Bài viết tổng hợp 6 bài của cô Moon Nguyen:
- Không bỏ cuộc
- Học tiếng Anh như đánh răng buổi sáng
- Luyện nghe
- Luyện nói
- Luyện phát âm
- Luyện tập tiếng Anh hàng ngày
Nói ra thì khó tin, nhưng Moon chưa từng học thêm tiếng Anh giao tiếp ở đâu cả. Ngày cấp 3 thì cũng học thêm ngữ pháp ở thầy nọ thầy kia để ôn thi đại học…nhưng về giao tiếp, đến tận khi tốt nghiệp đại học, Moon vẫn chỉ là con số 0.
Thôi không vào đề dài dòng nữa, Moon đi vào việc chính luôn nhé.
Bài học đầu tiên của Moon khi học tiếng Anh là thế này.
Bài học số 1: không bao giờ cho phép mình bỏ cuộc
Có hai câu chuyên Moon muốn kể về việc không từ bỏ đã giúp ích Moon ra sao. Các bạn đọc và tự vấn xem nếu là bạn, bạn có làm như mình không nhé.
Câu chuyện thứ nhất: hồi cấp 3
Năm mới vào cấp 3, Moon học ngữ pháp xuống khủng khiếp. Trên lớp học lại giáo trình tiếng Anh hệ 3 năm, thế là kiến thức vun đắp từ hồi cấp 2 cứ rơi rụng hết.
Moon quyết định vác sách đi học thêm. Được đứa bạn cũ giới thiệu, Moon tìm đến lớp học thầy Tâm. Ngày ấy Moon học thầy tại nhà riêng, lớp khoảng 20 -30 cháu một lớp, học phí không nhớ nữa nhưng hình như cũng chát. Buổi đầu đi học thử ân tượng mấy cái: thầy già (ngoài 70 tuổi), lớp toàn người giỏi (sốc nặng) và chữ thầy cực xấu.
Buổi đầu tiên vào lớp, Moon muốn ngất luôn vì thầy lôi ra rất nhiều tài liệu thầy chép tay và phô tô. Ôi chao, chữ thầy mình không dịch nổi. Hầu như buổi đầu, Moon không đọc nổi chữ nào thầy viết, toàn phải hỏi đứa bên cạnh. Bọn học sinh trong lớp cứ nhao nhao, câu hỏi nào của thầy chúng nó cũng trả lời được tuốt chứ. Mình sốc quá, bảo thế này không biết có theo nổi không vì lớp này chúng nó học được cả gần 2 năm nay rồi, mình vào giữa thế này, khóc thét mất.
Sau buổi đầu về, mình nghĩ khá nhiều. Nếu quyết định đi học, nghĩa là phải đóng tiền cả tháng (học phí không rẻ nhé, mà nhà lại nghèo). Thế mà cuối cùng mình quyết định đi tiếp. Vì mình nghĩ, bạn mình học được, chẳng có lý do gì mình không làm được và mình tin mình sẽ làm được.
Những buổi sau nói chung không khá hơn là mấy, mình là đứa vào sau, chậm lụt nhất lớp, toàn làm bài sai, và sai rất nhiều, và có lẽ là đứa duy nhất trong lớp không đọc nổi chữ của thầy. Phải mất 1 tháng sau, Moon mới bắt đầu quen. Nhưng nhờ có thầy mà ngữ pháp của mình tiến bộ trông thấy, đi thi đại học sau này nhìn câu nào cũng thấy quen mà không thấy sợ.
Cảm ơn thầy thật nhiều nhưng mất liên lạc với thầy nên giờ không biết thầy có còn không nữa.
Câu chuyện thứ 2: đi làm
Ngày mới ra trường, như đã trình bày ở trên, mình thuộc hàng tiếng Anh ù ù cạc cạc, nghe tiếng Anh như vịt nghe sấm. Lúc đấy, có đứa bạn bảo có vị trí Trợ lý dự án gì đó nó không thèm apply, bảo mình đi xin thử coi, mình cũng vác hồ sơ đi phỏng vấn. Buổi phỏng vấn gặp ngay một chị người Anh và một anh Việt Kiều người Mỹ, tất cả những gì họ yêu cầu là dịch xem chị người Anh nói gì.
Phải nói thật là suốt thời đại học, mình cũng chỉ toàn chơi với vùi đầu vào mấy môn chuyên ngành, tiếng Anh hầu như là bỏ bê luôn. Ấy thế là run rủi sao, mình nghe ù ù cạc cạc, dịch một hồi họ cũng nhận mình vào làm. Hồi đấy mình đoán là cái chức Trợ lý dự án này chắc không ai thèm apply nên họ phỏng vấn rồi nhận mình vào luôn hay sao ý.
Buổi đầu tiên đi làm, nhiệm vụ là trợ lý cho một chị chuyên gia trị liệu ngôn ngữ người Hà Lan. Mình nghe chị ấy nói chả hiểu lắm, nhất là vào đúng buổi chị ấy đào tạo các chuyên gia Việt Nam khác, toàn từ mới chuyên ngành, hầu như mình không hiểu gì. Mấy chị chuyên gia Việt Nam bực bội, còn dịch hộ luôn mình vài từ. Có chị còn quát “không hiểu thuê người cái kiểu gì?”. Xấu hổ tới mức độn thổ….và buồn nữa….Lại hát bài “ước gì” của Mỹ tâm…Giá hồi sinh viên học cho nó tử tế hơn thì đâu ra nông nỗi.
Thế là mình sợ….và định xin thôi việc.
