Người nghe tiếng Anh giỏi và kém khác nhau như thế nào? Có 3 điểm lớn nhất:
1. Người nghe giỏi tự tin “bắt từ” chính xác
2. Người nghe giỏi hiểu nghĩa ngay lập tức
3. Người nghe giỏi không cần nỗ lực để hiểu
Đã bao giờ bạn bức xúc vì nghe tiếng Anh hoài không giỏi? Và có thể bạn đổ lỗi cho cái tai của mình không được “thính” như tai người khác? Bạn không phải là cá biệt.
Ngày xưa, mình cũng từng nghĩ rằng nghe tiếng Anh là một loại tài năng. Lý do là vì mặc dù rất chăm chỉ nghe, nhưng khả năng nghe của mình không tiến bộ là mấy. Nghe luôn là một nỗi ám ảnh thường trực, thậm chí sau 2 năm học thạc sĩ ở Mỹ, hoặc đạt được 29/30 điểm nghe TOEFL ibt.
Vậy, nếu nghe nhiều, hay thậm chí giao tiếp nhiều, không phải sự đảm bảo cho khả năng nghe tốt, nó là cái gì? Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa một người nghe giỏi và một người nghe kém?
Đầu tiên, đó là sự chính xác
Một người nghe giỏi sẽ tự tin rằng mình xác định được từ khóa trong câu nói một cách chính xác, thậm chí khi bạn đang đứng ở sân bay ầm ầm tiếng phi cơ lên xuống. Đây là một kỹ năng quan trọng khi nghe, thường đòi hỏi bạn phải nắm vững các yếu tố phát âm cơ bản. Nói cách khác, người nghe giỏi có khả năng xác định chính xác nguyên âm (Ví dụ, “my dad decided that she would leave/live with us”) và phụ âm (he took the seat/sheet) trong một từ. Đặc biệt, với người Việt Nam, khả năng xác định âm cuối (wait/waste/wade) và trọng âm (desert/ dessert) sẽ ảnh hưởng nhiều tới việc bạn xác định từ có chính xác hay không.
Thứ hai, đó là tốc độ.
Người nghe giỏi hiểu ý người nói ngay lập tức sau khi họ nghe được, người nghe kém thường mất vài giây mới hiểu được. Đây là kỹ năng “khớp” những từ mình nghe được (ở trên) với ý nghĩa của từ. Để làm được việc này, thông thường người nghe sẽ phải thuần thục các cách diễn đạt (chunk of words) phổ biến trong tiếng Anh. Ví dụ, nếu nghe “It will be taken care of in a short time”, bạn cần biết nghĩa của “taken care of” và “in a short time” từ trước khi nghe, thay vì nghe được từ rồi mới ngồi đoán nghĩa.
Cuối cùng, đó là “nghe một cách dễ dàng” (effortless)
Nói cách khác, 2 quá trình ở trên diễn ra một cách tự nhiên, không cần có sự cố gắng cao độ. Hãy nhớ lại bài thi tiếng Anh gần nhất, bạn có phải “căng tai” ra để nghe và trả lời câu hỏi? Nếu nghe 1 bài tương tự bằng tiếng Việt, bạn có nghĩ mình cần nỗ lực tương tự? Người nghe giỏi không cần tập trung quá nhiều vẫn có thể hiểu được người nói định nói gì, trong khi người nghe kém thì luôn phải “căng tai”.
Tóm lại, để nghe được tốt, đầu tiên bạn cần phải tự tin về các từ khóa mình nghe được. Phát âm tiếng Anh sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc xác định nguyên âm, phụ âm, âm cuối, trọng âm… Thứ hai, bạn cần có khả năng “khớp” từ mình nghe được với ý nghĩa của nó ngay lập tức. Làm quen với các cách diễn đạt, học tiếng Anh theo cụm từ, đọc sách và quan trọng nhất là nghe nhiều sẽ giúp bạn vượt qua thử thách này. Cuối cùng, để quá trình nghe trở nên “tự động hóa” mà không cần quá nhiều nỗ lực, một người nghe giỏi (khoảng 7.5 IELTS hay 26 TOEFL ibt chẳng hạn) vẫn cần phải luyện nghe hàng ngày một cách chăm chỉ.
Đó chính là sự khác biệt giữa một người nghe giỏi và một người nghe kém.
Tác giả: Quang Nguyễn