Tự luyện phát âm tiếng Anh là hoàn toàn có thể, mặc dù mất khá nhiều thời gian. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong việc tự luyện phát âm rõ ràng, tự tin nhé.
1. Tìm hiểu về hệ thống bảng phiên âm tiếng Anh.
Một trong những sai lầm phổ biến của nhiều người (trong đó có mình ngày xưa) là đồng nhất các âm tiếng Anh với tiếng Việt, kiểu như cố cho nó trở nên “gần gũi” với âm tiếng Việt để học cho nhanh. Ví dụ, khi bạn nói từ “this” thì đọc âm ‘th’ thành âm /d/ cho dễ, hay đọc từ “job” thành “dóp” chẳng hạn. Hãy quên ngay kiểu học này đi bạn nhé! Nếu bạn muốn phát âm rõ ràng cho người khác hiểu, bạn cần tập trung chú ý làm đúng/rõ những âm không có trong tiếng Việt, ví dụ âm /ɪ/ hay các âm gió khó như /tʃ/ (cheap, watch), /dʒ/ trong “job” hay “fridge”.
Để làm được điều này, bạn hoàn toàn có thể tự lên mạng, tìm hiểu về hệ thống bảng phiên âm tiếng Anh (kèm video). Một số kênh gợi ý:
Rachel’s English: https://www.youtube.com/c/rachelsenglish/featured
Kênh này thuở xưa mình cũng tìm hiểu và thấy rất đầy đủ và hữu ích, nếu bạn có thể nghe hiểu tiếng Anh thì đây là một kênh hữu dụng. Nếu bạn không hiểu tiếng Anh và muốn tiếng Việt cho gần gũi, bạn có thể tham khảo video:
Bài viết đầy đủ về Bảng phiên âm tiếng Anh Mỹ (IPA)
2. Đừng đi đường tắt. Hãy gắn liền NGHE VỚI PHÁT ÂM.
Rất nhiều người thích học quy tắc phát âm. Theo mình, để nhớ hết những quy tắc và các ngoại lệ sẽ mất quá nhiều thời gian và công sức. Học quy tắc không giúp bạn biết cách đọc chuẩn của từ vì bạn đã tách rời việc NGHE với phát âm. Giống như một đứa trẻ học nói, chúng cần nghe thấy người lớn nói từ đó trước khi có thể nói đúng từ. Ví dụ, con mình học nói từ “bố”, nó phải nghe bố nói rất nhiều từ này trước khi con làm thành công.
Do đó, cách tốt nhất là tạo thành thói quen kiểm tra cách phát âm của bất kỳ từ mới nào mà bạn học được. Các từ này sẽ xuất hiện lại nhiều lần nếu bạn nghe nói tiếng Anh thường xuyên, cho nên, bạn sẽ nhớ các phát âm của các từ này.
3. Tìm hiểu về TRỌNG ÂM VÀ NHỊP ĐIỆU khi nói.
Phát âm không chỉ học về âm, bạn hãy nhớ điều này! Để nói rõ ràng, bạn đừng chỉ đọc to rõ từng từ, vì như vậy người nghe sẽ cảm thấy rất khó tập trung. Cách nghe tiếng Anh của mọi người là tập trung vào các từ bạn nhấn to nhất, và nhận diện từ đa âm tiết dựa trên trọng âm của nó. Do đó, bạn cần đảm bảo rằng bạn đang nhấn đúng trọng âm của những từ quan trọng trong câu, và làm rõ những từ truyền tải ý nghĩa của câu.
Ví dụ, nếu bạn định nói: Failure is an important stage on the road to success.
Bạn cần làm rõ các phần in HOA sau:
FAIlure is an important STAGE on the ROAD to sucCESS.
Video hướng dẫn cách nói nhấn nhá tại:
Đọc bài viết “Mọi thứ về phát âm tiếng Anh” ở đây
4. Nghe và phân tích
Hãy chọn một bài đọc ngắn ở bất kỳ quyển giáo trình tiếng Anh nào, ở tốc độ chậm. Khi bắt đầu, bạn có thể chỉ chọn 3-5 câu là đủ. Sau đó, bạn hãy thử nghe người ta nói (kèm nhìn transcript).
Dựa trên cách nói, bạn hãy gạch chân trọng âm của từ, tự thử nhận diện các âm của các từ xem có đúng không. Bạn hoàn toàn có thể kiểm tra lại âm của các từ dựa vào việc tra từ điển hoặc nhanh hơn, bạn có thể dùng trang:
https://tophonetics.com/
Nếu không có quyển giáo trình nào trong tay, bạn có thể tìm một bất kỳ một đoạn tiếng Anh nào, sau đó vào Google translation để nghe đọc mẫu, hoặc đưa lên trang này:
https://www.naturalreaders.com/
Trang này có lợi thế là bạn có thể chọn chất giọng (nam/nữ, các accent khác nhau) + tốc độ đọc (nhanh/chậm tùy ý). Khi nghe mẫu đọc, cố gắng phân tích và cảm nhận cách họ đọc từ, nhấn trọng âm và nhấn các từ quan trọng trong câu. In phần text của bài ra, gạch xanh đỏ và viết ra phiên âm theo mình là cách học hiệu quả.
5. Đọc theo ở tốc độ chậm.
Đừng vội vàng làm những bài tập “shadowing” (đọc đuổi theo mẫu) mà các cao thủ tiếng Anh thường chia sẻ trên mạng. Những bài tập này hoàn toàn không phù hợp với người mới bắt đầu. Dựa trên những phân tích bạn đã làm ở bước 3, nghe lại mẫu đọc và tập đọc theo.
Ở bước này, bạn đừng quên tự ghi âm và nghe lại.
Ghi âm nhiều lần, tự nghe và tự đánh giá xem mình đã nhấn trọng âm đúng chưa, đã nhấn đúng từ mà mẫu nhấn hay chưa.
6. Lặp lại nhiều lần bước 4 & 5.
Học phát âm chưa bao giờ tách rời với việc nghe. Khi luyện phát âm, mình không học theo sách giáo trình phát âm, đọc từng từ lẻ. Theo mình, đây là cách mất thời gian nhất. Hãy nghe càng nhiều càng tốt và làm theo bước 4 và 5. Ghi âm liên tục một bài cho tới khi bạn cảm thấy hài lòng.
Đặt mục tiêu: Mỗi bài bạn chọn không cần quá dài, hãy chọn bài đọc chậm, đơn giản, dễ đọc trước. Sau đó, nâng dần tốc độ của bài cũng như độ dài của bài.
Đó là những bước mình đã đi qua và mình tin chắc rằng nếu bạn kiên trì áp dụng, nhất định sẽ thành công. Còn nếu bạn không thể kiên trì, hãy tìm một chuyên gia có thể dẫn đường cho bạn.
Tác giả: Moon Nguyễn