Nói đùa vậy thôi, chứ bản chất mình là một đứa khó bị khuất phục. Mình quyết định ở lại, vì mình biết nếu ở lại thì cái trình tiếng Anh lẹt đẹt của mình mới có ngày khấm khá hơn. Rồi mình lê la đến nói chuyện với chị chuyên gia trong giờ nghỉ, yêu cầu gặp trước buổi dịch workshop để làm việc trước về từ vựng, về nội dung. Vượt qua sự xấu hổ (hơi mặt trơ trán bóng), mình cứ tiếp tục làm.
Cứ thế dần dà, mình khá hơn. Điều quan trọng là mình tự thừa nhận với chị chuyên gia là, mình dốt, mình kém, mình nghe hiểu lõm bõm lắm, nhưng mình vẫn cố gắng. Thôi thì chị cố gắng giúp em, cho em nói chuyện với chị nhiều hơn tí. Và rồi đâu cũng vào đấy, mình đảm nhiệm tốt công việc của mình và việc huấn luyện chuyên gia cứ chạy veo veo.
Ngẫm lại, đó là hai trong số nhiều những mốc lớn trong việc học tiếng Anh của mình. Nếu mình bỏ cuộc trong cả hai câu chuyện này, chắc không có Moon Nguyen bây giờ.
Bài học số 2: Học tiếng Anh như đánh răng buổi sáng
Đừng học theo “cảm hứng”
Trước khi tiếp tục, Moon xin chia sẻ với các bạn một câu chuyện của bản thân mình như thế này.
Thời sinh viên, Moon cũng thích học giỏi tiếng Anh như chúng bạn. Thấy bạn bè xung quanh đứa nào cũng nghe VOA, BBC, mình tức chí ở nhà cũng quyết mở đĩa Headway A ra nghe, nghe thật lực, có khi cả buổi sáng ngồi học nghe 2-3 tiếng, hic, đến mức nhức hết cả tai, xong mệt phờ. Khí thế được 3 ngày, đến ngày thứ 4, nhìn thấy quyển Headway tự nhiên mình vừa thấy nản, vừa thấy sợ. Thế là vứt sách vứt đĩa đi, ngồi lẩm nhẩm, đợi bao giờ có hứng thì học tiếp.
Thường cái hứng đó chỉ xuất hiện vào những ngày khởi đầu cái gì đó, ví dụ như khởi đầu năm học mới, sau nghỉ Tết…cảm thấy có hứng làm lại từ đầu. Nhưng ôi chao, thường thì cái cảm hứng đó ra đi rất là nhanh, rồi mình lại trở về những tháng ngày ngập ngụa trong việc ăn chơi, cảm thấy việc học tiếng Anh thật khó và chả đi về đâu cả.
Chắc nhiều bạn cũng ở hoàn cảnh bất lực như mình ngày trước. Sau này mình mới hiểu tại sao ngày đó mình không giỏi nổi. Có mấy cái sai lầm của Moon như thế này:
– Thứ nhất, ngồi đợi cái gọi là “cảm hứng”. Người ta bảo học cái gì thì phải yêu thích cái đấy; có thích thì mới học được. Cái này không sai, nhưng không có nghĩa là chỉ thích mới làm. Trong cuộc sống có rất nhiều thứ mình không thích nhưng vẫn phải làm, mà vẫn phải làm tốt. Cảm hứng là thứ rất dễ đến mà cũng dễ đi, rất bất chợt, không rõ ràng, không đáng tin và không thể phụ thuộc vào nó.
– Thứ hai, mục tiêu mơ hồ chung chung. Ví dụ, mình học nghe vì thấy bạn bè nô nức nghe, nhưng cũng chẳng có mục tiêu cụ thể. Nghe để nghe tốt hơn? Mục tiêu mù mờ như vậy là hoàn toàn không đủ. Khi học tiếng Anh hay làm bất kì việc gì, phải có một cái đích rõ ràng, đích càng rõ thì càng dễ thành công. Lẽ ra ngày ấy, mình nên nhìn ra mục tiêu hơn, ví dụ như học tiếng Anh trong vòng 3 tháng để điểm nghe cuối kì đạt 9/10 trở lên, hoặc là cày trong vòng 6 tháng để khi xem phim hoạt hình tiếng Anh khỏi phải nhìn sub cũng hiểu ý chính chẳng hạn.
– Thứ ba, mình “dục tốc” quá nên bất đạt. Ngày đấy chả hiểu mình ngu si thế nào mà lại nghĩ là nếu tập trung nghe thì có khi một tháng sau nghe trình headway từ a lên được bằng c luôn. Ngẫm lại thấy đó chính là chiến lược sai lầm. Muốn biết ngựa tốt phải cho chạy đường dài, muốn giỏi thì phải nhẫn nại. Không có phương pháp thần thánh nào để nắm bí kíp, hay học thần tốc, rồi sẽ giỏi ngay. Học cái gì cũng vậy, phải có thời gian thực hành, để ngấm. Vấn đề ngày trước của mình là “thích ăn sổi”, thích đánh nhanh thắng nhanh, đó chính là nguyên nhân to nhất dẫn tới bỏ cuộc giữa chừng.
Học 10 phút mỗi ngày mà đều đặn trong vòng 6 tháng, còn hiệu quả hơn là học 1 tiếng mỗi ngày, học 3 ngày lại nghỉ 2 ngày.
Học tiếng Anh giống như đánh răng buổi sáng
Các bạn có đánh răng buổi sáng sau khi thức dậy không? Mình đoán là có vì đây là nếp giáo dục từ nhỏ của đại đa số các gia đình Việt (Mặc dù mình cũng biết rằng ở nhiều nước khác, người ta thường không đánh răng ngay sau khi thức dậy, mà uống cafe, rồi ăn sáng, rồi mới đánh răng).
