Video hướng dẫn của cô Moon Nguyễn
Chắc hẳn bạn đã từng nghe nói về “shadowing” trong luyện nói tiếng Anh, và tính hiệu quả của nó. Trong bài viết này, Quang sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm và cảm nhận khi áp dụng phương pháp luyện nói này, trên cơ sở phát âm tiếng Anh.
Mỗi ngôn ngữ có một nhạc điệu riêng, và rất khó để cảm nhận được “âm nhạc” mà không nghe. “Shadowing” giống như bạn đeo tai nghe vào, và hát theo một “bài nói” của người bản xứ vậy.
Điểm lợi lớn nhất của việc “shadowing” – nhắc lại ngay lập tức từng từ mà người học nghe được – là nó giúp họ cảm nhận được đầy đủ nhất về mức độ và cách thức lên xuống (intonation), giai điệu (rhythm)… và đặc biệt là tốc độ nói của người bản xứ. Việc làm quen với các yếu tố trên sẽ giúp người đọc có xu hướng trôi chảy và tự tin hơn khi nói bằng tiếng Anh (hay bất kỳ ngoại ngữ nào khác) sau này.
Tuy nhiên, khi thực hành “shadowing”, các bạn sẽ có thể gặp một số các khó khăn. Thứ nhất là tốc độ nói – đặc biệt khi các bạn cố gắng “shadow” các tài liệu “authentic” (nghe ở tốc độ tự nhiên).
Ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất, mặc dù tài liệu “authentic” luôn là tối ưu, rõ ràng là các bạn nên lựa chọn tài liệu nghe phù hợp. Những học viên ở trình độ thấp nên bắt đầu từ những tài liệu căn bản.
Thứ hai, nếu trình độ của bạn thực sự phù hợp, và vẫn không “shadow” kịp, mình có một bí quyết: “rhythm“. Khác với tiếng Việt, tiếng Anh là ngôn ngữ được gọi là “stress-timed language” – tức là thời gian đọc một câu được tính tương đương với thời gian đọc các âm tiết được nhấn trong câu đó. Các âm tiết không được nhấn sẽ được giảm lược và đọc ngắn – nhẹ đi để phù hợp với “giai điệu” (rhythm) tổng thể của cả câu. Ví dụ, 2 câu:
– Cats catch mice, và;
– The cats have been catching the mice.
Nếu dọc theo kiểu “tiếng Việt”, câu sau sẽ có thời gian đọc gần gấp 3 lần câu trước (8 so với 3 âm tiết) – nhưng trong tiếng Anh sẽ có thời gian đọc tương đương nhau. Để luyện được cách đọc giảm các âm không nhấn chính xác, có lẽ sẽ cần thời gian; nhưng lời khuyên là: hãy chỉ tập trung vào các âm tiết được nhấn.
Khi đã nắm bắt về mặt nguyên tắc, và luyện tập thường xuyên, sau một thời gian, bạn sẽ thấy thoải mái hơn về tốc độ nói khi luyện “shadowing”.
Vấn đề thứ 2 là âm. Khi “shadow”, bạn thực sự cố gắng nhắc lại chính xác những gì người bản xứ vừa nói, nhưng sự thực không hẳn như thế. Do hệ thống âm tiếng Anh và tiếng Việt khác nhau, khi nghe, não của bạn sẽ có xu hướng “lọc” các âm tiếng Anh và biến thành những âm quen thuộc. Kết quả là, khi nghe “It’s nice to see you tonight at nine” bạn có thể nói thành “ịt nái tù si dìu tù nai ất nai”. Rất khó hiểu.
Giải quyết vấn đề rất đơn giản, bạn nên làm quen với 2 thứ: bảng IPA tiếng Anh (xem video ở dưới), và âm cuối trong tiếng Anh.
Vấn đề thứ 3, dựa trên kinh nghiệm của bản thân, là đôi khi bạn “shadow” mà chẳng hiểu gì hết. Thi thoảng lái xe trên đường mình thường bật “radio” lên nghe, và “shadow” theo đài. Cảm nhận của mình là khi bắt đầu “shadow”, não của mình bớt tập trung vào việc nghe hiểu hơn, mà tập trung vào từ khóa, nhấn lên xuống… Do đó, bình thường nghe đài không vấn đề gì, mà lúc shadow (đặc biệt nói to thay vì chỉ chuyển động miệng theo đài) thì chỉ nghe được khoảng 70-80%.
Do đó, lời khuyên là nếu bạn muốn luyện nói, thì “shadow”. Còn nếu muốn luyện nghe, thì ngồi tập trung mà nghe, sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Cuối cùng, mục tiêu của “shadowing” là để nói tự nhiên và trôi chảy hơn, nhằm phục vụ giao tiếp. Nhưng rút cục, giao tiếp mới là phương pháp học tiếng Anh hiệu quả nhất. Nếu bạn có 1h đồng hồ và được lựa chọn giữa “shadowing” và giao tiếp với một người giỏi tiếng Anh, hãy lựa chọn cách thứ 2, vì đó luôn là cách nhanh và hiệu quả nhất để bạn nắm được ngôn ngữ này.
Tác giả: Quang Nguyễn