3 lỗi phát âm tiếng Anh người Việt ai cũng gặp
Nếu có ai đó nói bạn phát âm tiếng Anh không rõ ràng, hãy thử tự kiểm tra xem mình có mắc 1 trong 3 lỗi phát âm điển hình như ở dưới video này không nhé:
- Âm cuối (đọc bài: âm cuối trong tiếng Anh)
- Cụm phụ âm (đọc bài: bảng phiên âm tiếng Anh Mỹ)
- Trọng âm (đọc bài: trọng âm trong tiếng Anh)
Nếu bạn mắc 1 trong 3 lỗi phát âm này, đừng buồn, bạn không phải duy nhất đâu. Hãy luyện tập phát âm tiếng Anh để cải thiện nhé.
Tác giả: Moon Nguyễn
Lỗi phát âm tiếng Anh của hầu hết người Việt Nam
1. Không biết cách phát âm đúng
Từ “manager” có trọng âm ở đâu? Từ “comb” có nguyên âm là gì? “Evening” có mấy âm tiết? Nhiều người phát âm sai đơn giản vì không biết phát âm đúng như thế nào.
Điều này có ba nguyên nhân chính:
Thứ nhất, người Việt rất thích “đánh vần” tiếng Anh
Đây là một việc không thể, hoặc ít ra là quá rủi ro, đặc biệt nếu bạn chưa hiểu phát âm và giao tiếp đúng. Đánh vần tiếng Anh dễ tạo thói quen phát âm sai và “ngấm” dần tới nỗi bạn không thể sửa lỗi của mình.
Nhiều người đã quá quen thuộc với cách đánh vần trong tiếng Việt, nên họ hy vọng có thể tìm được “quy tắc” đánh vần tiếng Anh. Điều này là không thể.
Bạn có thể đánh vần tiếng Việt (và một số ngôn ngữ khác) vì mỗi chữ cái đều tương ứng với một âm. Ví dụ, chữ “á” được phát âm giống nhau, bất kể đó là “cá”, “cát”, “cánh” hay “cám”. Điều này không đúng với tiếng Anh. Ví dụ, chữ “u” trong “put” và “but” có cách phát âm hoàn toàn khác nhau; hoặc, chữ “oo” đọc khác nhau trong các từ “blood”, “foot” và “food”.
Nếu nhìn vào cách viết, bạn sẽ không thể phát âm chính xác từ “comfortable” hay “phoenix”. Trong tiếng Anh, chỉ có 40% số từ có cách đọc giống cách viết. Vì vậy, nếu bạn đủ tỉnh táo, hãy quên đánh vần tiếng Anh đi.
Ngoài ra, nhiều người mới học tiếng Anh dễ cảm thấy bối rối nhất là khi gặp những từ như “not” và “note” hoặc “bit” và “bite”. Nếu chưa biết cách đọc đúng, họ có khuynh hướng sẽ đánh vần tiếng Anh theo kiểu: no-te và bi-te. (xem bài về âm câm).
Thứ hai người Việt dường như rất ngại nghe tiếng Anh.
Nếu nghe nhiều, bạn sẽ biết mình phát âm sai từ nào.
Nguyên nhân thứ ba đến từ hệ thống giáo dục.
Mình may mắn dạy phát âm cho nhiều giáo viên tiểu học. Họ chia sẻ đồng nghiệp phát âm sai và “buộc” học sinh phải phát âm theo cách của mình. Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện cũng không kiểm tra khả năng nghe – nói của học sinh nên các em không có nhu cầu phải phát âm đúng. Thói quen phát âm sai từ nhỏ ảnh hưởng nhiều tới sau này.
Giải pháp rất đơn giản, bạn chỉ cần có thói quen tra phát âm (cả IPA và nghe qua từ điển online, ví dụ dictionary.com hoặc youglish.com) mỗi khi gặp từ mới. Lưu ý, kể cả với những từ bạn biết nghĩa, nhưng không biết cách phát âm, vẫn coi là một từ mới cần học.
2. Phát âm sai âm cuối
Bỏ qua nguyên nhân về việc “không biết từ đó phát âm thế nào”. Nhiều trường hợp, kể cả biết IPA (phiên âm quốc tế) của một từ, bạn vẫn có thể phát âm sai như thường. Âm cuối là một ví dụ.
Người Việt đặc biệt hay gặp vấn đề với âm cuối, lý do là trong tiếng Anh có nhiều âm cuối không tồn tại trong tiếng Việt. Dưới đây là một số ví dụ về những lỗi bạn thường gặp:
- /d/ là /t/; /b/ là /p/; và /g/ là /k/
Trong tiếng Việt, không có từ nào có âm cuối là /d/, /b/ hay /g/ cả. Nên một “thói quen khó bỏ” của người Việt Nam là hễ đứng cuối từ là một trong 3 âm này, thì sẽ được phát âm tương ứng là /t/, /p/ và/g/. Ví dụ: “rob” sẽ được phát âm là “rốp”; “trade” sẽ được phát âm là “trết”; và dog là đóc.
-
“th” là /t/; /f/ là /p/; /ks/ là “ch”
Các âm cuối “th” như “breath” được đọc là “bờ-rét”; âm cuối “f” như “if” được đọc là “íp”; “six” được đọc là “xích”.
- Phát âm chữ “iz” trong tất cả các từ có đuôi “es”
Đôi khi, bạn có thể cảm thấy bối rối và thật vô lý khi một số từ có đuôi “es” mà lại không phát âm là /ɪz/. Một ví dụ tiêu biểu là từ “clothes” được phát âm là /kloʊð-z/ thay vì /’kloʊ-ðɪz/, hay planes là /pleɪnz/ chứ không phải /pleɪnɪz/. Ấy vậy mà, cũng đuôi “es”, từ “roses” lại được phát âm là /’roʊ-zɪz/.
