Để giao tiếp tốt, bạn không cần học ngữ pháp, điều này đúng hay sai? Ở trình độ “tiếng Anh bồi”, ngữ pháp không quá quan trọng. Vượt qua trình độ đó, bạn cần biết ngữ pháp cơ bản để:
- Hiểu đúng ý người nói
- Diễn đạt đúng và dễ hiểu
- Bài viết chia sẻ một số lỗi ngữ pháp trong giao tiếp
Một người bạn kể với tôi, có cậu em ở Mỹ lâu năm, dạy tiếng Anh và khuyên hãy quên ngữ pháp đi, trong giao tiếp không cần học ngữ pháp. Tôi trả lời bạn ấy rằng điều này hoàn toàn sai.
Vai trò của ngữ pháp trong tiếng Anh giao tiếp là như thế nào? Đối với trình độ tiếng Anh căn bản, ở mức độ giao tiếp gọi nôm na là “tiếng Anh bồi”, ngữ pháp thực sự chưa quá quan trọng.
Giống như trình độ ngôn ngữ của một đứa trẻ 2-3 tuổi, mọi thứ có thể quy về “từ khóa”. Khi một đứa trẻ nói “pee pee” (đi tè), cũng giống như một người đánh giày nói với khách nước ngoài “shoe shine” (dù phát âm tiếng Anh không chuẩn lắm). Giao tiếp “phi ngữ pháp” xuất hiện và phổ biến ở giai đoạn đầu học ngôn ngữ. Nhưng vượt qua ranh giới đó, ngữ pháp là rất quan trọng.
Ngữ pháp giúp bạn hiểu đúng ý người nói
Người bản xứ ít khi chú ý đến ngữ pháp, nhưng nếu bạn để ý, họ không mấy khi nói sai. Thi thoảng họ vẫn sai, đặc biệt là trong những bài hát. Họ có thể hát “for her to steal my heart away when she don’t care” (bài “Rhythm of the rain”).
Khi giỏi ngữ pháp, bạn sẽ nghe và hiểu người bản xứ dễ dàng hơn. Thiếu ngữ pháp, bạn sẽ không thể hiểu hoặc hiểu sai nghĩa của người nói. Cùng so sánh hai câu sau:
– I am in love with him.
– I was in love with him.
Sự khác biệt là rất nhỏ (am – was), nhưng mối quan hệ giữa người nói và “him” rất khác biệt trong hai trường hợp.
Bạn sẽ dễ dàng giao tiếp tiếng Anh hơn nếu nắm được ngữ pháp |
Tôi hay nghe “talk show” trên eofire.com, nơi người dẫn chương trình hỏi những doanh nhân về kinh nghiệm thực tiễn của họ. Cuối chương trình thường có câu:
– What was holding you back from becoming an entrepreneur?
Câu này nghe qua có vẻ rất lạ, vì những người được phỏng vấn đều đang là doanh nhân. Tại sao lại hỏi “Điều gì cản trở bạn trở thành doanh nhân?”. Nhưng nghe kỹ, bạn sẽ thấy người ta không hỏi “What is holding…” mà là “What was holding…”. Khi phát hiện được điểm này, bạn sẽ hiểu câu hỏi là “Trước kia, điều gì đã cản trở bạn trở thành doanh nhân?”, nói về quãng thời gian trước khi họ trở thành doanh nhân.
Rất nhiều ví dụ khác có thể minh chứng những khác biệt lớn lao mà ngữ pháp có thể mang lại cho lớp nghĩa. Chẳng hạn, “You could have been my wife” (Em đã có thể là vợ anh) khác hoàn toàn với “You are my wife” (Em là vợ anh).
10 năm trước, tôi có hẹn “chat” với người bạn nước ngoài. Chúng tôi hẹn nhau “We’ll chat from ten to eleven”. Đúng hẹn, 11 giờ kém 10 phút tôi lên mạng, bị mắng tơi bời: “What took you so long, I’ve been waiting for you from 10”. Hóa ra, “from 10 to 11” có nghĩa là “từ 10 đến 11h”, khác với cách hiểu của tôi là “at 10 to 11” (11h kém 10).
Ngữ pháp giúp bạn diễn đạt đúng và dễ hiểu
Ngược lại, người khác hoàn toàn có thể hiểu sai ý của bạn nếu ngữ pháp được sử dụng không chính xác. Ví dụ, với câu “She’s a beautiful girl”, bạn nói sai một chút thành “she beautiful girl”, người ta vẫn hiểu được. Còn khi bạn nói thành “She girl beautiful” thì sẽ khiến người nghe “khó nuốt” hơn nhiều. Đối với những câu phức tạp, về cơ bản người ta có căng tai ra cũng không thể hiểu bạn nói gì.
Ngay cả khi bạn đã có ngữ pháp căn bản, một nền tảng ngữ pháp chắc chắn vẫn sẽ giúp bạn chuyển tải ý tưởng hiệu quả và mạch lạc hơn. Một người bản xứ sẽ nhanh chóng nhận ra bạn là người học tiếng Anh như một ngoại ngữ khi mắc lỗi ngữ pháp kiểu: “I meet her yesterday”.
Một số lỗi ngữ pháp căn bản của người Việt
Ngữ pháp trong giao tiếp liên quan nhiều hơn tới việc sử dụng, so với việc “học vẹt”. Bạn có thể nắm rất vững các nguyên tắc ngữ pháp, nhưng thiếu thực hành thì vẫn mắc lỗi như thường.
Theo kinh nghiệm cá nhân, người Việt ở trình độ giao tiếp tiếng Anh 100% trong môi trường bản ngữ thường mắc các lỗi căn bản như sau:
– Dùng thì hiện tại, trong khi thực ra phải sử dụng thì quá khứ hoặc tương lai. Ví dụ, “Yesterday, I go to school at 7″ hoặc “Tomorrow, I see you at 7″.
– Quên chia động từ hoặc danh từ, ví dụ “She see a doctor” hoặc “I have 3 apple“.
– Quên thêm mạo từ “a”, “an”, “the”: “I am English teacher”.
Chỉ cần sửa được ba lỗi cơ bản trên, tiếng Anh của bạn sẽ tốt hơn rất nhiều. Hãy nhớ, ngữ pháp trong giao tiếp không được đo đếm bằng số lượng sách ngữ pháp bạn đọc, mà được tính bằng kinh nghiệm bạn có trong việc sử dụng tiếng Anh chuẩn. Ngữ pháp là một phần không thể tách rời khỏi giao tiếp trong tiếng Anh.
Đây là tài liệu độc quyền của MoonESL cho khóa học Phương pháp luyện nghe sâu. Mọi hành vi sao chép không được sự cho phép của MoonESL đều vi phạm pháp luật về bản quyền.
Tác giả: Quang Nguyễn
(bài được đăng trên vnexpress.com: Vai trò của ngữ pháp trong giao tiếp tiến Anh)