Thế bạn làm sao để hình thành thói quen này? Moon đoán là, nếu các bạn giống như mình, thì đầu tiên là bố mẹ dạy mình đánh răng, rồi sáng nào cũng lôi mình ra bể nước, đánh răng cùng. Đến khi nào mình quen, bố mẹ không hỗ trợ nữa, mà chỉ nhắc mình tự làm. Ngày nào cũng làm, cứ ngủ dậy, dù mắt nhắm mắt mở, thì cũng mò ngay vào nhà vệ sinh đánh răng trước. Đến bây giờ, nếu mỗi sáng thức dậy mà không đánh răng, thì ắt hẳn thấy ngứa ngáy khó chịu. Đó là vì bạn đã biến đánh răng trở thành thói quen.
Học tiếng Anh cũng vậy, nếu có thể tự rèn luyện cho bản thân một thói quen đúng giờ đó phút đó là bật băng lên nghe, bật mic lên tự luyện thì đã là một thành công lớn. Để nếu một ngày, không “súc miệng” bằng mấy phút nghe tiếng Anh buổi sáng, thì cảm thấy không thể bước chân ra khỏi nhà được. Đến lúc đó, việc học tiếng Anh trở thành một phần quen thuộc của cuộc sống thường nhật, và bạn sẽ làm chủ nó lúc nào không hay….
Bài học số 3: Moon luyện nghe tiếng Anh như thế nào?
Cô Moon Nguyen chia sẻ phương pháp luyện nghe trước – trong và sau khi nghe.
1. Trước khi nghe
Thời xa xưa, trước khi nghe bất kì cái gì, mình cắm đầu vào đọc câu hỏi, đọc để đoán trước nội dung. Cô giáo hồi đại học dạy mình cũng bảo thế, đọc trước các câu hỏi rồi đoán nội dung, khi nghe cứ tập trung vào nghe mấy chỗ đó. Như vậy, trước khi nghe, đã biết sơ lược về những gì sẽ được nói đến trong bài nghe rồi.
Sau này lớn hơn tí, ra trường, đi thi TOELF iBT, ôi trời, sợ hoảng loạn luôn! Bài thi nghe của bọn Tóp phờ này đúng là làm cho thí sinh “phờ phạc”. Chẳng có câu hỏi nào hiện ra cho mình đọc trước cả. Đời về cơ bản là “thảm”, hichic. Họ cho nghe một đoạn hội thoại, hoặc một đoạn giảng bài gì đó của giáo sư, sau đó câu hỏi lần lượt hiện ra (câu hỏi ý chính và ý phụ đủ cả), cho mình chọn đáp án. Đúng là lúc đó, mình quá hoang mang lúng túng không biết phải làm gì!!!!
Sau này mới thấy, format cái bài thi này quá hay luôn, vì nó quá thực tế! Trên thực tế sau này đi làm rồi giao tiếp, có mấy khi biết trước cụ thể người ta sẽ nói về cái gì đâu, kể cả đi học ở nước ngoài cũng thế. Cách nghe không được biết trước câu hỏi này thực sự luyện cái tai nghe chủ động, thay vì thụ động như trong bài thi IELTS.
1. Vận dụng trí tưởng tượng
Thay vì để cho vô số âm thanh xì xồ theo đập vào tai một cách thụ động, hãy chuẩn bị trước tâm thế để nghe. Giống như khi mình thực sự muốn biết về một cái gì đó, mình sẽ trở nên “hăm hở” chủ động hơn, và tự nhiên, não bộ sẽ làm việc tập trung hơn.
Ví dụ, bài đó họ bảo là về cuộc hội thoại giữa hai vợ chồng, mình phải ngồi tưởng tượng trước xem có thể họ sẽ nói về cái gì nhể, chắc nói về kì nghỉ gì đó, hay là cãi nhau về vấn đề tài chính, hoặc là lên kế hoạch sinh con. Sau khi lên dây cót, bạn hãy nghe để kiểm nghiệm xem những gì mình nghe được trong bài có đúng như những gì mình dự đoán từ trước hay không nhé.
2. Đặt mục tiêu trước khi nghe
Trước khi nghe, hãy đặt mục tiêu. Ví dụ, đặt mục tiêu sau 1 lần nghe liên tục, bạn sẽ nắm vững ý chính ý phụ toàn bài. Cái mục tiêu này còn tùy thuộc vào mức độ khó dễ của bài nghe.
Nếu bài nghe không quá khó với bạn (đánh giá mức độ khó từ 1-10 mà chỉ khoảng dưới 7 điểm) thì cố gắng nghe 1 lần là hiểu hết. Còn nếu >7 điểm, thì đặt mục tiêu nghe khoảng 2 lần là nắm được toàn bộ ý tưởng của bài.
B. Trong khi nghe
Một lỗi không hề nhỏ khi nghe, như Moon đã đề cập ở những phần trước, là cứ bật đi bật lại từng câu, cố nghe để hiểu từng từ họ nói. Nhớ là dù bạn có muốn làm như thế đến mức nào đi chăng nữa, thì hãy KIỀM CHẾ CÁI HAM MUỐN đó lại.
Kể từ bây giờ, khi nghe, hãy BẬT BĂNG CHẠY LIÊN TỤC từ đầu đến cuối, và cố gắng tập trung để hiểu ý trong toàn bộ bài nghe.
Với những bài nghe ngắn, có thể bạn không cần sử dụng tới việc ghi chép ý (note-taking). Nhưng với những bài nghe dài, Moon rất recommend mọi người sử dụng phương pháp này khi nghe.
