch là 1 phương pháp không quá tệ. Cách làm là bạn sẽ dịch cho giáo viên nghe, nếu bạn hiểu sai vấn đề, bản “dịch” của bạn sẽ tố cáo bạn. Giáo viên có thể nghe hoặc đọc phần dịch để đảm bảo bạn đang hiểu đúng vấn đề.
Không phải giáo viên nào cũng “kiểm tra” được khả năng đọc hiểu của học sinh thông qua bài dịch. Giáo viên cần có kỹ năng “đọc” ý tưởng bài dịch, thay vì chỉ đọc “chữ” trên giấy.
Quang dạy trẻ con ở nhà đọc sách thường yêu cầu các cháu cầm sách và “diễn giải lại” (dịch) để xem chỗ nào các cháu không hiểu.
Khi bạn “đọc sách” để biết bạn có thực sự hiểu, đôi khi phải có một hệ thống đánh giá (questionaires) tương đối phức tạp, và chưa chắc đã đánh giá đúng việc “đọc hiểu” của bạn. Do đó, nếu ở trình độ căn bản và có giáo viên chuẩn, dịch là một phương pháp học rất đáng tham khảo.
Dịch giúp nâng cao độ tập trung
Sự thực thì khi bạn buộc phải diễn đạt lại ý tưởng của mình bằng tiếng mẹ đẻ 1 cách gãy gọn, bạn cần tập trung cao độ. Sự tập trung này đôi khi tốt cho bạn khi học ngoại ngữ, đặc biệt khi bạn ở giai đoạn đầu.
Dịch cũng giúp bạn ngay lập tức xác định được chỗ nào mình không hiểu (hoặc không chắc là mình hiểu). Những chỗ dịch “tối nghĩa” thường do người dịch không hiểu ý tưởng của người viết hoặc nói.
Khi đọc sách, đôi khi bạn đọc lướt để nắm ý chính và bỏ qua những “sắc màu” của ngôn ngữ. Dịch là một quá trình chậm hơn đọc rất nhiều, đôi khi bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn ngữ khi dịch sách hoặc tài liệu.
Dịch viết giúp bạn có một “tác phẩm”
Suy cho cùng, nếu bạn lựa chọn 1 tài liệu và chuyển ngữ nó, bạn đang tạo ra một tác phẩm mới – tác phẩm phái sinh. Ngôn ngữ tiếng Việt là của bạn, và nếu bạn đủ kiên trì để dịch 1 cuốn sách cho ra ngô ra khoai, thành quả của bạn cũng đáng tự hào đấy chứ. Mang đi khoe thôi.
Sử dụng Google translate
Nếu bạn không biết nghĩa của 1 đoạn, sử dụng google translate là một biện pháp không hề tệ để học tiếng Anh. Mặc dù đôi khi Google dịch nghĩa không đúng lắm, nhưng cũng là một nguồn đáng tham khảo để giúp bạn hiểu tiếng Anh hơn.
Những hạn chế của dịch tiếng Anh
Dịch liên quan tới 2 ngôn ngữ
Thứ nhất, dịch liên quan đến 2 ngôn ngữ: ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích. Việc dịch chuyển giữa 2 ngôn ngữ liên quan đến rất nhiều rào cản trong học ngoại ngữ. Trong dịch, mục tiêu là tìm từ “đắt” nhất để chuyển ngữ – trong khi đọc thì không cần. Ví dụ, mình biết “I hum a song” có nghĩa là “hát ư ử trong mồm không thành tiếng”, nhưng dịch ra thì rất khó. Để học tiếng Anh, bạn không cần phải “dịch”.
Nếu bạn đang tự học tiếng Anh (và không có giáo viên), việc dịch thường không mang lại hiệu quả nhiều (vì không có người đánh giá). Hơn thế, việc chuyển ngữ đôi khi làm bạn bị phân tán tư tưởng khỏi việc “hiểu” tài liệu vào việc “tìm từ có nghĩa tương đương”. Do đó, khi học một mình thì nên cố đọc hiểu chứ đừng nên dịch.
Dịch không giúp bạn hiểu
Thứ hai, nhiều người nghĩ dịch giúp nâng cao khả năng đọc hiểu. Theo mình, đây là nhận định sai lầm. Đọc hiểu là tiền đề để dịch đúng, chứ dịch không giúp đọc hiểu. Nói cách khác, nếu bạn đọc mà không hiểu ý 1 đoạn văn, dịch hay không dịch thì bạn vẫn không hiểu.
Tất nhiên, nếu có 1 người thầy hoặc 1 người để hỏi, việc dịch sẽ giúp bạn hiểu vấn đề nhanh hơn nhiều.
Dịch mất thời gian
Hạn chế lớn nhất của việc dịch là nó thực sự mất thời gian, đặc biệt nếu bạn “dịch viết”. Nếu bạn dành 1 ngày chỉ để ngồi dịch, và bạn là 1 siêu sao, bạn dịch được 40-50 trang. Nhưng một người đọc sách có thể đọc mỗi ngày vài trăm trang như thường. Chính đọc sách nhiều – chứ không phải dịch – lại giúp bạn nâng cao khả năng từ vựng, đọc hiểu hơn nhiều. Lý do là số lượng từ vựng bạn tiếp xúc, cách diễn đạt bạn trải nghiệm sẽ là cao hơn nhiều. Cùng thời gian, đọc sẽ giúp tăng từ vựng và khả năng đọc hiểu nhiều hơn dịch rất nhiều.
Ngày còn ở Việt Nam, mặc dù dịch tài liệu rất nhiều, nhưng mình gặp khó khăn rất nhiều mỗi khi đọc sách. Lý do là, kỹ năng đọc của mình chưa đủ độ chín, và đương nhiên cũng ảnh hưởng tới chất lượng dịch tài liệu. Giờ mình không dịch nữa, nhưng đọc sách rất nhiều. Và khi đã đọc và hiểu được sách, việc dịch trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Kết luận
Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome, mọi phương pháp đều sẽ mang lại hiệu quả. Tiếng Anh của bạn sẽ tốt hơn khi bạn đọc sách, và cả khi bạn dịch. Tùy vào trình độ tiếng Anh của bạn hiện tại, giáo viên của bạn là ai, môi trường học của bạn mà bạn có thể quyết định học tiếng Anh qua đọc sách hay qua dịch.
Với riêng trường hợp của mình, mình chọn đọc sách để lấy kiến thức, vì nó nhanh hơn, dễ dàng hơn.
Còn bạn thì sao? Hãy cho mình biết bằng cách comment ở dưới bài nhé.
Tác giả: Quang Nguyễn