Chợ tiếng Anh là gì?
Nói đến chợ, chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến từ “market”. Tuy nhiên, “market” là một khái niệm tương đối rộng, trong chuyên ngành hay dịch là “thị trường”, ví dụ: “stock market”.
Hồi ở Mỹ, mình cũng ít khi nghe ai nói “I go to the market” cả, ví dụ nếu tiện đường rẽ qua mua rau củ quả ở siêu thị: “I’ll pass by the supermarket to buy some veggies”. Hầu hết người Mỹ đều đi “chợ” ở “supermarket”.
“Supermarket” dịch ra tiếng Việt là “siêu thị”. Từ những năm 1930, ở đây chỉ bán rau – trứng – sữa.
Năm 1962, ông Meijer ở Michigan, Mỹ là người đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng “one stop purchase” – một cái “chợ” nơi bạn có thể mua từ thực phẩm đến mỹ phẩm đến đồ điện tử, thì “supermarket” to dần ra như bây giờ. Sau này Walmart sử dụng mô hình “siêu thị” này để phát triển ra toàn cầu, trở thành mô hình nổi tiếng thế giới.
Cơ bản thì người Mỹ đi chợ ở “siêu thị”, còn ở Việt Nam thì các bà các mẹ chủ yếu vẫn mua đồ ăn ở chợ “cóc” gần nhà. Chợ này, người bán thường ngồi ở vỉa hè, chỗ này bán cá, chỗ kia bán hoa quả. Ở Mỹ thì Quang không thấy có cái chợ nào hoàn toàn giống như thế.
Chỉ có 1 cái chợ hơi “na ná” chợ nhà mình là “farmer’s market”, chợ nông dân. Chợ này bán đồ đắt hơn trong siêu thị, đồ địa phương, không nhập khẩu, vừa cắt ở nhà mang ra bán ngay. Ở Michigan, có mấy cái “farmer’s market” tuần họp 1 lần vào thứ 7 (nghe hơi giống chợ phiên nhà mình).
Còn chợ ở Việt Nam nó có cái thuật ngữ mà nghe cái tên đã thấy “ươn ướt”, nhưng giúp mình tưởng tượng ngay ra là cái chợ thật: “wet market”. Có lẽ, “chợ” của mình (và Trung Quốc) mua bán thịt cá rau củ quả, người bán hay rửa đồ để nước chảy ra đường, người nước ngoài “liên tưởng”, đặt luôn cho cái tên “wet market”.
Ngoài ra, vì chợ hay mở ngoài trời nên còn có 1 cái tên khác là “open-air market” – chợ trời. (open-air có nghĩa là ở ngoài trời)
Một cái tên thú vị của chợ là “flea market” (chợ bọ chét), có lẽ bắt nguồn từ việc dịch tiếng Pháp sang tiếng Anh. Vào những năm 1860, khi hầu hết đồ được bán ở chợ là đồ cũ và thường có “bọ” (flea) trong đó, nên người ta gọi là “chợ bọ chét” – flea market.
Chợ “farmer’s market” khác chợ của mình “wet market” (hoặc “open-air market”) ở 2 chỗ: thứ nhất là nông dân bán hàng họ sản xuất, thay vì tiểu thương. Và thứ 2 là Quang thấy họ chỉ bán nông sản, chứ không thấy thủy hải sản, thịt cá đủ loại như của mình.
Còn “flea market” tạo cảm giác sản phẩm không chất lượng và rẻ tiền.
Đi chợ tiếng Anh là gì?
Rõ ràng, khi nói: “anh đi chợ em nhé”, thì mình sẽ không bảo là: “I am going to the wet market”, nghe nó sai sai. Xin kể câu chuyện giữa 2 bố con nhà Quang sáng nay:
Trước khi ra khỏi nhà, thằng bé nhà mình hỏi:
“Where are you going, daddy?”
Mình bảo: “I’m going out to buy some stuff”
Đi chợ là “go out to buy some stuff” (ra ngoài mua đồ), vậy đấy. Mình không nói là “I’m going to the market”, nghe nó sai sai mà không tự nhiên. Nhưng nếu muốn dùng từ “market” quá thì sao? Mình có thể sẽ nói là:
– I’m going to the (wet/flea) market to buy some food.
Hàng tạp hóa với hàng sách
Mình đi chợ xong, rẽ qua hàng tạp hóa mua “bột chiên ròn” với “bột chiên xù” (tempura flour) để về rán gà cho con trai (vì nó dám khen bố làm gà rán ngon hơn ngoài hàng).
Hàng tạp hóa tiếng Anh là “convenience store” – cửa hàng tiện lợi, mua mấy đồ thường mua.
Mua hàng xong, mình chạy qua hàng bán đồ dùng học tập mua quả cầu về tập tâng cho đỡ buồn ngày giãn cách. Quả cầu (bao gồm cầu lông và cầu đá) có tên gọi chung là “shuttle cock”, còn cái hàng bán đồ dùng học tập gọi là “stationary store”.
Kết luận
Tóm lại, chợ nói chung thì là “market”, đi siêu thị là “supermarket”, còn chợ trời thì gọi là “wet/flea market” (hoặc “open-air market). Đi chợ thì mình có thể nói là: “I’m off to buy some stuff/food”. Nếu muốn nói cụ thể địa điểm mình đi mua đồ, thì có thể nói là: “I’ll pass by the supermarket/convenience store/stationary store… to buy/get/pick some food/stuff…”
Kết luận lại, khi sử dụng tiếng Anh, bạn cố gắng sử dụng linh hoạt. Để linh hoạt được, mình đọc sách và nghe tiếng Anh nhiều, đến lúc nào đó sẽ “cảm nhận” được cách nói này “sai sai”, cách nói kia “đúng đúng”. Nhưng quan trọng nhất khi nói tiếng Anh là: nói sao cho người nghe hiểu được là được.
Tác giả: Quang Nguyen