1. Note-taking là gì
Mình giải thích dễ hiểu: note-taking là cách các bạn note ý chính ý phụ khi nghe (giống như khi nghe thầy cô giảng bài bằng tiếng Việt, học sinh ở dưới ghi chép vậy). Nhưng có điểm hơi khác biệt, là phần lớn thời gian, học sinh Việt Nam sẽ ghi chép “nguyên si” lời thầy cô với tốc độ viết khủng khiếp là nhanh (chả là ngày xưa hồi còn mài đũng quần trên ghế giảng đường, mình cũng hay làm trò này, mà mình toàn là chép nhanh nhất nên hay được các bạn mượn vở chép. Xong này mới thấy làm như vầy thật là “hại cái não”).
Còn với note-taking, có một số nguyên tắc bạn cần ghi nhớ như sau:
a. Chỉ note ý chính và ý phụ, những cái râu ria khác không liên quan thì không phải note.
Ví dụ, trong bài họ nói về tác hại của đi ngủ muộn.
Đầu tiên, họ nói đi ngủ muộn làm cho da mặt bạn xấu hơn. Rất nhiều phụ nữ sợ da mặt xấu. Đi ngủ muộn sẽ làm ảnh hưởng tới làn da của họ….
=> thì những gì bạn cần note là “ngủ muộn – da xấu”, còn những thứ như “phụ nữ sợ da xấu” hay “ngủ muộn ảnh hưởng tới da” chỉ là những câu râu ria bổ trợ không cần thiết phải note vào.
b. Chỉ note từ khóa, không note cả cụm từ hay một câu
Cũng như trong ví dụ vừa đề cập ở trên, note từ khóa “ngủ muộn – da xấu” thay vì nắn nót ghi cả câu “nếu ngủ muộn, da mặt bạn xấu hơn”. Vì sao? Khi note, bạn không có nhiều thời gian để chau truốt, càng ít từ càng tốt.
c. Sử dụng từ viết tắt
Cách để note nhanh là bạn nên học cách viết tắt các từ dài, để tránh trường hợp ngồi nhớ mãi không ra cách viết từ đó, đến khi viết xong thì băng đã chạy đến tận đoạn cuối rồi…
Ví dụ, từ “organization” là một từ khá là dài, nếu note vào bài bằng cách chép nguyên si từ này, thì tới 99% là các bạn sẽ bị chậm một nhịp so với bài.
Thế nên, nếu là mình, từ này sẽ được viết tắt là “org.”
Tương tự, nếu ý của bài là “he doesn’t love her” thì có thể viết ngắn gọn như thế này “x lov.”
Cách viết tắt là hoàn toàn tùy thuộc vào bạn, vì chẳng ai đọc lại note của bạn ngoài bạn cả.
NHỚ LÀ NOTES CỦA BẠN LÀ CỦA RIÊNG BẠN, KHÔNG CẦN PHẢI ĐẸP VÀ CẦU KÌ, NẾU NÓ ĐẸP VÀ CẨN THẬN NẮN NÓT QUÁ, THÌ NOTES ĐÓ KHÔNG HIỆU QUẢ.
d. Học cách bỏ qua
Vấn đề của nhiều bạn khi nghe là nếu không nghe được chỗ nào đó trong bài, dù là rất nhỏ, thì thấy bứt rứt không yên. Họ nói câu trước không nghe được, thì băng chạy tới câu sau rồi, bạn vẫn còn ngồi vương vấn cái câu trước chưa hiểu ý. Làm như vậy không giải quyết được vấn đề. Vì ở đây, chúng ta học cách nghe khi bật băng liên tục, chứ không nghe kiểu dừng băng. Cho nên, tiếc nuối không giải quyết được vấn đề ở đây. Hãy bỏ qua câu không hiểu, và cứ tiếp tục tập trung nghe tiếp.
Tại sao phải note-taking?
– Khi mới học về note-taking, mình nghĩ rằng đây là cách để mình đọc lại note của mình sau khi nghe xong, để xem lại các ý chính và ý phụ của toàn bài. Đây cũng là một phần mục tiêu của note-taking. Tuy nhiên, sau này, làm bài thi TOEFL iBT, mình hiểu rằng, đọc lại notes của mình sau khi nghe bài toefl là HOÀN TOÀN VÔ NGHĨA. Bài thi TOEFL buộc bạn phải trả lời câu hỏi dưới một áp lực khủng khiếp về thời gian, cho nên việc đọc lại notes để tìm ý trả lời là hoàn toàn vô dụng.
THẾ BẢN CHẤT THỰC SỰ CỦA NOTE-TAKING LÀ GÌ? Khi đã quen với note-taking, bạn sẽ thấy rằng, việc take notes là cực kì hiệu quả giúp bạn chữa bệnh MẤT TRÍ NHỚ KHI NGHE. Nhiều bạn cảm thấy rằng, khi nghe rất khó tập trung, lúc nghe thì nhớ nhưng sau đó quên hết sạch thông tin.
Bản chất là khi vừa nghe vừa ghi chép lại ý (với những bài dài) nhé, bạn sẽ tập trung tốt và ghi nhớ thông tin tốt hơn. Não của bạn đã lưu lại toàn bộ thông tin trong quá trình take notes rồi, nên với những người đã quen take notes (như mình chẳng hạn), mình hoàn toàn không phải nhìn vào notes để nhớ ý nữa.
NHƯ VẬY BẢN CHẤT CỦA NOTE-TAKING LÀ GIÚP BẠN TẬP TRUNG VÀO BÀI NGHE VÀ GHI NHỚ THÔNG TIN TỐT TUYỆT VỜI!