Khi gặp những từ như vậy, tin tốt là bạn có thể biết được lúc nào thì “es” được phát âm là /ɪz/, lúc nào không. Nếu bạn để ý, từ “rose” có âm cuối là /z/ – một âm gió – nên khi thêm “es” vào sau, sẽ được đọc là /’roʊ-zɪz/.
Còn từ “clothe” hay “plane” có âm cuối là /ð/ nay /n/ – không phải âm gió – nên khi thêm “es” vào sau sẽ không đọc là /ɪz/.
- Hoặc tệ hơn, ở cuối từ, vài âm cuối có thể bị loại bỏ
Các âm cuối như /k/ trong “like” hay “think” thường xuyên không được phát âm bởi người Việt Nam. Các âm cuối khác như /f/ như trong từ “safe” sẽ biến mất: “sây” .
Các cụm âm cuối khó hơn có thể bị lược bớt cho dễ đọc hơn, ví dụ: “build” thường đơn giản được đọc là “biu” – âm /ld/ hoàn toàn biến mất (thật ra là âm “u” trong từ này không được đọc); hay “milk” được giản lược thành “miu” – âm /lk/ cũng “gone with the wind”.
3. Các âm “khó” trong tiếng Anh
Hầu hết âm trong tiếng Anh là mới với người Việt Nam, do đó việc học âm tiếng Anh (theo IPA) ngay từ đầu là rất có lợi. Các âm khó có thể chia thành một số nhóm. Tiếng Anh có một số âm tương tự với các âm trong tiếng Việt, ví dụ /t/, /k/, /s/, nguyên âm đôi như /eɪ/ (trong stay) nghe hơi giống “ây”… Những âm này nếu bạn phát âm sai một chút cũng không quá nghiêm trọng. Chỉ cần lưu ý một chút là sẽ phát âm đúng. Nhưng cũng có những âm gây khó khăn rất nhiều cho người học.
Các âm mới hoàn toàn, không tồn tại trong tiếng Việt
Như /l/ (trong peel), “th” (trong thank). Về cơ bản, bạn phải học và thực hành rất nhiều.
Âm gió (/dʒ/ (trong job), /ʒ/ (trong pleasure)…) là một khái niệm rất mù mờ với người Việt Nam. Một phần lý do là không có sự tương đồng giữa các âm gió tiếng Việt (“xờ nhẹ”, “sờ nặng”, “ch chó”, “tr trâu”) với âm gió tiếng Anh.
Sai lầm thường gặp là âm gió được sử dụng tương đối tùy tiện, nên “see” và “she” đôi khi được phát giống nhau. Âm /z/ nếu đứng đầu từ được đọc là “d”, ví dụ: “zoo” được phát âm là “du”; còn cuối từ thì… biến mất, như “plays” thì được đọc là “pờ-lây”.
Cụm phụ âm
Các cụm âm, đặc biệt là cụm phụ âm như “spl” (trong split), “str” (trong stress) hoặc âm cuối như /kt/ (trong cooked) gây ra nhiều khó khăn cho người học. Vì những cụm âm như vậy không tồn tại trong tiếng Việt, người học thường hoang mang và không biết cách xử lý. Hãy xem lại video của cô Moon ở trên để tránh lỗi này nhé.
4. Trọng âm từ
Trọng âm, măc dù rất quan trọng trong phát âm tiếng Anh, xem ra không mấy quan trọng với phần lớn người Việt Nam. Thật ra, ít người Việt Nam quan tâm trọng âm là cái gì khi nói tiếng Anh. Ví dụ: “download” đơn giản được đọc là “đao-loát”; “literature” được đọc là “lít-tờ-rây-chờ”.
Nói về lỗi trọng âm, người Việt khi học tiếng Anh có 2 vấn đề chính: thứ nhất, thường là người học không biết trọng âm ở đâu (mà nhìn mặt chữ và “đánh vần”), nên tất yếu là nói không ai hiểu.
Thứ 2, thói quen học quy tắc trọng âm để đối phó với các kỳ thi (như kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học) khiến nhiều người nghĩ rằng học trọng âm là học quy tắc. Điều này rất nguy hiểm vì 2 lý do:
- Thứ nhất, có rất nhiều ngoại lệ trong tiếng Anh. Nếu học theo quy tắc, bạn sẽ không dám mở miệng vì khi nói, bạn không chắc mình có làm đúng trọng âm không.
- Thứ hai, kể cả nếu may mắn mà bạn xác định đúng trọng âm, cũng chỉ là xác định đúng trên giấy thôi. Để phát âm chuẩn một từ, bạn cần phải nghe và luyện tập nói rất nhiều.
Để làm chủ được trọng âm, bạn cần 2 yếu tố:
- Ý thức được trọng âm (luôn tự hỏi từ này trọng âm ở đâu)
- Nghe và sử dụng từ một cách thường xuyên (như vậy, khi nói bạn sẽ biết CHẮC CHẮN là mình phát âm đúng từ này).
Học quy tắc trọng âm là tốt, nó mang tính chất hỗ trợ. Nhưng để làm chủ được phát âm tiếng Anh, bạn cần phải thực sự sử dụng tiếng Anh. Hãy nghe tiếng Anh thật nhiều, và nói mỗi khi có thể, phát âm của bạn chắc chắn sẽ tiến bộ.
Tác giả: Thầy Quang Nguyễn
Fanpage: MoonESL – phát âm tiếng Anh
Khóa học: Phát âm tiếng Anh – nói tự nhiên
Khóa học: Phương pháp luyện nghe sâu tiếng Anh
Bài đăng trên Vnexpress.net