Nghe bắt từ khóa
Vai trò của ngữ pháp
Kỹ năng đọc và nghe
Hoàn thiện ngữ pháp của bạn qua kỹ năng nghe như thế nào?
Nghe và đọc tiếng Anh
Có 2 phương pháp luyện nghe tiếng Anh mà mình hướng dẫn cho các học viên: nghe bắt từ khóa và nghe theo cụm.
Nghe bắt từ khóa dựa trên nguyên lý về “rhythm” trong phát âm tiếng Anh, đó là người nói thường chỉ làm rõ những từ có nghĩa (content words) – hay từ khóa. Do đó, khi nghe và tập trung vào từ khóa, về cơ bản thì bạn sẽ hiểu được chính xác người nói muốn nói gì.
Ví dụ, khi nghe “I’m going home to have dinner with my mom”, người ta sẽ nói rõ các từ “GOing, HOME, HAVE, DINner, MOM”. Khi nghe các từ này, với một vốn ngữ pháp tốt, bạn hoàn toàn có thể “lắp ghép” lại thành 1 câu với nghĩa hoàn chỉnh.
Điều này làm mình liên tưởng tới kỹ năng “skimming” và “scanning” trong đọc. “Skimming” thường được hiểu là việc đọc 1 hoặc 2 câu đầu của mỗi đoạn, vì thường đây sẽ là câu mang ý chính của cả đoạn (paragraph). Trong khi đó, “scanning” có nghĩa là bạn lướt qua những từ khóa của đoạn để tìm hiểu nội dung chi tiết.
Vấn đề của nhiều người học tiếng Anh khi “skimming” và “scanning” là họ lướt qua các từ khóa, sau đó không thể liên kết nội dung để hiểu ý chính của bài.
Vấn đề này cũng giống người học nghe khi bắt “keywords”, họ bắt được một vài từ, nhưng không thể liên kết được các từ thành các cụm có ý nghĩa.
Và khi gặp khó khăn như vậy, họ thực sự gặp vấn đề trong nghe hiểu. Vấn đề nằm ở đâu?
Phải nói rằng, phương pháp luyện nghe bắt từ khóa cực kỳ hiệu quả với những người ở trình độ căn bản. Lý do là nó “giảm tải” đáng kể những thông tin gây nhiễu cho người học. Thay vì não phải nạp và phân tích 9 từ (I’m going home to have dinner with my mom), thì chỉ cần phải phân tích 5 từ (going, home, have, dinner, mom). Do đó, phương pháp nghe này đặc biệt hiệu quả với những người có khả năng nghe kém.
Tuy nhiên, nếu không thể liên kết 5 từ trên thành 1 câu có nghĩa, thì mọi nỗ lực đều chẳng có ý nghĩa gì. Và khả năng liên kết từ thành 1 cụm liên quan tới ngữ pháp.
Nó giống như một bài tập ngữ pháp mà chúng ta học từ thời phổ thông: cho từ khóa và viết thành câu có nghĩa. Và ở đây, kỹ năng đọc thực sự sẽ giúp bạn.
Sự khác biệt lớn nhất giữa đọc và nghe là quá trình giải mã (decode). Khi đọc, chúng ta giải mã bằng mắt; nghe, chúng ta giải mã bằng tai. Khi đọc, chúng ta giải mã ký tự; nghe là âm thanh.
Vì khác biệt đó, nghe thường là kỹ năng khó hơn so với đọc. Bạn chỉ có 1 cơ hội duy nhất, một quỹ thời gian hữu hạn, để phân tích ý nghĩa của người nói.
Khi đọc, bạn có thể dừng lại, tra từ điển, hỏi người khác… để hiểu được nghĩa của từ. Do đó, khi học ngữ pháp, mình đánh giá “đọc” sẽ dễ dàng hơn nhiều so với “nghe”.
Vậy, kỹ năng đọc sẽ giúp gì cho kỹ năng nghe?
Khi đọc, bạn sẽ đối diện với rất nhiều cấu trúc ngữ pháp, và đây là phương pháp học ngữ pháp chuẩn và tự nhiên nhất.
Ngữ pháp ở đây không phải là các bài kiểm tra ngữ pháp ở trường, mà là bạn biết cách các từ sắp xếp với nhau để tạo thành nghĩa. Ngữ pháp là nền tảng để chúng ta có thể giao tiếp với nhau hiệu quả.
Ngữ pháp trong bài đọc phức tạp hơn nhiều so với bài nghe. Do đó, nếu nắm được ngữ pháp qua việc đọc thật nhiều, về cơ bản thì bạn có thể “giải mã” các từ khi nghe được từ khóa.
Trong lớp luyện nghe, sau mỗi bài nghe mình đều cung cấp “transcript” của bài nói, và các “transcript” này là một dạng bài đọc. Do đó, với những bạn nghe chưa tốt, một trong những nhiệm vụ quan trọng là “phân tích” các bản “transcript” này để tìm ra các cấu trúc ngữ pháp.
Khi học như vậy, bạn có thể bổ sung vốn ngữ pháp của mình khi nghe tiếng Anh thông qua việc nghiên cứu “transcript”. Khi ngữ pháp của bạn đã đủ “chắc”, bạn có thể nhanh chóng “chuyển thể” từ khóa: “going, home, have, dinner, mom” thành câu hoàn chỉnh: “I’m going home to have dinner with my mom”.
Đây là mấu chốt của kỹ năng nghe bắt từ khóa.
Tác giả: Quang Nguyễn
Bài viết liên quan
Related Posts
Facebook Comments