2. Nghe chép chính tả
Sau khi nghe được toàn ý chính và ý phụ trong bài, chắc chắn sẽ còn vài chỗ bạn nghe lõm bõm chưa rõ ràng. Đây chính là thời điểm tuyệt vời để bạn thực hiện bài “nghe và chép chính tả”. Nhớ là ĐỪNG BAO GIỜ NGHE CHÉP CHÍNH TẢ KHI CHƯA NẮM ĐƯỢC Ý CHÍNH PHỤ CỦA TOÀN BÀI NHÉ!
Lúc này mới là lúc bật từng câu lên, nghe và viết chính tả. Cách làm này dường như quá công phu, nhưng cực hữu ích với những bạn mới bắt đầu luyện nghe. Vì sao nhỉ?
Vì qua viết chính tả, bạn phải nghe rõ gần như từng từ trong bài, kể cả những chỗ họ nối âm, giảm âm….
Sau khi nghe lại vài lần để chép chính tả, bạn hãy mở đáp án ra và nghe lại những chỗ mà mãi vẫn không nghe được nhé!
C. Sau khi đọc transcript
Sau khi có transcript, đây là lúc tuyệt vời để làm mấy việc sau:
1. Gạch chân từ mới/cách diễn đạt mới
Như thường lệ, bạn sẽ học từ mới/cách diễn đạt mới trong bối cảnh bài nghe.
Ví dụ, nếu trong bài họ có nói “he doesn’t get on well at all with his boss” thì mình học cụm từ “get on well with smb” (tức là có quan hệ tốt với ai). Nhưng khi học từ mới, note ra quyển sổ hoặc tờ note nào đó chẳng hạn, đừng có ghi tiếng Việt là “có quan hệ với ai”, thay vào đó, ghi lại bối cảnh bạn gặp cái cụm từ này, ví dụ:
– get on well with…. (Tom – job interview) => điều này sẽ gợi nhớ bạn về cụm từ bạn gặp, trong bối cảnh một buổi phỏng vấn xin việc của Tom mà bạn đã nghe.
2. Ba vấn đề khi học từ vựng
– Thứ nhất là đừng có mở từ điển ra, tra một từ xong rồi tra đầy đủ các nghĩa của nó, rồi các dạng động từ, tính từ danh từ nhé. Ngày trước mình hay làm thế, giờ thấy rằng việc học từ kiểu đó rất là ngớ ngẩn mất thời gian và không hiệu quả. Chỉ cần biết nghĩa của từ mới đó trong bối cảnh bài nghe là quá ổn rồi.
– Thứ hai là, đừng dùng từ điển Anh – Việt mà hãy dùng từ điển Anh – Anh ngay từ hôm nay. Ngày trước mình xài từ điển Lạc Việt với V-dict để học từ mới, thấy vốn từ lên rất chậm, học trước quên sau. Từ ngày chuyển qua mấy cái từ điển Anh – Anh như Dictionary.com hoặc Oxford Dictionary hoặc the free dictionary, thấy vốn từ tăng lên hẳn. Tại sao? Vì mỗi lần tra một từ nào đó là nó giải thích bằng một câu toàn các từ mới khác. Thế nên, để hiểu được nghĩa từ đó, mình bắt buộc phải tra thêm nghĩa của một số từ khác. Vòng vèo một hồi, học kiểu này, biết một từ và còn học luôn mấy từ đồng nghĩa với nó nữa.
– Thứ ba là, bạn phải YÊU và có ấn tượng với từ mình vừa học. Nếu bạn chỉ học từ vì nó là từ mới, thì khả năng ghi nhớ từ đó là cực kì thấp. Mỗi khi học một từ nào mới, để nhớ nó lâu, bạn phải thích từ đó, phải yêu từ đó và thấy nó thú vị. Thế nên, chọn những từ mới thú vị hữu ích và gây ấn tượng mà học, không bắt buộc là bài nào cũng phải học đủ một đống từ mới. CẦU TOÀN MUỐN BIẾT VÀ DÙNG HẾT CÁC TỪ MỚI KHÔNG PHẢI BAO GIỜ CŨNG TỐT.
2. Từ mới không dùng thì sẽ chết yểu
Ngày trước mình học từ vựng, cứ viết từ lấp đầy quyển vở 98 trang là thấy sung sướng lắm, kiểu như đã hoàn thành nhiệm vụ học hành rồi ý. Nhưng thực ra, hỏi lại từ nào trong đống từ đó là chỉ thấy quen quen nhưng cũng không thực sự nhớ rõ nghĩa, còn bảo sử dụng từ thì chịu chết luôn.
Thế nên, sau khi học từ mới xong, bạn phải DÙNG TỪ ĐÓ NGAY LẬP TỨC. Tóm tắt lại đoạn văn/hội thoại bạn nghe, cố gắng dùng từ 3-4 từ mới/cụm từ mới bạn vừa học xong. Cách này là cách “vi diệu” để học từ rất nhanh và hiệu quả.
3. Đọc lại đoạn hội thoại/đoạn nghe theo mẫu
Khi đã có transcript bài nghe, việc bạn bỏ thời gian đọc lại bài đó theo bài nghe mẫu là một cách tuyệt hảo để luyện cách phát âm, cách nối âm, giai điệu và ngữ điệu của bài.
NHIỀU BƯỚC QUÁ PHẢI KHÔNG?
Nghe thì có vẻ quá phức tạp cho các bước trong bài nghe, bước sau nghe thì Moon khuyên mọi người nên “strictly follow” khi mới học tiếng Anh, còn khi đã lên trình rồi thì không cần phải làm thế nữa.
…..
