Nhiều người sống tới 40 năm ở Mỹ, nghe tốt, khả năng giao tiếp ổn nhưng phát âm tiếng Anh không chuẩn, vì nó không phải là kỹ năng dễ bắt chước.
Trong giao tiếp, người đối diện có thể không tìm ra được điểm yếu trong sử dụng từ ngữ hay ngữ pháp của bạn, nhưng chỉ cần bạn nói 2-4 từ, người ta sẽ biết ngay bạn nói có tốt hay không. Nhiều người cho rằng cứ nghe tiếng Anh nhiều, rồi phát âm sẽ tốt hơn. Điều này hoàn toàn sai.
Ở Mỹ, nhiều người sống tới 40 năm, nghe rất tốt, khả năng giao tiếp cũng ổn, nhưng không bao giờ phát âm tiếng Anh chuẩn. Phát âm là một câu chuyện hoàn toàn khác và các bạn không thể chỉ nghe mà bắt chước được.
Mỗi ngôn ngữ có hệ thống âm khác nhau. Nếu học ngoại ngữ đủ lâu, các bạn sẽ nhận ra một điều đơn giản, rằng tiếng nước ngoài (không riêng gì tiếng Anh) có những hệ thống âm và ngữ điệu khác với tiếng Việt. Khó nhất của người học tiếng nước ngoài là học được hệ thống âm của ngôn ngữ gốc.
Ví dụ, âm “th” trong tiếng Anh phát âm hoàn toàn khác âm “th” (đọc là thờ) của tiếng Việt. Hay nếu các bạn có bạn là người nước ngoài, hãy cố dạy họ nói chuẩn chữ “phượng” xem.
Do hệ thống âm khác nhau nên một trong những vấn đề đầu tiên mà người học tiếng Anh đối mặt, đó là phải học những âm mới. Giáo viên tiếng Anh ở cấp tiểu học và trung học, hầu hết tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách “Việt hoá” âm tiếng Anh. Ví dụ từ “purpose” được dạy đọc là “pơ pầu”- người Việt Nam nghe có thể hiểu, nhưng người nước ngoài sẽ không hiểu là gì.
Một vấn đề nữa về ngữ âm là trọng âm. Tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm tiết (nhiều âm trong một từ) và trong mỗi từ chỉ có một trọng âm chính (đôi khi kèm vài trọng âm phụ), khái niệm này không có trong tiếng Việt. Vấn đề là nếu không đọc trọng âm, hoặc đọc không đúng trọng âm, người nghe sẽ không thể hiểu bạn nói gì.
Hồi còn ở Mỹ, trong khi nói chuyện với bác Don về đồ nội thất nhà ở Mỹ và Việt Nam, mình nói về “INternal decoration”, đặt trọng âm vào “in”. Bác Don hỏi đi hỏi lại và tôi nhắc lại đến 3 lần, bác vẫn không hiểu từ INternal là gì. Tôi nói “that’s the decoration inside the house” bác mới “Oh, you mean inTERnal?”.
Vấn đề tiếp theo là âm cuối. Phát âm của người Việt Nam “thiếu chuẩn” nhất là ở âm cuối, đặc biệt khi âm cuối là các âm như /s/, /z/, /k/, /g/… – những âm cuối không tồn tại trong tiếng Việt. Xu hướng chung là biến đổi âm hoặc nuốt âm. Những âm như “dog” sẽ có xu hướng đọc thành “đóc”; âm như “dose” sẽ bị đọc thành “đâu”. Như vậy, người nghe nước ngoài sẽ không thể hiểu bạn nói gì.
Tóm lại, không nắm được âm, đọc sai trọng âm và bỏ âm cuối là 3 “vấn nạn” khiến người Việt Nam không thể phát âm tiếng Anh chuẩn được. Điều này sẽ làm các bạn mất đi một cơ hội không nhỏ trong công việc, giao tiếp và cuộc sống.
Tác giả: Thầy Quang Nguyễn
Fanpage: MoonESL – phát âm tiếng Anh
Khóa học: Phát âm tiếng Anh – nói tự nhiên
Khóa học: Phương pháp luyện nghe sâu tiếng Anh