Lần này đi thuyết trình tại hội thảo giảng dạy tiếng Anh ở Michigan (MI TESOL 2022), mình mang tới nước Mỹ bài thuyết trình về phương pháp dạy phát âm tiếng Anh online. Mở đầu phần thuyết trình, mình chia sẻ với các giáo sư và giáo viên dạy tiếng Anh ở Mỹ: học IPA giống như học một ngôn ngữ mới, như vậy, người học tiếng Anh phải học cùng một lúc 2 ngôn ngữ là tiếng Anh và IPA. Điều này có thực sự cần thiết không? Các giáo sư và giáo viên (thường là thạc sĩ hoặc nghiên cứu sinh ngôn ngữ học) ở dưới gật gù đồng tình, có thể đây cũng là một câu hỏi mà nhiều người chưa nghĩ tới.
Mình chia sẻ thêm về một “mô hình” học phát âm tiếng Anh điển hình giữa giáo viên người Mỹ và học viên: thầy nói một đằng, trò nghe và bắt chước một nẻo. Và cuối cùng, giáo viên không thể thay đổi cách phát âm của học viên, và đành: OK, you’ve done that. Great. Trong khi từ đầu đến cuối, học viên không hề phát âm chuẩn 1 lần nào. (xem video mình sử dụng để minh họa ở phần comment) Lý do là, trong tiếng Anh có nhiều âm không hề tồn tại trong tiếng Việt, và mình đưa ra một hiện tượng gọi là “the man in the Moon”. Trong các nền văn hóa, người ta đều nhìn thấy có người trên mặt trăng, ở phương tây thì là “the man in the Moon”, ở Trung Quốc là Hằng Nga, còn ở VN là Cuội. Hiện tượng này bắt nguồn từ việc não bộ có xu hướng biến tất cả những gì lạ lẫm thành những thứ quen thuộc. “Điều này liên quan gì tới IPA và phát âm?” Mình chia sẻ với các giáo viên Mỹ: trong tiếng Việt và rất nhiều ngôn ngữ khác, không tồn tại những âm có trong tiếng Anh. Điều này có nghĩa là, nếu bạn không được học âm tiếng Anh, thì bạn sẽ không biết về sự tồn tại của âm đó. Và người học sẽ có xu hướng “biến” các âm trong tiếng Anh thành 1 âm “thuận miệng” trong tiếng mẹ đẻ của họ. Quay trở lại ví dụ về giáo viên bản xứ dạy tiếng Anh bằng cách yêu cầu học sinh “nghe và bắt chước”, nếu họ không thể biết được tiếng Anh bao gồm âm gì, làm sao họ bắt chước được. Nên những nỗ lực dạy phát âm của giáo viên thường mang lại ít hiệu quả. Trong khi đó, nếu học viên được học về bảng IPA, họ sẽ biết về hệ thống âm trong tiếng Anh, cách phát âm những âm đó. Và mình đưa ví dụ về việc hướng dẫn từ: “garage”, thay vì cố gắng đọc mẫu để học viên đọc theo, giáo viên chỉ cần yêu cầu học sinh nhìn vào IPA /gəˈrɑʒ/, và đọc chính xác các âm và trọng âm là sẽ được. Sau đó, mình chia sẻ với các giáo viên Mỹ về phương pháp dạy IPA cho người học, bao gồm: – Nhận thức: người học phải biết về sự tồn tại của âm, cách phiên âm, cách phát âm – Nghe: nghe âm phải phân biệt được (sử dụng minimal pairs: sit -seat) – Phát âm: có thể phát âm chuẩn để máy nhận diện được (dùng speech-to-text) Đó là một phần nhỏ trong buổi thuyết trình của mình tại Mỹ. Sau buổi thuyết trình, rất nhiều giáo viên và giáo sư Mỹ ở lại để nói chuyện. Họ đều đồng tình với mình về việc dạy phát âm theo kiểu “nghe và bắt chước” là không hiệu quả. Và họ cảm ơn mình vì đã chia sẻ những kiến thức rất quý báu về cách dạy phát âm tiếng Anh… Tác giả: Quang Nguyễn
Vì sao phải học bảng phiên âm tiếng Anh (IPA)?
Bài viết liên quan
Related Posts
Đang cập nhật
Facebook Comments