Kĩ năng nghe đã từng là kĩ năng mình sợ nhất, nhưng khi nghe nhiều, mình cảm thấy hóa ra đó lại là kĩ năng mạnh nhất của mình. Tất cả là sự luyện tập. Bạn càng nghe nhiều thì sẽ nghe càng tốt.
Hãy nhớ là, không có thành công nào không có mồ hôi nước mắt. Nếu bạn chỉ thấy một ai đó giỏi tiếng Anh, thì cũng không nên nghĩ rằng họ giỏi tự nhiên. Đằng sau đó, có thể là hàng giờ ngồi nghe mỗi ngày mà bạn không biết đấy thôi!
Bài học số 4: Moon luyện nói tiếng Anh như thế nào?
3 bí quyết luyện tập tiếng Anh của cô Moon:
Luyện các bài “shadowing”
Nghe kết hợp nói
Nói với cả thế giới
Nhiều bạn muốn Moon chia sẻ kinh nghiệm luyện nói từ lâu rồi. Moon là một người tự học tiếng Anh, nên sẵn lòng chia sẻ với các bạn những bài học xương máu của mình. Để nói tiếng Anh tốt, tự tin, lưu loát, các bạn nhất thiết phải biết tới ba bí mật này.
1. Luyện các bài “shadowing”
Chắc hẳn đâu đó bạn đã từng nghe thấy người ta nói tới kỹ thuật này. Về cơ bản, shadowing là việc bạn bật bài mẫu lên và nói theo họ. Tuy nhiên, có hai vấn đề mà người mới tập gặp phải khi shadow, đó là gì?
Thứ nhất, họ cảm thấy bài nói mẫu quá nhanh, tới nỗi đọc không theo kịp mẫu (bị hụt hơi).
Thứ hai, nếu họ cố đọc đuổi kịp mẫu thì họ sẽ “nuốt cả thế giới”, ý mình là, nuốt toàn bộ các âm hoặc âm tiết cần thiết, khiến cho bài nói của họ trở nên vô cùng khó hiểu.
Như vậy, shadowing thực sự chưa hẳn đã là công thức phù hợp cho người mới bắt đầu. Bạn có thể chọn bài đọc chậm (trong các giáo trình tiếng Anh) và tỉ mẩn nghe, gạch chân những chỗ người ta nhấn dể bắt chước theo từng cụm từ, trước khi đọc đuổi theo họ. Để làm được điều này, tốt nhất bạn nên có chút căn bản kiến thức về phát âm tiếng Anh.
2. Nghe kết hợp nói
Đây là bí quyết mà mình chưa từng chia sẻ với ai, và mình tin rằng phương pháp này rất độc quyền của Moon. Mình mới ứng dụng nó vài năm nay và thấy rằng nó cực kỳ hữu hiệu.
Cụ thể, bạn hãy nghe một bài gì đó (ngắn chừng 1-5 phút) mỗi ngày, sau đó nói để tóm tắt lại bài nghe. Đây là cách học một mũi tên trúng vài đích:
Thứ nhất, bạn luyện nghe mỗi ngày. Khi nghe, đương nhiên bạn sẽ thấy quen tai với nhịp nói của người bản xứ, nghe nhiều bạn sẽ cảm nhận được nhịp điệu của họ để bắt chước cho giống. Đồng thời, nếu chú tâm, bạn sẽ học được từ vựng, cách diễn đạt tự nhiên của họ.
Thứ hai, bạn luyện nói mỗi ngày. Khi nói, bạn cố gắng sử dụng nhịp điệu và cách diễn đạt của họ.
3. Nói với cả thế giới
Chiến thuật này mình dùng từ cách đây hơn chục năm rồi. Mình nhận ra rằng khi không có nhiều điều kiện giao tiếp với người bản xứ, việc nói về bất kỳ chủ đề gì rồi ghi âm là cực kỳ hữu hiệu trong quá trình tự học. Nếu bạn nói rằng, ghi âm không ai chữa bài cho thì hãy thay đổi ngay lập tức cách suy nghĩ này. Việc thực hành là do tự thân, bạn phải biết cách tự nghe và sửa lỗi. Làm nhiều thì sẽ quen. Ngày trước mình tập cũng thèm có người sửa cho lắm nhưng làm gì có ai, cho nên mình chỉ đặt mục tiêu là nói mỗi ngày để tạo phản xạ đã. Sau đó, mình cố gắng nghe lại bản ghi của mình để xem mình đã nói dễ hiểu hay lưu loát hay chưa.
Bạn lại hỏi mình, thế bạn sẽ nói về cái gì bây giờ? Hãy nói về bất kỳ điều gì bạn muốn. Nói với cả thế giới mà. Bạn có thể kể lể về một chuyện không may trong ngày, hay một niềm vui nho nhỏ nào đó, hay đơn giản, là bạn làm gì cả ngày hôm đó. Nếu thiếu ý tưởng thì lên Google search ra một đống topics để nói nhé. Quan trọng là bạn có thực hành nói mỗi ngày hay không.
Đó, chiến thuật là như vậy. Nếu bạn thực hành các dạng bài này thường xuyên, mình cam kết là bạn sẽ tiến bộ chỉ sau 1 tháng.
Chúc các bạn thành công. Đừng tiếc công like/share bài để tri thức lan tỏa cho những người khác nữa bạn nhé!
Tác giả: Moon Nguyen
Bài học số 5: Moon tự luyện phát âm tiếng Anh như thế nào?
