“Rau răm” tiếng Anh là “Vietnamese coriander”, còn quả táo ta tiếng Anh là “Indian Jujube”. “Quả sấu” tiếng Anh là “dracontomelon” và rau muống thì là “water spinach”.
Đây là những từ người Việt rất quen thuộc, còn người nước ngoài thì gần như là không biết. Câu hỏi là, bạn có cần phải nhớ những từ này khi học tiếng Anh không?
Câu trả lời – trong hầu hết trường hợp – là: “không nên”.
Ngôn ngữ là một công cụ để giao tiếp và truyền đạt ý tưởng. Khi giao tiếp với người nước ngoài, đặc biệt là người phương Tây, họ thường không có ý tưởng về những loại rau – củ – quả đặc thù của nhiệt đới.
Họ không ăn trứng vịt lộn (ballut) nên cũng không biết “Vietnamese coriander” là cái gì. Khi bạn giới thiệu với họ về “rau răm”, đó có thể là lần đầu tiên trong đời họ nhìn thấy. Vậy thì thay vì “nhồi” cho họ một cái tên hoàn toàn mới về một thứ thực vật hoàn toàn mới như trong một lớp sinh vật học, hãy thử cách khác.
– OK, I’m gonna show you how to eat ballut. This is a herb that we eat with ballut, we call it “rau răm”. Now repeat after me, “rau răm”.
Người bạn bản xứ của bạn có lẽ sẽ chẳng dùng “rau răm” ở đâu ngoài VN, nên việc bạn dạy họ cách phát âm “rau răm” sẽ hữu ích và thú vị hơn nhiều, so với việc nhớ cái tên dài ngoằng: Vietnamese Coriander.
Tương tự, “rau muống” mặc dù là một từ rất phổ biến ở Mỹ, nhưng tùy vào nơi bạn mua “rau muống”, bạn có thể cân nhắc việt học “từ mới” là “water spinach” hoặc “morning glory” – 2 cách dịch phổ biến của “rau muống”.
Nếu đi chợ Châu Á hoặc chợ Trung Quốc ở nước ngoài, và chưa biết “rau muống” ở đâu, bạn có thể hỏi: “Do you have water spinach/morning glory?” – tùy thuộc vào cách họ gọi “rau muống” ở vùng bạn đang sống.
Còn chợ Việt Nam? Đơn giản là: “do you sell “rau muống” here?” – hoặc hỏi luôn tiếng Việt: “siêu thị có bán rau muống không?” – nếu người bán nói sõi tiếng Việt.
Một người bạn của mình ở Canada bảo “quả sấu” ở chỗ bạn ấy ở chợ Việt gọi là “crocodile fruit” (dịch ngang luôn) – một số “dịch giả” có thể bất đồng với cách gọi này, và nghĩ rằng “Dracontomelon” là cái tên chính xác hơn. Nhưng ngôn ngữ là như vậy, nó dành cho người sử dụng.
“Dracontomelon” có thể chính xác về mặt khoa học, nhưng nó là cái tên xa lạ với cả người Việt và người Canada – còn ít ra “crocodile fruit” thì lại rất quen thuộc và dễ nhớ với người Việt. Cá nhân mình nghĩ rằng, cái tên đó hay và dễ nhớ hơn nhiều so với tên chính xác của nó – và biết đâu một ngày sẽ trở thành tên gọi phổ biến của quả sấu trên toàn thế giới.
Tóm lại, ngôn ngữ là để sử dụng, nên khi học từ mới, hãy thông thái. Nếu từ mới bạn cần học là từ quen thuộc với cả bạn và người nghe, ví dụ “bắp cải” là “cabbage”, và bạn cần sử dụng thì nhất thiết nên học. Còn với từ mới “đặc thù” và quen thuộc chỉ với người Việt, không nhất thiết phải học tên khoa học của nó. Bạn có thể sáng tạo trong cách sử dụng.
Ví dụ, nếu bạn muốn mời người nước ngoài ăn “táo ta”, không nhất thiết phải lôi “Indian Jujube” ra, bạn có thể nói đây là “Vietnamese apple” – miễn người nghe hiểu và nhớ là được.
Tác giả: Thầy Quang Nguyễn
Fanpage: MoonESL – phát âm tiếng Anh
Khóa học: Phát âm tiếng Anh – nói tự nhiên
Khóa học: Phương pháp luyện nghe sâu tiếng Anh