Lợi ích & hạn chế của phương pháp nghe chép chính tả
Nghe chép chính tả là một trong những hình thức luyện nghe phổ biến.
Lợi ích của nó là giúp người học biết chính xác họ nghe sai/thiếu ở đâu, nâng cao khả năng từ vựng và ngữ pháp, và nâng cao khả năng ghi nhớ ngắn hạn – nếu nghe đúng cách.
Hạn chế lớn nhất của nghe chép chính tả là nó tốn thời gian. Quang thường bảo với các bạn học viên lớp nghe của mình: nếu bạn mất 40 phút để chép chính tả một bài 5 phút, chi bằng hãy nghe 8 lần, và tự ngẫm xem từ nào mình nghe không được, hoặc nghe sai. Như vậy, bạn vẫn biết chắc chắn mình gặp khó ở đâu, và thời gian luyện nghe của bạn sẽ tăng hơn nhiều – thay vì thời gian ngồi viết.
Một hạn chế khác của nghe chép chính tả là đôi khi người nghe sẽ lệ thuộc vào việc chép để hiểu nội dung. Nói cách khác, nếu không “chép” xuống, người nghe không liên kết được từ vựng và nội dung bài nghe. Điều này đảo ngược quá trình học đúng, đó là nghe hiểu rồi thì mới chép chính tả.
Phương pháp nghe chép chính tả: có Vietsub
Chép chính tả có nhiều phương pháp, nghe video có Vietsub để chép chính tả là một trong số đó. Đây là phương pháp nghe có tính hỗ trợ. Cách luyện tập như sau:
– Đầu tiên, bạn phải đảm bảo là mình nghe và hiểu được bài nghe (mà không cần sự hỗ trợ của subtitle). Sau đó, chép chính tả.
– Với những chỗ bạn không “bắt” được từ – cũng có nghĩa là không hiểu ý của bài nghe, bạn liếc Vietsub để hiểu ý. Lưu ý, người dịch đôi khi không dịch “word-for-word”, nên cũng đừng cố nghe để tìm từ chính xác tương đương. Chỉ cần bạn hiểu được đoạn đó, và nghe lại để cố bắt từ đã là một lợi thế lớn.
– Khi vẫn không thể bắt từ, bạn sử dụng phát âm tiếng Anh để giải nghĩa. Hãy cố gắng xác định trọng âm (để xem có bao nhiêu từ khóa) và nghe IPA (viết ra nếu có thể). Đọc lại IPA vào speech-to-text có thể giúp bạn tìm ra từ khóa bạn không nghe được.
Đôi khi, mình luyện nghe theo cách này và gặp khó khăn với một số từ khóa. Ví dụ, hôm chép chính tả về biển, mình gặp tên một loài cá mà mình nghe là “dohado” – mình không biết có đúng không nên đọc “speech to text” vào “google”: dohado fish. Máy tính nhận diện là từ “Dorado fish”. Mặc dù nghe sai mất 1 âm, nhưng rút cục thì mình cũng tìm ra được từ.
Nếu không đọc, bạn có thể phán đoán cách viết của từ và gõ vào “Google”, thường thì nếu tai nghe đúng, bạn sẽ tìm ra được từ khóa.
Tóm lại, chép chính tả là một quá trình “nghe chậm”, cho người học nhiều thời gian để phân tích và xử lý bài nghe. Và phương pháp nghe có sự hỗ trợ của “Vietsub” có thể hữu ích cho cả người có trình độ thấp lẫn trình độ nghe khá.
Tác giả: Thầy Quang Nguyễn
Fanpage: MoonESL – phát âm tiếng Anh
Khóa học: Phát âm tiếng Anh – nói tự nhiên
Khóa học: Phương pháp luyện nghe sâu tiếng Anh