Làm thế nào để phát âm tiếng Anh chuẩn và tự nhiên? Cô Moon chia sẻ 6 bước:
- Tìm hiểu bảng phiên âm tiếng Anh (IPA)
- Gắn liền nghe với phát âm
- Tìm hiểu về trọng âm và giai điệu (rhythm)
- Nghe và phân tích
- Đọc theo ở tốc độ chậm
- Lặp lại nhiều lần bước 3, 4, 5
Bạn có thể tự luyện tập phát âm tiếng Anh để nói tự nhiên như người bản xứ được không? Nếu các bạn giống Moon, tự luyện phát âm tiếng Anh là hoàn toàn có thể, mặc dù điều này mất khá nhiều thời gian. Trong bài viết này, Moon sẽ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong việc tự luyện phát âm rõ ràng, tự tin nhé.
1. Tìm hiểu bảng phiên âm tiếng Anh
=> Xem về bảng phiên âm tiếng Anh ở đây
Một trong những sai lầm phổ biến của nhiều người (trong đó có mình ngày xưa) là đồng nhất các âm tiếng Anh với tiếng Việt, kiểu như cố cho nó trở nên “gần gũi” với âm tiếng Việt để học cho nhanh. Ví dụ, khi bạn nói từ “this” thì đọc âm ‘th’ thành âm /d/ cho dễ, hay đọc từ “job” thành “dóp” chẳng hạn. Hãy quên ngay kiểu học này đi bạn nhé! Nếu bạn muốn phát âm rõ ràng cho người khác hiểu, bạn cần tập trung chú ý làm đúng/rõ những âm không có trong tiếng Việt, ví dụ âm /ɪ/ hay các âm gió khó như /tʃ/ (cheap, watch), /dʒ/ trong “job” hay “fridge”.
Để làm được điều này, bạn hoàn toàn có thể tự lên mạng, tìm hiểu về hệ thống bảng phiên âm tiếng Anh (kèm video). Một số kênh gợi ý là Rachel’s English: https://www.youtube.com/c/rachelsenglish/featured
Kênh này thuở xưa mình cũng tìm hiểu và thấy rất đầy đủ và hữu ích, nếu bạn có thể nghe hiểu tiếng Anh thì đây là một kênh hữu dụng.
Nếu bạn không hiểu tiếng Anh và muốn tiếng Việt cho gần gũi, bạn có thể tham khảo kênh Youtube của MoonESL: https://www.youtube.com/c/MoonESLphatamtienganh
2. Đừng đi đường tắt, hãy gắn liền NGHE VỚI PHÁT ÂM
=> Xem tổng hợp các bài viết về phương pháp luyện nghe ở đây
Rất nhiều người thích học quy tắc phát âm. Theo mình, để nhớ hết những quy tắc và các ngoại lệ sẽ mất quá nhiều thời gian và công sức. Học quy tắc không giúp bạn biết cách đọc chuẩn của từ vì bạn đã tách rời việc NGHE với phát âm. Giống như một đứa trẻ học nói, chúng cần nghe thấy người lớn nói từ đó trước khi có thể nói đúng từ. Ví dụ, con mình học nói từ “bố”, nó phải nghe bố nói rất nhiều từ này trước khi con làm thành công.
Do đó, cách tốt nhất là tạo thành thói quen kiểm tra cách phát âm của bất kỳ từ mới nào mà bạn học được. Các từ này sẽ xuất hiện lại nhiều lần nếu bạn nghe nói tiếng Anh thường xuyên, cho nên, bạn sẽ nhớ các phát âm của các từ này.
3. Tìm hiểu về trọng âm và giai điệu khi nói
=> xem thêm về trọng âm tiếng Anh ở đây
Phát âm không chỉ học về âm, bạn hãy nhớ điều này! Để nói rõ ràng, bạn đừng chỉ đọc to rõ từng từ, vì như vậy người nghe sẽ cảm thấy rất khó tập trung. Cách nghe tiếng Anh của mọi người là tập trung vào các từ bạn nhấn to nhất, và nhận diện từ đa âm tiết dựa trên trọng âm của nó. Do đó, bạn cần đảm bảo rằng bạn đang nhấn đúng trọng âm của những từ quan trọng trong câu, và làm rõ những từ truyền tải ý nghĩa của câu.
Ví dụ, nếu bạn định nói: Failure is an important stage on the road to success.
Bạn cần làm rõ các phần in HOA sau:
FAIlure is an important STAGE on the ROAD to sucCESS.
=> xem thêm về giai điệu trong tiếng Anh (rhythm) ở đây
4. Nghe và phân tích
Hãy chọn một bài đọc ngắn ở bất kỳ quyển giáo trình tiếng Anh nào, ở tốc độ chậm. Khi bắt đầu, bạn có thể chỉ chọn 3-5 câu là đủ. Sau đó, bạn hãy thử nghe người ta nói (kèm nhìn transcript).
Dựa trên cách nói, bạn hãy gạch chân trọng âm của từ, tự thử nhận diện các âm của các từ xem có đúng không. Bạn hoàn toàn có thể kiểm tra lại âm của các từ dựa vào việc tra từ điển hoặc nhanh hơn, bạn có thể dùng trang: https://tophonetics.com/
Nếu không có quyển giáo trình nào trong tay, bạn có thể tìm một bất kỳ một đoạn tiếng Anh nào, sau đó vào Google translation để nghe đọc mẫu, hoặc đưa lên trang này: https://www.naturalreaders.com/
Trang này có lợi thế là bạn có thể chọn chất giọng (nam/nữ, các accent khác nhau) + tốc độ đọc (nhanh/chậm tùy ý). Khi nghe mẫu đọc, cố gắng phân tích và cảm nhận cách họ đọc từ, nhấn trọng âm và nhấn các từ quan trọng trong câu. In phần text của bài ra, gạch xanh đỏ và viết ra phiên âm theo mình là cách học hiệu quả.
5. Đọc theo ở tốc độ chậm
Đừng vội vàng làm những bài tập “shadowing” (đọc đuổi theo mẫu) mà các cao thủ tiếng Anh thường chia sẻ trên mạng. Những bài tập này hoàn toàn không phù hợp với người mới bắt đầu. Dựa trên những phân tích bạn đã làm ở bước 3, nghe lại mẫu đọc và tập đọc theo.
Ở bước này, bạn đừng quên tự ghi âm và nghe lại. Ghi âm nhiều lần, tự nghe và tự đánh giá xem mình đã nhấn trọng âm đúng chưa, đã nhấn đúng từ mà mẫu nhấn hay chưa.
6. Lặp lại nhiều lần bước 3, 4 & 5
Học phát âm chưa bao giờ tách rời với việc nghe. Khi luyện phát âm, mình không học theo sách giáo trình phát âm, đọc từng từ lẻ. Theo mình, đây là cách mất thời gian nhất. Hãy nghe càng nhiều càng tốt (bước 3), ghi âm liên tục một bài (bước 4) cho tới khi bạn cảm thấy hài lòng (bước 5).
Đặt mục tiêu: Mỗi bài bạn chọn không cần quá dài, hãy chọn bài đọc chậm, đơn giản, dễ đọc trước. Sau đó, nâng dần tốc độ của bài cũng như độ dài của bài.
Đó là những bước mình đã đi qua và mình tin chắc rằng nếu bạn kiên trì áp dụng, nhất định sẽ thành công. Còn nếu bạn không thể kiên trì, hãy tìm một chuyên gia có thể dẫn đường cho bạn.
Bài học số 6: Moon luyện tập tiếng Anh hàng ngày như thế nào?
Cô Moon Nguyen mặc dù đã rất giỏi tiếng Anh, nhưng vẫn học tiếng Anh mỗi ngày đấy các bạn ạ. Cùng xem lịch “học” mỗi ngày của cô nhé.
Video: hành trình học tiếng Anh hàng ngày của cô Moon Nguyen
Chia sẻ với các bạn một ngày bình thường mình luyện tiếng Anh, biết đâu lại “inspire” được ai đó.
Buổi sáng: yoga và học online bằng tiếng Anh
+ Ngay sau khi thức dậy, mình sẽ dành thời gian để tập yoga tầm 10 phút. Mọi người thường nghĩ tập như vậy không ăn thua nhưng nó thực sự giúp duy trì sức khỏe của mình. Trước mình rất hay bị đau cổ vai gáy, sau khi kiên trì luyện tập trong 2 tháng, đã có biến chuyển rõ rệt. Mình follow kênh Youtube yoga của một bạn là Yoga Kasssandra, và bạn ấy nói tiếng Anh hướng dẫn trong quá trình luyện. Mình thường ít khi nhìn vào màn hình xem động tác, mà nghe hướng dẫn & làm theo, thi thoảng liếc màn hình coi xem mình làm đúng không. Cho nên, có thể coi cũng là một cách để luyện nghe.
+ Moon thường dành thời gian (chừng 15-20 phút mỗi ngày) để học theo một chương trình nào đó. Moon đã học hết hơn chục khóa trên cousera, về nhiều chủ đề khác nhau như chăm sóc sức khỏe, branding, content Marketing. Mỗi khóa có nhiều module, mỗi sáng thường mình chỉ dành thời gian xem 1-2 videos, ghi chép lại ý chính của mỗi bài, coi như là đi học & giữ tinh thần mình mới mẻ.
Nghỉ trưa: xem TV show của Mỹ
+ Thời gian nghỉ trưa, mình thường biến thành một “couch potato”. Lúc nãy, mình sẽ bật tivi, chọn 1 TV show của Mỹ mà mình thích, và xem 1 tập (chừng 30-40 phút). Hiện mình đang xem bộ “ Gilmore girls” về tình cảm bà mẹ đơn thân và cô con gái, phim trong sáng, xem được, nói tiếng Anh cảm giác nhanh hơn phim “How I met your mother”.
Chiều nghe youtube “how to…”
+ Lúc này, mình có thể di chuyển trên đường làm gì đó. Mình sẽ bật Youtube lên nghe. Thay vì nghe nhạc, mình sẽ search Youtube một chủ đề gì đó, ví dụ “How to increase Youtube subscribers” và nghe. THường tùy đoạn đường, mình sẽ nghe được chừng 2-3 videos, vừa luyện nghe vừa trau dồi, học hỏi những kỹ năng mới.
+ (Optional) Khi nào cần search Google bất kỳ kỹ năng nào, mình sẽ search bằng tiếng Anh và đọc nhanh, hoặc mở tin trên báo ra đọc (NPR).
Tối: luyện nói và ghi âm
+ Đây là khoảng thời gian bận bịu nhất của mình, khi phải cơm nước & chuẩn bị dạy online. Tuy nhiên, sau khi xong xuôi, thường là trước khi đi ngủ, trốn vào nhà vệ sinh hoặc chỗ nào đó 1 mình tầm 5 phút, nói tóm tắt lại cả ngày & ghi âm.
Đấy, thế là xong một ngày.
À, còn 1 việc nữa, là trong toàn bộ thời gian ở nhà từ sáng tới tối, lúc nào nhớ ra là “tâm sự” với anh chồng và con cái bằng tiếng Anh.
Đó, bạn đâu cần ở Mỹ mới luyện tiếng Anh được, chúng ta có thể học ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này.
Tác giả: Cô Moon Nguyễn
Fanpage: MoonESL – phát âm tiếng Anh
Khóa học: Phát âm tiếng Anh – nói tự nhiên
Khóa học: Phương pháp luyện nghe sâu tiếng Anh